Sau khi phiên tòa tạm dừng 1 ngày và đây cũng là lần tạm dừng thứ 2, chiều 26.3, TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương - Công ty Diệp Bạch Dương), ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) và 8 bị cáo khác.
10 bị cáo bị đưa ra xét xử do liên quan sai phạm trong hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng (của bị cáo Diệp) và tài sản nhà nước 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.
|
Qua đó, HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện KSND tối cao để điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm một số vấn đề, do phát sinh tình tiết mới tại tòa, nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm.
|
Những lý do tòa trả hồ sơ
Theo quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao làm rõ một số vấn đề do phát sinh một số tình tiết, tài liệu mới, nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai, cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Thứ nhất, tài liệu do Công ty TNHH TMDV Phan Thành và người bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp cung cấp, thể hiện vào ngày 18.9.2014, giữa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) TP.HCM - Công ty TNHH TMDV Phan Thành (Công ty Phan Thành) - Công ty Diệp Bạch Dương ký thỏa thuận về việc cho thuê nhà, trong đó, Công ty Diệp Bạch Dương sẽ cho Công ty Phan Thành thuê khu nhà 179bis-181-183-185 Hai Bà Trưng, là khối tài sản đang được thế chấp cho Agribank TP.HCM. Tiền thuê hằng tháng Agribank sẽ được hưởng 50% để thu hồi nợ.
Tuy nhiên theo tài liệu vụ án, ngày 8.2.2013, Dương Thị Bạch Diệp đã lấy sổ hồng 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam; tại tòa, Ngân hàng Agribank khẳng định đến năm 2017 mới biết Công ty Diệp Bạch Dương được cấp sổ hồng 185 Hai Bà Trưng cũng như việc công ty thế chấp tài sản này cho Sacombank. Đây là các mâu thuẫn HĐXX nhận thấy cần được làm rõ.
Thứ 2, đối với việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng với Agribank TP.HCM, theo HĐXX, tại tòa xuất hiện tình tiết cần xác minh làm rõ. Cụ thể, theo tài liệu của Phòng công chứng – PCC số 1 (TP.HCM) cung cấp cho HĐXX, trên hệ thống tra cứu dữ liệu công chứng có thể hiện có hồ sơ công chứng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng, song ngày công chứng thể hiện là ngày 16.1.2009, trong khi hợp đồng thế chấp lại ký 31.12.2008.
Tại phiên tòa, bị cáo Diệp khai ngày 31.12.2008, bị cáo đi Quy Nhơn. Chiều tối ngày 31.12.2008, bị cáo mới lên trụ sở Agribank ký nhiều hợp đồng, không đến PCC số 1. Và trên giấy biên nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 31.12.2008 thể hiện nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm vào lúc 10 giờ 35 phút và trả hồ sơ vào lúc 15 giờ.
Thứ 3, cần làm rõ sự khác nhau về thời gian trong tờ trình về cập nhật Quyền sở hữu nhà 57 Cao Thắng của Văn phòng đăng ký - VPĐK QSDĐ (Sở TN-MT)
Thứ 4, đối với chủ quyền nhà 57 Cao Thắng cấp ngày 21.1.2011 cho Công ty Diệp Bạch Dương, theo tài liệu điều tra và trình bày Agribank thể hiện, giấy chứng nhận này được VPĐK đất đai (VPĐKĐĐ) cấp lại và giao cho Agribank giữ do tài sản đang thế chấp tại Agribank.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Diệp phủ nhận và cho rằng giấy chứng nhận này do chính Công ty Diệp Bạch Dương nhận từ VPĐKĐĐ do tài sản không thế chấp. Sau đó do không đồng ý ghi nhận thế chấp trên giấy chứng nhận nên bị cáo Diệp đã đưa giấy cho bà Vũ Thị Tuyết Cẩm - là người của ngân hàng để yêu cầu xóa thế chấp. Để chứng minh việc này người bào chữa của bị cáo Diệp trình bản sao giấy chứng nhận trên được công chứng, chứng thực đúng bản chính ngày 25.1.2011 tại UBND P.Bến Nghé. Đồng thời cho rằng, nếu ngân hàng đang giữ, tại sao Công ty Diệp Bạch Dương có thể sao y giấy chứng nhận (GCN) trên. Theo HĐXX, đây là tình tiết mới phát sinh tại tòa cần được xác minh làm rõ, đặc biệt là quá trình giao nhận, thu giữ, xuất nhập bản chính GCN trên của Agribank từ VPĐKĐĐ TP.HCM.
Thứ 5, đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an trưng cầu chữ ký của bị cáo Diệp, người có quyền lợi liên quan Nguyễn Thị Châu Hà tại các tài liệu mà Công ty Diệp Bạch Dương đã nộp, lưu tại ngân hàng có phải là chữ ký của Diệp, của bà Nguyễn Thị Châu Hà hay không. Từ đó, làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Thị Châu Hà, là thành viên hội đồng Công ty Diệp Bạch Dương. Nếu có đủ căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ sáu, đề nghị điều tra làm rõ trong quá trình hoán đổi tài sản, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có thông báo cho các bị cáo khác trong vụ án biết tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp hoặc đang có tranh chấp thế chấp với Agribank hay không. Có căn cứ xác định các bị cáo khác trong vụ án biết tài sản này đang thế chấp hoặc đang tranh chấp với ngân hàng hay không.
Thứ 7, HĐXX đề nghị trong quá trình điều tra bổ sung, nếu có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người, mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất theo quy định pháp luật.
Thứ 8, tại phiên tòa, Agribank luôn khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp cho Agribank để bảo đảm cho khoản nợ 8.700 lượng vàng SJC và các nghĩa vụ tín dụng khác. Hiện nay, Agribank đang giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản 57 Cao Thắng. Ngược lại, bị cáo Diệp đưa ra nhiều chứng cứ cho rằng nhà 57 Cao Thắng không dùng để đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào. Bị cáo khẳng định các tài liệu đều là giả mạo. Do đó, HĐXX cho rằng vấn đề này cần được làm rõ để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, khách quan về quan hệ pháp luật này.
Trước đó, ngày 17.3, sau khi phiên xét xử được mở 2 ngày phải tạm dừng 5 ngày để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
|
Bình luận (0)