TP.Thủ Đức: Kiến nghị cấp thêm kinh phí tuyên truyền cho bầu cử nhiệm kỳ mới

06/04/2021 15:44 GMT+7

Sáng 6.4, đại diện nhiều phường của TP.Thủ Đức kiến nghị cấp thêm kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sáng 6.4, Ủy ban bầu cử TP.HCM đã kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại TP.Thủ Đức.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch HĐND TP.Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Thủ Đức, cho biết TP.Thủ Đức có 68 người ứng cử đại biểu HĐND TP.Thủ Đức, trong đó có 4 người tự ứng cử.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch HĐND TP.Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Thủ Đức cho biết TP.Thủ Đức có hơn 730.000 cử tri

NHẬT LINH

Đến hết ngày 5.4, đã có 59/68 người tham gia ứng cử đã được tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, kết quả đạt tỷ lệ 100% đồng ý giới thiệu ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đến ngày 2.4, danh sách cử tri được viết nháp của 34 phường tại TP.Thủ Đức là 732.617 người. Được xem là nhiều gấp 3 lần một số quận, huyện khác của TP.HCM.
Trao đổi trực tiếp tại buổi kiếm tra, đại diện nhiều phường của TP.Thủ Đức cho biết đảm bảo đúng tiến bộ đến ngày 13.4 sẽ niêm yết danh sách cử tri. Chia sẻ khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử, nhiều phường đề nghị được cấp thêm kinh phí tuyên truyền.
“Về kinh phí bầu cử, một số khoản so với đợt bầu cử nhiệm kỳ trước lại thấp hơn, gây khó khăn cho tổ bầu cử. Ngoài ra, kinh phí rót về các phường lại như nhau; vì vậy rất khó cho những khu vực cử tri đông”, đại diện P.Phước Long B cho biết. Lãnh đạo P.Phước Long B cũng cho biết đã thành lập 30 tổ bầu cử ứng với 30 điểm bầu cử với danh sách cử tri hơn 50.000 đang chờ niêm yết.
Riêng P.Trường Thọ có 12 điểm bầu cử với hơn 24.000 cử tri. Lãnh đạo P.Trường Thọ cũng cho biết cần thêm kinh phí để tuyên truyền trên các tuyến đường lớn trên địa bàn như Đặng Văn Bi, đường số 2, đường song hành Xa lộ Hà Nội.
Ngoài ra, đại diện P.Long Bình cũng có kiến nghị tăng thêm mức hỗ trợ cho tổ công tác bầu cử. “Tổ bầu cử đa phần là cô chú ở tổ dân phố, khu phố. Công tác tổ chức bầu cử như phát thẻ cử tri, vận động người dân đi bầu… các cô chú đã làm rất nhiều năm, cần được quan tâm, bồi dưỡng”, đại diện P.Long Bình kiến nghị.
Về phần kinh phí cho công tác bầu cử, đại diện Sở Tài Chính cho biết sở này đã có công văn hướng dẫn các địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung công việc. “Trên tinh thần đó, các địa phương làm việc liên quan đến công tác bầu cử đảm bảo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí”, đại diện Sở Tài Chính cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu: “Đã có quy định cụ thể về kinh phí cho người làm dưới 15 ngày bao nhiêu tiền và trên 15 ngày thì như thế nào. Vì vậy cần phân bổ nhiệm vụ tổ bầu cử theo từng người, từng năng lực nhưng cũng không nên quá khe khắt”. Bên cạnh nhân lực có thâm niên, bà Thắm cũng đề nghị các phường nên chọn thêm lực lượng trẻ vì công tác bầu cử còn rất nhiều việc trước, trong và sau bầu cử.
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.HCM đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức tại TP.Thủ Đức, đặc biệt với thành phố chỉ mới thành lập chưa đến 100 ngày. Bà Lệ nhận định công tác chuẩn bị, tổ chức đang thực hiện đúng tiến độ đề ra. Về công tác tuyên truyền trong thời gian tới, bà Lệ định hướng TP.Thủ Đức nên lưu ý tránh lãng phí, kể cả lãng phí kinh phí và lãng phí công sức. “Chúng ta có bản tin, trang web... vì vậy nên chắt lọc và đẩy mạnh tuyên truyền ở các kênh này để tiết giảm việc in ấn, xả rác nhiều tờ rơi và cũng thuận lợi cho người dân tìm hiểu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.