Nhằm giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, cũng như các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3 trong mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, TP đã lập hàng trăm trạm y tế lưu động và phát túi thuốc an sinh cho F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Sáng 19.8, tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chỉ đạo TP.HCM và các tỉnh phải thành lập các trạm y tế (TYT) lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn nhằm chăm sóc F0 cách ly tại nhà.
Trung tâm y tế đa chức năng
Chiều cùng ngày, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có văn bản khẩn gửi UBND và trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức về việc xây dựng kế hoạch triển khai các TYT lưu động nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe F0 cách ly tại nhà. Điều này góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.
|
Theo chỉ đạo này, tùy số lượng F0 cách ly tại nhà của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức thành lập các TYT lưu động. Có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như: nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân... để làm trụ sở TYT lưu động. Mỗi TYT lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, các khu vực lấy mẫu xét nghiệm, hành chính, lưu trữ thuốc, để bình ô xy, trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.
TYT lưu động có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc xin... Mỗi TYT lưu động ít nhất có 1 bác sĩ, 2 - 3 điều dưỡng. Có 3 - 4 nhân sự khác (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động người F0 đã khỏi bệnh, có nguyện vọng chăm sóc người F0)... Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.
|
Mỗi TYT lưu động có 2 bình ô xy, dụng cụ thở ô xy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, test nhanh Covid-19 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Danh mục thuốc gồm: túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho F0 (Sở Y tế đã có hướng dẫn), cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác. Phương tiện quản lý người F0 trên địa bàn là phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và phần mềm “Khai báo y tế điện tử”.
Túi thuốc an sinh cho F0 cách ly tại nhà
Bên cạnh các trạm TYT lưu động, tại một số địa phương ở TP.HCM cũng triển khai phát túi thuốc an sinh cho các F0 đang cách ly tại nhà. Bà Nguyễn Thùy Trinh, Trưởng ban dân vận Quận ủy Q.4, cho biết một số phường tại Q.4 đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ một số thuốc thông thường (không phải thuốc đặc trị), như: hạ sốt, ho, nước súc miệng, rửa tay, kháng khuẩn… để có các túi thuốc an sinh chăm sóc F0.
Trên địa bàn Q.4, P.6 là phường đầu tiên vận động các nhà thuốc trên địa bàn phường ủng hộ. Đến ngày 18.8, chính quyền P.6 và các tình nguyện viên đã phát 100 túi thuốc an sinh cho các F0. Sau khi thấy P.6 thực hiện hiệu quả, các phường 1, 4, 8, 13... cũng vận động các nhà thuốc trên địa bàn hỗ trợ các loại thuốc cơ bản, để phân thành túi thuốc an sinh cho F0. “Mỗi phường sẽ có cách vận động khác nhau nhưng mục tiêu là cung cấp nguồn thuốc cơ bản, hỗ trợ F0 điều trị bệnh. Ngoài ra, Hội đông y TP cũng đã hỗ trợ 3 đợt thuốc với 1.800 gói thuốc các loại (giảm sốt, ho, giải nhiệt cơ thể, dầu nóng...) cho bệnh nhân (BN), Hội đông y Q.4 đã hỗ trợ 1.200 gói thuốc xông. Sau khi tiếp nhận, quận đã chuyển về các phường, bổ sung vào túi thuốc để phân bổ cho BN F0”, bà Trinh cho hay.
Để nắm hết được các F0 trên địa bàn quận, phấn đấu không bỏ sót trường hợp F0 nào, bà Nguyễn Thùy Trinh cho biết thêm một số phường như 1, 6, 13... tạo một group quản lý F0 trên Zalo. Khi tổ trưởng tổ dân phố hoặc khu phố phát hiện địa bàn có F0 thì sẽ đưa F0 này vào group và quản lý. Khi phát hiện F0, y tế và chính quyền địa phương xuống dán bảng nhà có cách ly F0 tại nhà, đồng thời gửi túi thuốc an sinh cho BN. “Group P.13 có khoảng 200 cá nhân tham gia và đây là phường hỗ trợ chăm sóc F0, F1 tích cực, hiệu quả nhất của Q.4. Trong nhóm có một số bác sĩ trên địa bàn phường tham gia tư vấn sức khỏe”, bà Trinh nhấn mạnh. Cũng theo bà Trinh, hiện nay Q.4 hỗ trợ cho F0 có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính bằng PCR lẫn kết quả dương tính do người dân tự test nhanh tại nhà, vì theo bà, “quan trọng nhất là quản lý F0”.
Tương tự, từ ngày 14.8, chương trình “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” đã được triển khai trên địa bàn P.1, Q.Tân Bình; sau đó lan tỏa ra nhiều phường khác. Anh Ngô Nam Việt, Bí thư Đoàn thanh niên P.1, cho biết sau 3 ngày triển khai, Đoàn thanh niên của phường đã phát 44 túi thuốc cho các BN F0 có triệu chứng nhẹ, đang tự điều trị tại nhà. Trước đó, nhằm chăm lo cho các F0 đang cách ly y tế tại nhà, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 P.1 đã triển khai chương trình trang bị “Túi thuốc F0” cho người dân trên địa bàn phường. Túi thuốc gồm 7 loại dược phẩm bổ trợ, nâng cao thể trạng và giảm một số triệu chứng Covid-19 cho F0 đang cách ly tại nhà, gồm: Paracetamol 500 g (10 viên), Acetylcystein (10 gói), MultiVitamin (10 viên), nước súc họng (1 lọ), nước muối 0,9% (Natri Clorid 0,9%), viên C sủi Uscadimin C1g (10 viên), khẩu trang.
18.943 ca F0 cách ly tại nhàTheo Sở Y tế, hiện tại TP.HCM có 18.943 ca F0 cách ly tại nhà, trong đó nhiều nhất là quận 8, 7, 12, Tân Bình, Bình Thạnh… Căn cứ thực tế, Sở Y tế đề nghị thành lập 389 TYT lưu động. Q.8 có 49 trạm, Q.Tân Bình có 40 trạm, Q.7 có 36 trạm, Q.Bình Thạnh có 39 trạm… Dự kiến mỗi TYT lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 ca F0. Hiện TP.HCM có 319 TYT cố định.
D.T
|
Trên mỗi túi thuốc được thiết kế kèm mã QR, khi BN F0 tiếp nhận sẽ sử dụng điện thoại thông minh quét mã và được đưa vào nhóm Zalo “Bác sĩ đồng hành cùng F0 - P.1”. Trong group Zalo này, các BN F0 sẽ được các y, bác sĩ hỗ trợ theo dõi sức khỏe hằng ngày. Những trường hợp có triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ được bác sĩ tư vấn trực tiếp. Đối với những trường hợp cần can thiệp y tế khẩn cấp như: kiểm tra nồng độ ô xy trong máu (SpO2), cung cấp bình ô xy tại nhà hoặc chuyển viện khẩn cấp... sẽ được chuyển cho Tổ phản ứng nhanh của phường xử lý theo quy trình.
Bình luận (0)