TP.HCM phải làm gì để không tái diễn cảnh ‘chốt kiểm soát đông kín người’?

12/07/2021 15:33 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM tiếp tục tập trung phối hợp với các quận, huyện và TP.Thủ Đức không để tái diễn cảnh đông người, ùn ứ tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM với PV Thanh Niên vào trưa 12.7, sau khi trên thực tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) xảy ra tình trạng ùn ứ đông người.
* Thưa ông, hình ảnh ùn ứ rất đông người và phương tiện tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) khiến rất nhiều người lo lắng về việc không đảm bảo giãn cách, có thể tạo thêm nguy cơ lây lan dịch nếu trong số đó có trường hợp là F0 chưa được tầm soát. Vì sao lại có tình trạng đó?
Ông Trần Quang Lâm: Khi thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9.7, quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP.HCM là tổ chức thực hiện phải nghiêm, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để sớm khống chế quy mô dịch, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt trong đó, yêu cầu giãn cách, đảm bảo khuyến cáo 5K. Với việc đi lại, yêu cầu giãn cách, tuân thủ 5K là bắt buộc, cũng phải thực hiện nghiêm, triệt để trên toàn địa bàn. Tinh thần của Chỉ thị 16 cũng đã thể hiện rõ, chỉ cho phép ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết, có lý do chính đáng. Nếu ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị kiểm tra, xử phạt đúng theo quy định về yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Vấn đề giao thông, đi lại, Sở GTVT cũng đã có hướng dẫn rất kỹ, được các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi suốt những ngày qua.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm

Song, có một thực tế được nhận diện rất rõ, là TP.HCM - đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, việc chỉ đạo chống dịch khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước. Khó khăn, bởi TP.HCM là trung tâm giao thương rất lớn, với những đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư… rất đặc thù và mối liên hệ chặt chẽ về mọi mặt với các địa phương lân cận.
TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, công ty, xí nghiệp, chuỗi cung ứng… Vì vậy, việc đi lại, dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực tế cũng có những phát sinh từ đặc thù đó. Một bộ phận ra đường lúc này gắn liền với hoạt động thiết yếu, chuỗi cung ứng hàng hóa… Đây là vấn đề hệ trọng, nếu không đảm bảo được hoạt động thiết yếu, chuỗi cung ứng hàng hóa…, sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn.

Theo chân đội xét nghiệm Covid-19 lưu động, gõ cửa từng nhà truy vết F0 ở TP.HCM

Lưu thông trong nội ô không phải trình giấy xét nghiệm âm tính

Theo ông Trần Quang Lâm, tại 266 chốt kiểm soát việc đi lại theo Chỉ thị 16 của người dân bên trong nội ô TP.HCM, theo quy định của UBND TP.HCM, lưu thông trong nội ô không phải trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Người ra đường có lý do chính đáng lưu thông trong nội ô TP.HCM không cần giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.
Riêng tại 12 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào TP.HCM (12 chốt trên các tuyến đường kết nối 4 tỉnh giáp ranh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai), có kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Tuy nhiên, tại các chốt này, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Tất cả đều đảm bảo giãn cách, 5K.
* Vậy, trong 4 ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, tình hình đi lại trên địa bàn TP.HCM như thế nào, thưa ông?
Qua giám sát thực tế, và qua đo lường từ hệ thống camera giám sát giao thông lắp đặt trên các tuyến đường, mật độ giao thông trên toàn địa bàn TP.HCM giảm 70 - 80%, có một số khu vực giảm gần như tiệm cận 100%. Đa phần người dân có ý thức chấp hành, ở nhà phòng dịch.
Song, như tôi đã chia sẻ, còn một bộ phận ra đường để đến cơ quan, công ty, xí nghiệp làm việc đảm bảo cho các hoạt động thiết yếu, chuỗi cung ứng hàng hóa. Bộ phận này có giấy xác nhận đi làm của cơ quan, công ty, xí nghiệp, trình cho việc kiểm tra khi lưu thông qua các chốt kiểm soát.
Về chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), đây là một trong những tuyến đường trục từ địa bàn H.Hóc Môn, Q.12 và nhất là Q.Gò Vấp vào khu vực trung tâm thành phố, qua Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận, Q.1, Q.3… làm việc. Cũng tại chốt này, các giờ thấp điểm, lưu lượng giao thông rất thấp. Chỉ vào giờ cao điểm đi làm, thì đông hơn và xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.
* Không để tái diễn cảnh ùn ứ đông người tại chốt kiểm soát, vậy giải pháp cụ thể là gì?
Thực hiện Chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM luôn sâu sát tình hình, kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết các vấn đề có phát sinh từ thực tiễn. Tình trạng ùn ứ cục bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), lãnh đạo TP.HCM cũng đã nắm và kịp thời chỉ đạo Sở GTVT phối hợp giải quyết nhanh, tránh tái diễn. Tinh thần chung là phát huy trách nhiệm quản lý, vai trò điều tiết, giải quyết chủ động của quận, huyện và TP.Thủ Đức đối với vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Sở GTVT TP.HCM tiếp tục tập trung phối hợp các quận, huyện và TP.Thủ Đức không để tái diễn cảnh đông người ùn ứ tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong nội ô thành phố

Nhiều giải pháp tiếp tục được tập trung thực hiện. Trong đó, thứ nhất, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), sẽ tiến hành phân luồng từ xa, bố trí vị trí chốt phù hợp ở các nút giao thông hướng về trục đường này, chủ động giãn cách lưu lượng qua các tuyến đường khác (cũng có chốt kiểm soát) để tránh ùn ứ vào giờ cao điểm. Các chốt trọng điểm trong nội ô TP.HCM ở các quận khác, cũng áp dụng tương tự như vậy.
Thứ hai, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, các quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung rà soát lại cơ quan, đơn vị nhà nước về quy định cán bộ, viên chức làm việc trong thời gian giãn cách với số lượng chỉ 1/3 so với bình thường. Với cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp trên địa bàn nếu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thì mới điều tiết cho hoạt động; nếu không đảm bảo an toàn, thì tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để người lao động hạn chế ra đường đông.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường tuyên truyền Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc không ra đường khi không có lý do chính đáng. Đồng thời, các lực lượng chức năng sẽ tuần tra liên tục để điều tiết, kiểm tra, xử phạt các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Vào thời điểm này, chống dịch tại TP.HCM là ưu tiên số 1, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là trước hết và trên hết. Thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TP.HCM, đến giờ này, tình hình thực tế tiếp tục khẳng định, đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cần thiết, được thực hiện từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình. Mục tiêu cao nhất là để bảo đảm sức khoẻ cho người dân và vì sự phát triển lâu dài của TP.HCM.

TP.HCM chuyển Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 thành Trung tâm hồi sức Covid-19

Thế nào là ra đường có lý do chính đáng ?

Theo Chỉ thị 16 mà TP.HCM đang áp dụng, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết gồm: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao; làm việc tại các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
Những trường hợp ra đường có lý do chính đáng, cần có giấy xác nhận đi làm của cơ quan, công ty, xí nghiệp, trình cho việc kiểm tra khi lưu thông qua các chốt kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.