TP.HCM: Theo chân bác sĩ quân y chăm sóc F0 tại nhà

23/08/2021 14:33 GMT+7

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng đoàn công tác Học viện Quân y (Bộ quốc phòng) cho biết: 'Các bác sĩ quân y vào TP.HCM là đi xuống cộng đồng, ở cùng dân, chăm sóc F0 tại nhà'.

Chiều 22.8, bác sĩ Đào Huy Hiếu (học viên sau đại học Học viện Quân y) cùng 2 cộng sự là sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân y được phân công về P.12, Q.Tân Bình (TP.HCM) phụ trách Trạm y tế lưu động tại trụ sở sinh hoạt KP.3 (P.12). Đây là là địa bàn có gần 39.000 dân, với 120 ca F0 cách ly tại nhà đang cần được chăm sóc.

Bác sĩ Hiếu đang tư vấn cho một bệnh nhân F0 qua điện thoại

Ảnh: Duy Tính

Không ngơi nghỉ

Vừa tới địa bàn nhận nhiệm vụ, ngồi chưa ấm chỗ, thân nhân 1 ca F0 mời bác sĩ Trạm y tế lưu động đến xem bệnh, đồng thời đề nghị test nhanh Covid-19 cho 8 thành viên trong gia đình.
Bất ngờ, kết quả test cho ra thêm 5 ca F0 khác không triệu chứng. Trấn an bệnh nhân, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà, bác sĩ Hiếu kê toa thuốc cho F0 và trở về Trạm y tế lưu động.

Tổ công tác của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) xuống tận cơ sở chăm sóc sức khỏe cho các F0 tại nơi cư trú

Ảnh: Duy Tính

Cung cấp 4,32 triệu viên thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 tại TP.HCM

Sau chuyến hành quân kéo dài từ Hà Nội vào TP.HCM chiều 21.8, hành quân đến Trạm y tế lưu động ngày 22.8, mặc dù mệt mỏi nhưng bác sĩ Hiếu vẫn “ôm” điện thoại tư vấn cho 10 ca F0 ở P.12 đến 1 giờ sáng và không bỏ sót tin nhắn nào. Đến sáng 23.8, các F0 báo cáo sức khỏe tốt, ăn uống bình thường. Bác sĩ Hiếu thấy lòng vui lên.
“Bà con lo lắng về uống thuốc mà thuốc không phải lúc nào cũng uống được như thuốc kháng viêm, chống đông máu. Nên phải giải thích rõ cho bà con và hướng dẫn khi nào được uống để tránh tác hại”, bác sĩ Hiếu nói.
Nhưng trong bối cảnh nhà sinh hoạt KP3 nhỏ hẹp, sáng 23.8, một lần nữa đội lại hành quân sang Trường THCS Trường Chinh gần đó. Trạm chỉ có 3 người nhưng sau 2 giờ dọn dẹp, thiết lập phòng sinh hoạt, phòng khám bệnh cho F0 hoàn thành.
Chưa kịp uống ngụm nước, bên kia đường 1 người đàn ông chạy sang hỏi ở đây có khám cho F0 phải không? Bác sĩ Hiếu gật đầu thì người đàn ông chỉ qua bà cụ N.T.N (67 tuổi) đang mang khẩu trang hướng mắt về Trạm Y tế lưu động, bảo: Nhờ bác sĩ khám cho cụ.
Bác sĩ Hiếu và cộng sự liền sẵn sàng túi thuốc, mặc bảo hộ và đi bộ nhanh chóng tiếp cận F0.

Lấy mẫu test nhanh cho F0 tại nhà

Ảnh: Duy Tính

Bà cụ kể với bác sĩ Hiếu đã mắc Covid-19 đã 15 ngày, cũng đã test 1 lần âm tính. Bà chỉ ở 1 mình vì lo sợ lây cho con cháu. Nay thấy bác sĩ nên nhờ xem lại.
Sau khi hỏi tình hình sức khỏe bà cụ, bác sĩ Hiếu giải thích tình hình sức khỏe bà đang tốt lên nên cứ yên tâm cách ly, ăn uống đầy đủ.
Bà cụ liền gọi con ở gần đó đưa test nhanh đến. Bác sĩ Hiếu lấy mẫu test nhanh cho bà cụ. Kết quả âm tính. Bà cụ mừng ra mặt và cảm ơn.
Bà cụ xin số điện thoại bác sĩ Hiếu, rồi bảo: "Có gì gọi con giúp bà nha. Có số điện thoại con rồi, trong xóm có gì thì sẽ gọi con".

Dự báo F0 tại TP.HCM sẽ tăng khi xét nghiệm Covid-19 diện rộng

Đến sáng 23.8, TP.HCM có 42.624 ca F0 đang cách ly tại nhà là 42.624 người, trong đó có 21.178 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 21.446 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.858 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.867 và F1 đang được cách ly tại nhà là 16.519 người.

Bài học quý báu cho đời bác sĩ

Sau khi về Trạm y tế lưu động và thay đồ bảo hộ xong, bác sĩ Hiếu nói với tôi: "Bà con nhiễm Covid-19, triệu chứng rất nhẹ nhưng rất sợ hãi lo lắng. Chúng tôi đã được trang bị ô xy, máy SpO2, thuốc cơ bản để điều trị bệnh nhân có triệu chứng hoặc nhẹ, có thể hỗ trợ bệnh nhân nhiều. Không chỉ ngồi tại chỗ mà còn cơ động đến hỗ trợ người già không đi được. Có chúng tôi, có gì bà con cứ gọi”.
Bác sĩ Hiếu tâm sự, đã xác định đi theo con đường “màu xanh áo lính” thì luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ và khi tổ quốc gọi tên thì lên đường.
Chuyện riêng tư, cá nhân, gia đình thì ai cũng có nhưng trong lúc này thì tổ quốc, nhân dân, vùng khó khăn cần hơn thì phải gác lại tất cả mọi chuyện riêng tư. Đối với bộ đội, đâu cũng là nhà, đi về với dân thì không lo lắng gì cả.

Y bác sĩ thiết lập Trạm y tế lưu động làm phòng khám, điều trị F0 trong khu dân cư

Ảnh: Duy Tính

“Tôi có 2 cháu nhỏ gửi cho ông bà, còn bà xã cũng đi chống dịch. Tôi không lo lắng nhưng ông bà ở nhà thì có chút lo lắng. Khi đặt chân đến TP.HCM và trải qua những ca khám bệnh đầu tiên, tôi thấy sự vất vả của mình không ăn nhằm gì với sự cực khổ, lo lắng của bà con. Nên xác định tinh thần thì bà con cần gì thì mình sẵn sàng.
Phụ việc cho bác sĩ Hiếu là 2 sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân y, Trịnh Văn Sơn và Trần Đức Sơn. Cả 2 vào TP.HCM lần này với tinh thần "khi nào dịch yên ổn mới trở về".
Ngay từ khi TP.HCM bùng phát dịch, tất cả sinh viên Học viện Quân y đều đăng ký tình nguyện lên đường đi hỗ trợ chống dịch. Nhận lệnh cách đây 5 ngày, họ lập tức lên đường. Công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin và tham gia điều trị F0 không triệu chứng.
“Đời sinh viên đây là lần thực hành khó khi nào có được. Đợt đi này sẽ là bài học quý giá cho đời bác sĩ sau này”, sinh viên quân y Trịnh Văn Sơn bày tỏ.

Người dân TP.HCM ghi nhớ những số điện thoại này khi cần hỗ trợ nhu yếu phẩm

Chiều và tối 21.8, đoàn y bác sĩ, học viên đầu tiên gồm 300 người của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã đến TP.HCM. Trong đó, có 113 bác sĩ là học viên sau đại học đang học tập tại Học viện Quân y, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư... Sau khi vào TP.HCM, đoàn sẽ chia thành 60 tổ quân y lưu động (mỗi tổ gồm 2 bác sĩ và 3 học viên). Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, trưởng đoàn công tác, cho biết: “Lần này chúng tôi vào là đi vào cộng đồng, ở cùng dân, chăm sóc F0 tại nhà. Bất cứ lúc nào dân cần thì lực lượng của chúng tôi có mặt. Chúng tôi đã phân công sẵn, theo nhu cầu của TP.HCM phân bổ, sử dụng như thế nào thì đơn vị sẽ sẵn sàng đáp ứng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.