TP.HCM: Nội dung phản ánh thủ tục hành chính chủ yếu về đất đai

30/10/2020 17:43 GMT+7

TP.HCM cho biết sẽ thực hiện nghiêm quy định về thư xin lỗi trong trường hợp hồ sơ trễ hạn , xử lý nghiêm trường hợp công - viên chức thiếu ý thức phục vụ người dân... trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Sáng 30.10, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động số 18-CTRHĐ/TU của Thành ủy và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030.

Sẽ thực hiện nghiêm thư xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn

Báo cáo tại Hội nghị, bà Ngô Thị Hoàng Các (Phó giám đốc Sở Nội vụ) cho biết từ tháng 6.2011 đến nay, TP.HCM đã tiếp nhận 507 trường hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức chủ yếu về việc chậm trễ, gây phiền hà, không thực hiện đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước... Nội dung phản ánh phần lớn liên quan đến việc giải quyết hồ sơ về nhà đất.

Toàn cảnh hội nghị

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Ngoài ra, từ năm 2015 - 2019, các sở ban - ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận hơn 84.012.611 hồ sơ (trung bình hơn 16 triệu hồ sơ/năm), trong đó ở các sở ban - ngành TP.HCM  là 24.723.018 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn mỗi năm đạt từ 97,52% - 99,93%; UBND quận, huyện là 11.506.571 hồ sơ, giải quyết đạt từ 98,16% - 99,92%; UBND xã, phường, thị trấn là 47.783.022 hồ sơ, giải quyết đạt từ 99,97% - 99,99%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trễ hạn, chưa xin lỗi kịp thời, chủ yếu ở lĩnh vực lý lịch tư pháp, đất đai.
Đồng thời, theo Báo cáo tổng kết Chương trình hành động số 18-CTRHĐ/TU của Thành ủy về chương trình CCHC giai đoạn 2021 - 2030, công tác đánh giá chỉ số PAR Index (chỉ số CCHC) TP.HCM có sự cải thiện về điểm số nhưng chưa bền vững, ổn định. Công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cá nhân tổ chức trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 80% trở lên nhưng chưa đạt kết quả mong muốn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự tìm hiểu các giải pháp đối với những phản hồi chưa hài lòng của người dân...
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện nghiêm quy định về thư xin lỗi trong trường hợp hồ sơ trễ hạn; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý nghiêm trường hợp công - viên chức thiếu ý thức phục vụ người dân, giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần nhưng không có lý do chính đáng; rà soát, đơn giản hóa, công khai minh bạch TTHC; xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân...
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết so với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, từ năm 2012 đến 2019, kết quả cải cách TTHC của TP.HCM đã đạt thứ hạng và tổng điểm tốt nhất là hạng 5 (đạt 99,86% so với điểm chuẩn của tiêu chí này).
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, ông Lê Trương Hải Hiếu (Chủ tịch UBND Q.12) cho biết Q.12 thời gian qua đã thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính ngoài giờ từ 11 giờ 30 đến 13 giờ vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần đối với các lĩnh vực của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, Phòng Quản lý đô thị... Đặc biệt, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cấp giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà và Quyền sử dụng đất tại UBND các phường, rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ, cắt giảm từ giảm 9 bước TTHC còn 2 bước. Đồng thời, phối hợp với Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.12, Chi cục thuế quận triển khai liên thông điện tử. Q.12 cho biết tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt 99,8%.

Nhiều mô hình tại TP.HCM cần được nhân rộng trên cả nước

TP.HCM đã triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh và ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử là một điểm nổi bật trong việc tham mưu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại TP.HCM. Đồng thời, đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. TP.HCM đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 668/1.176 TTHC.
Tuy vậy, hiện trạng hạ tầng CNTT của các phường - xã chưa được các quận - huyện quan tâm đúng mức; Ứng dụng CNTT theo ngành dọc chưa có sự phối hợp một cách tổng thể...

Ông Nguyễn Trọng Thừa (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) cho biết nhiều mô hình tại TP.HCM cần được nhân rộng ra cả nước

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thừa (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) cho biết TP.HCM đã đề ra 26 nhiệm vụ cụ thể để phát triển trong thời gian tới. Ông Thừa nêu ra 8 nội dung nổi bật của TPHCM, như: là một trong những địa phương quyết liệt trong việc cải cách TTHC, nổi lên một số mô hình có thể cả nước phải nhân rộng như: mô hình Q.Bình Thạnh trực tuyến, Q.Bình Tân công dân số, phòng họp không giấy tờ; liên thông điện tử trong giải quyết TTHC đất đai...; một trong những thành phố đầu tiên xây dựng chính quyền điện tử đô thị thông minh...
Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh việc CCHC tại TP không chỉ theo xu thế toàn cầu mà còn theo sự hài lòng của người dân; cuộc công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, TP.HCM phải quyết liệt nâng cao các chỉ số CCHC; thanh tra, tiếp nhận, xử lý các khiếu nại liên quan đến CCHC; xử lý các cá nhân, cơ quan có thái độ gây khó khăn...
Theo báo cáo tại hội nghị, TP.HCM đã tăng cường cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, số lượng người làm việc được UBND TP.HCM giao năm 2019 giảm so với năm 2017 là 24.687 người. Về tình hình quản lý biên chế, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, tăng 2.745 biên chế; giai đoạn từ năm 2015 đến nay thực hiện giảm biên chế. TP.HCM giao biên chế năm 2020 là 10.405, giảm 1.928 biên chế so với biên chế thành phố giao năm 2015 là 12.333 biên chế.
Về các chính sách an sinh xã hội, tình hình số người lao động tham gia BHXH bắt buộc tại TP.HCM tăng nhanh mỗi năm, năm 2011 là 1.717.940/3.908.851 người, chiếm tỷ lệ 43,95%; năm 2019 là 2.484.125/4.651.808 người, chiếm tỷ lệ 53,4%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.