TP.HCM: Tập trung hỗ trợ người lao động ngừng việc, hoãn việc tại các doanh nghiệp

23/09/2021 15:32 GMT+7

Báo cáo tại hội nghị giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM về gói hỗ trợ Covid-19 , Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, việc hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Từ đầu tháng 7 tới nay, TP.HCM triển khai song song Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Tại hội nghị giám sát về các chính sách hỗ trợ do Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 23.9, Sở LĐ-TB-XH cho hay, đến nay, TP.HCM cơ bản đã hoàn thành các chính sách hỗ trợ như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động tự do với số lượng thống kê hơn 1 triệu lượt người cơ bản đã hoàn thành xong đợt 1, còn đợt 2 vẫn đang gấp rút chi trả.
Tuy nhiên, đến nay, khi triển khai Nghị quyết 68, TP.HCM còn gặp khó đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (TP.HCM mới chỉ thực hiện giải quyết cho 7.852/11.731 người, đạt 66,93%); hỗ trợ lao động ngừng việc (TP.HCM vẫn đang hướng dẫn cho doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị); hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ thương nhân...

TP.HCM chính thức thông qua gói hỗ trợ đợt 3 với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng

Vướng mắc ra sao?

Theo lý giải của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, việc chi hỗ trợ cho những đối tượng này còn gặp vướng mắc khi TP đang thực hiện giãn cách xã hội, nhất là trong quá trình khảo sát, phối hợp thực hiện hồ sơ theo quy định hướng dẫn.
Đơn cử, với chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, theo quy định, “người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19…” là đối tượng được hưởng hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc rằng có cần có văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tạm dừng đối với từng doanh nghiệp cụ thể hay không và nếu có thì cần văn bản của cơ quan chức năng cấp nào? Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp chỉ tạm dừng một hoặc một số bộ phận/lĩnh vực hoặc giảm số lượng lao động như doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” thì có được hỗ trợ theo chính sách này hay không.
Hay ở chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, quy định rõ điều kiện nhận hỗ trợ là người lao động “làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo điều 3 Điều 99 Bộ luật Lao động (ngừng việc do dịch bệnh - PV) và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên”.
Tuy nhiên, giữa tháng 7, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cũng có ban hành công văn về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch Covid-19, trong đó quy định đối tượng là “người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền” và “người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được” nên nhiều đơn vị, địa phương thắc mắc liệu các đối tượng mà Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn trong công văn này, nhưng không có quy định tại Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì có được xem là đủ điều kiện để giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc theo quy định tại Nghị quyết 68 hay không.
Hoặc, với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh còn chậm, Sở LĐ-TB-XH cũng lý giải, do TP.HCM đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, phần lớn hộ kinh doanh đã đóng cửa để phòng chống dịch, “ai ở đâu, ở yên đấy” nên các cơ quan gặp nhiều khó khăn khi liên hệ hộ kinh doanh để chuyển mẫu đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kê khai và tiếp nhận...

Covid-19 sáng 23.9: 718.963 ca nhiễm, 487.262 ca khỏi | Mua thêm 20 triệu liều Vero Cell

Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM cũng đánh giá việc chi hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động còn thấp; hay hỗ trợ người lao động ngừng việc theo Nghị quyết 68 dù ban hành đã lâu nhưng Sở LĐ-TB-XH báo cáo vẫn còn đang hướng dẫn cho doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị.
Ông Bình đề nghị cần phải đẩy mạnh thêm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Đồng thời, khi thực hiện, vướng chỗ nào thì các sở, ngành cần tham mưu linh hoạt tháo gỡ ngay để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Sở LĐ-TB-XH cũng cho biết, thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc, hoãn việc, mất việc làm, hộ kinh doanh, thương nhân... đồng thời, xây dựng chính sách an sinh cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi do Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.