TP.HCM sẽ chủ động đề xuất phân chia tỷ lệ ngân sách hợp lý hơn

23/02/2018 16:17 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay sắp tới TP.HCM sẽ chủ động đề xuất tỷ lệ phân chia ngân sách 'hợp lý hơn' cho TP.HCM.

Sáng 23.2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ TP.HCM, quán triệt Nghị quyết của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. 


Dự hội nghị có nhiều cán bộ cao cấp TƯ nghỉ hưu như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng… 

Liên quan đến đề án, nội dung lĩnh vực tài chính, ngân sách để thực hiện Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay có hai loại là đề án tổ chức nghiên cứu, đề xuất và đề án thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ được phân công.

Trong nhóm đề án tổ chức nghiên cứu, đề xuất, đáng chú ý có đề án phối hợp với bộ ngành T.Ư thực hiện rà soát sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý ở TP.HCM. “Về vấn đề này, hiện nay chúng ta sử dụng lãng phí và rất kém hiệu quả. Hiện có khoảng 2.000 địa chỉ với diện tích 95.000 m2 thuộc cơ quan T.Ư quản lý, cho thuê hay phát huy không đúng mục đích sử dụng. Chưa kể nhà đất thuộc Quyết định 09 của TP.HCM thì diện tích còn lớn hơn rất nhiều. Sắp tới TP.HCM sẽ có đề án báo cáo và chủ động đề xuất với T.Ư, Chính phủ giải quyết vấn đề”, ông Phong nói.

Một đề án nữa mà ông Phong nêu là đề án thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Trước mắt sẽ xác trình 1 - 2 loại phí trình trong năm 2018 như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí về môi trường. Hiện UBND TP.HCM đang nghiên cứu và sẽ trình tại phiên họp HĐND TP.HCM vào tháng 3.2018.

“Cũng có nhiều ý kiến quan ngại việc tăng những loại phí này sẽ tác động đến môi trường đầu tư, đến công tác quản lý, tôi xin được nói rõ sẽ làm hết hết sức cẩn trọng, lấy ý kiến phản biện xã hội, chuyên gia, đánh giá tác động, hiệu quả quản lý chứ việc ban hành không nhằm vào thu ngân sách đâu”, ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (giữa) trò chuyện với đại biểu dự hội nghị Ảnh: T.Hiếu

Đáng chú ý, trong nhóm đề án thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ được phân công, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ đề xuất tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP.HCM có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng và nhà nước.

Lý giải thêm về đề xuất này, ông Phong cho hay trong Nghị quyết 16 xác định rõ giữ nguyên tỷ lệ phân chia ngân sách đối với TP.HCM với T.Ư là 23% nhưng sau đó Chính phủ trình Quốc hội kéo giảm tỷ lệ này xuống còn 18%. Tuy nhiên đến nay chưa có câu trả lời nào đủ cơ sở lý giải việc kéo giảm tỷ lệ này.


“Cho nên vừa qua khi báo cáo với Thường vụ Quốc hội, TP.HCM cũng trình bày suy nghĩ này và sắp tới TP.HCM sẽ chủ động đề xuất với T.Ư, Quốc hội một mức tỷ lệ ngân sách nào đó. Tất nhiên từ đây đến cuối nhiệm kỳ năm 2021 vẫn phải giữ đúng tỷ lệ vì Quốc hội đã quyết thì không điều chỉnh được”, ông Phong cho hay.

Ông Phong cho biết thêm khi tính tổng cân đối vĩ mô thấy ngân sách T.Ư khó quá nên buộc phải điều chỉnh tỷ lệ ngân sách của TP.HCM và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này khiến TP.HCM ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quy mô thu ngân sách rất lớn, chỉ cần thay đổi 1% cũng tác động chung đến cân đối chung của cả nước.

Trước đó tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân triển khai, quán triệt Kết luận số 21 ngày 24.10.2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.