Ngày 6.4, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo sơ kết 3 tháng thực hiện chính sách liên thông nội trú khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến tỉnh. Theo Sở Y tế TP.HCM, việc liên thông nội trú khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã bắt đầu có tác động đến tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trên địa bàn TP.HCM.
Theo dữ liệu khám, chữa bệnh trong quý 1/2021, cho thấy tình hình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM ít nhiều còn chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Theo đó, số lượt khám ngoại trú nói chung, tính luôn các bệnh viện thuộc bộ, ngành là 9,366 triệu lượt - tăng nhẹ 0,05%. Còn nếu chỉ tính trong phạm vi các bệnh viện thành phố, quận, huyện thì số lượt khám ngoại trú là 8,158 triệu lượt, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.
Số lượt điều trị nội trú nói chung, tính luôn cả bệnh viện bộ, ngành là 482.340 lượt, giảm 1,71%. Còn nếu chỉ tính trong phạm vi các bệnh viện thành phố, quận, thì số lượt điều trị nội trú là 405.580 lượt, giảm 2,15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nếu phân tích riêng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì có hiện tượng tăng cả tỷ lệ bệnh nhân tỉnh trái tuyến nội tỉnh và ngoại tỉnh. Bệnh nhân nội trú trái tuyến bảo hiểm y tế trong nội tỉnh (TP.HCM) quý 1/2021 tăng 20% và ngoại tỉnh nội trú trái tuyến bảo hiểm y tế tăng 26%.
“Dữ liệu khám, chữa bệnh của các bệnh viện thành phố trong quý 1/2021 cho thấy xu thế người bệnh tham gia bảo hiểm y tế cư ngụ tại thành phố và các tỉnh khu vực phía nam đến thẳng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để điều trị nội trú là tất yếu do được bảo hiểm y tế thanh toán 100% (tùy từng đối tượng trong phạm vi bảo hiểm y tế thanh toán là 80%, 95% hoặc 100%) theo quy định mới”, Sở Y tế nhận định.
Trong thời gian tới, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ tiếp tục đánh giá tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố theo hằng quý, nhất là sự biến động số lượt từ nội tỉnh và ngoại tỉnh trái tuyến để kịp thời điều phối hợp lý dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện phải xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, việc chi tiêu hợp lý trong sử dụng thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thời gian nằm viện… Việc này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cân đối thu - chi trong hoạt động của bệnh viện.
Theo Sở Y tế, hoạt động cải tiến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư trong bệnh viện, công tác giám sát, đánh giá sự tuân thủ phác đồ điều trị, chi phí điều trị hợp lý… có ý nghĩa thiết thực như giai đoạn hiện nay, nhất là sắp tới đây sẽ có thêm các phương thức chi trả mới theo định suất và theo từng chẩn đoán bệnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2021, TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi bảo hiểm y tế là hơn 20.102 tỉ đồng.
Bình luận (0)