Ngày 12.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Phương Thảo (Bí thư Đảng ủy P.5, Q.Tân Bình) cho biết, với mong muốn góp một phần công sức của mình vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, cũng như nâng cao sức khỏe cho người dân địa phương nên bà Thảo nảy ra ý tưởng đã lập nhóm “bác sĩ gia đình” tư vấn, thăm khám sức khỏe F0 miễn phí cho người dân lúc đang dịch bệnh trên địa bàn P.5, Q.Tân Bình.
Tình nguyện viên mang thuốc miễn phí đến tận nhà
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Phương Thảo cho biết, mô hình “bác sĩ gia đình” được cấp tập chuẩn bị mất chừng nửa tháng kể từ khi kêu gọi thiết bị y tế đến nhân lực là các bác sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên... Mô hình này đã đi vào hoạt động được gần một tuần.
“Dịch bệnh kéo dài, các bệnh viện lại quá tải bệnh nhân hoặc một phần do người dân ngại đến bệnh viện thăm khám. Tôi đã vận động các bác sĩ tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân liên quan đến Covid-19 và cách xử trí nếu diễn tiến nặng”, bà Lê Thị Phương Thảo nói.
Tính đến ngày 12.8, mô hình “bác sĩ gia đình” đang tư vấn, thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 50 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà thông qua nhóm chat Zalo.
Mô hình này có sự tham gia của 3 bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng (ở Q.3). Ngoài ra còn có sự tham gia của điều dưỡng, nhân viên trạm y tế phường và các tình nguyện viên, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân mắc Covid-19, liên tục 24/24.
|
“Mặc dù các bác sĩ phải túc trực ở bệnh viện, với áp lực công việc rất lớn, nhưng rất may là vẫn đồng ý tham gia cùng nhóm. Tôi thật sự rất cảm kích vì các bác sĩ tuy bận rộn, nhưng vẫn sắp xếp công việc, thời gian để tư vấn cho người dân. Hiện giờ nhóm đang phối hợp rất nhịp nhàng”, bà Lê Thị Phương Thảo bày tỏ.
Ngoài thời gian tư vấn trực tiếp trong nhóm chat để các thành viên có thể tham khảo nếu gặp tình trạng tương tự, 3 bác sĩ chủ động gửi số điện thoại riêng kèm lời nhắn “Có các vấn đề gì về sức khỏe vui lòng liên hệ trực tiếp để được tư vấn cụ thể cho từng trường hợp”.
Sau vài ngày đi vào hoạt động, mô hình “bác sĩ gia đình” dần trở thành người bạn của F0 sống tại P.5, Q.Tân Bình. Chia sẻ với chúng tôi, chị X.T (40 tuổi, ngụ P.5) cho biết, cách đây mấy ngày hai con của chị nôn ói, không ăn uống được, rất may có bác sĩ trong nhóm tư vấn, kê toa thuốc kịp thời cho bé nên nay đã ăn uống trở lại bình thường.
|
"Gia đình tôi có 4 người đều là F0. Chồng tôi trở nặng nên đã được đưa vào bệnh viện điều trị. Còn 3 mẹ con thì tự cách ly và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Thời gian đầu thật sự tôi rất lo lắng vì kiến thức chữa trị Covid-19 rất mơ hồ. Khi tôi liên hệ y tế phường thì họ cũng quá bận rộn nên không thể phản hồi nhanh được. Khi tôi cần sự giúp đỡ thì các bác sĩ phản hồi trong tích tắc và rất tận tình", chị X.T tâm sự.
Theo lời kể của chị X.T, các bác sĩ ngoài việc tư vấn sức khỏe thì còn làm các biện pháp tâm lý, 3 mẹ con chị được bác sĩ nhắn tin hỏi han tình hình sức khỏe thường xuyên. Những lúc chị không thể đi mua thuốc thì có tình nguyện viên hỗ trợ mang đến tận nhà... Vì vậy tâm trạng của chị cũng được thoải mái và yên tâm hơn.
Kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi Covid-19
Kể từ khi ấp ủ mô hình “bác sĩ gia đình”, bà Lê Thị Phương Thảo đã liên hệ một số bạn bè làm trong lĩnh vực y tế và một số lĩnh vực có liên quan để tham khảo chuyên môn và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
|
Qua đó, nhà hảo tâm đã ủng hộ P.5, Q.Tân Bình một số máy đo nồng độ ô xy trong máu, trong trường hợp nguy cấp sẽ chuyển thiết bị này đến cho các gia đình có F0 để bác sĩ tuy khám bệnh online nhưng vẫn đảm bảo chuyên môn điều trị. Còn các bạn tình nguyện viên ở địa phương thì hăng hái tham gia.
Bà Lê Thị Phương Thảo nhấn mạnh, việc bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền đòi hỏi quy trình thăm khám, thuốc men phải phù hợp với từng người. Do đó, các F0 khi tham gia vào mô hình này sẽ được phổ biến, hướng dẫn, nhắc nhở người dân không tự ý uống thuốc mà cần phải theo chỉ định của các bác sĩ.
"Khi mô hình "bác sĩ gia đình" đi vào hoạt động, một số bạn bè bác sĩ góp ý cho tôi là nên lập một danh sách cập nhật hằng ngày các triệu chứng của mỗi người dân coi như sổ khám bệnh để bác sĩ tiện theo dõi sức khỏe người bệnh hơn. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một giải pháp để mô hình này hoàn thiện hơn trong tương lai, sớm đẩy lùi Covid-19”, bà Lê Thị Phương Thảo bày tỏ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND P.5, Q.Tân Bình cho biết, mô hình "bác sĩ gia đình" hiện nay đang chung tay cùng chính quyền địa phương (P.5, Tân Bình) chăm lo sức khỏe cho người mắc Covid-19. Mô hình này là một nơi đáng tin cậy để người dân thẳng thắn chia sẻ các vấn đề về bệnh tình để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị cũng như cách xử trí kịp thời nếu tình trạng diễn tiến nặng.
Bình luận (0)