Trắng đêm di dân chạy lũ

10/08/2019 05:49 GMT+7

Mưa lũ những ngày qua gây ngập ở rất nhiều địa phương, sạt lở đường , đèo dốc..., làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đến chiều 9.8, mưa lũ tại các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, rạng sáng 9.8, mưa lớn gây ngập lụt tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M'Gar, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và các huyện Tuy Đức, Cư Jut, Đắk Rlắp, tỉnh Đắk Nông, làm 1 người chết, 640 nhà dân và 6.309 ha hoa màu bị ngập nước.
Mưa lớn cũng xảy ra tại các xã Nam Cát Tiên, Phú Thịnh, Núi Tượng, Tà Lài thuộc H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai gây ngập lụt 441 nhà dân và khiến 1 người mất tích. Tại Cà Mau, mưa lớn kèm giông lốc xảy ra tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Phú Tân đã làm 1 người chết, làm sập và tốc mái 46 ngôi nhà. Tại các xã Dương Tơ, Cửa Ngạn và TT.Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang, mưa lớn khiến 3.950 nhà dân bị ngập lụt.
Trắng đêm di dân chạy lũ

Nước ngập hơn nửa căn nhà ở Phú Quốc

Ảnh: Hoàng Trung

Cùng ngày, tại Thanh Hóa, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thêm 2 thi thể trong vùng lũ quét tại H.Quan Sơn. Đến ngày 9.8, Thanh Hóa vẫn còn 7 người mất tích sau cơn bão số 3.
Liên quan đến sự cố kẹt cửa xả tại công trình Nhà máy thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông), ngày 9.8, các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã sơ tán trên 5.400 người dân. Đến chiều cùng ngày, mực nước hồ thủy điện này đã giảm 1,37 m so với thời điểm cao nhất nhưng khu vực này vẫn còn mưa lớn và tiềm ẩn nguy hiểm.

Đèo Bảo Lộc bị sạt lở kinh hoàng

Dân Lâm Đồng ứa nước mắt vì sạt lở phá sập nhà cửa, chôn vùi tài sản

Đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) nằm trên QL20, cung đường chính nối tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh miền Đông Nam bộ, TP.HCM. Ghi nhận của Thanh Niên, sáng sớm 9.8, dọc suốt
10 km đường đèo Bảo Lộc có đến 20 điểm sạt lở lớn nhỏ khác nhau. Riêng đoạn từ Km 97 - Km 100 (thuộc TT.Đạ M’ri, H.Đạ Huoai), có đến 5 điểm sạt lở lớn với hàng trăm tấn đất, đá, cây cối tràn xuống đường khiến giao thông cả 2 chiều lên xuống trên đèo này tê liệt hoàn toàn.
Trắng đêm di dân chạy lũ

Xe tải hơn 1 tỉ đồng bị nước lũ cuốn trôi làm biến dạng ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương

ảnh: Lâm Viên

Ông Cù Tuấn Nghĩa, Phó phòng CSGT (Công an tỉnh Lâm Đồng), cho biết lúc 0 giờ ngày 9.8 đoạn qua Km 97 xảy ra vụ sạt lở lớn với hàng trăm khối đất đá, cây cối đổ ập xuống, lùa xe khách giường nằm BS 49B-016.85, và ô tô 7 chỗ BS 49B-0927 lưu thông hướng từ Đà Lạt về TP.HCM mắc kẹt trên đèo, xuống vực sâu hơn 50 m; và 1 chiếc xe tải bị đất, đá đè nghiêng. Lúc gặp nạn, trên xe khách có 24 người, trong đó 5 hành khách bị thương nặng. H.Đạ Huoai huy động các lực lượng và người dân tổng cộng khoảng 100 người và 4 xe múc tiếp cận hiện trường triển khai cứu hộ. Cùng thời điểm, Công an tỉnh Lâm Đồng và các lực lượng của TP.Bảo Lộc từ đỉnh đèo cũng đến hiện trường phối hợp cứu hộ, cứu nạn. Sau khoảng 1 giờ giữa trời mưa giá lạnh, lực lượng cứu hộ đã đưa toàn bộ 24 người trên xe khách giường nằm ra ngoài an toàn. Riêng 5 hành khách bị thương được đưa đến Bệnh viện 2 Lâm Đồng (Bảo Lộc) cấp cứu.
Sau khi cứu người, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thức trắng đêm giải tỏa đất đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc. “Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và anh em CSGT đã đội mưa, chịu giá lạnh giữa đèo để thông xe được sớm nhất. Vì phía trên và phía dưới đèo hàng ngàn xe tải, xe chở du khách lên Đà Lạt nghỉ dưỡng cuối tuần đang xếp hàng dài chờ”, ông Cù Tuấn Nghĩa nói.
Lúc 9 giờ ngày 9.8 đường đèo thông một chiều. Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày trời tiếp tục mưa, đường đèo trơn trượt, vì thế cơ quan chức năng lại cấm xe từ hai đầu đèo để giải phóng hết đất đá khỏi đường trơn trượt nên đến 18 giờ 30 cùng ngày, vẫn có hàng trăm xe bị “giam lỏng” dưới chân đèo Bảo Lộc.
Trắng đêm di dân chạy lũ

Lực lượng công an, dân quân thức trắng đêm giải phóng mặt đường sạt lở ở đèo Bảo Lộc

ảnh: Lâm Viên

Ngập khủng khiếp ở Phú Quốc

Trận mưa liên tục kéo dài từ 15 giờ ngày 8.8 đến chiều 9.8 đã gây ngập nặng nhiều nơi tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đây là trận ngập kinh hoàng thứ hai trong vòng 1 tuần qua ở Phú Quốc (lần đầu vào ngày 5.8) khiến cuộc sống người dân vô cùng khổ sở.
Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng 9.8, các KP: 3, 4, 6, 9, 10 của TT.Dương Đông bị ngập rất nặng, có nơi nước lên đến cổ người. Người dân phải sơ tán đi ở trọ hoặc tìm nhà người thân ở nhờ, bỏ mặc dòng nước đổ vào nhà làm hư hỏng đồ đạc.
Tại KP.3 và KP.4 của TT.Dương Đông, người dân không thể trụ lại trong nhà của mình. Ông Phạm Văn Cá (51 tuổi, KP.4) cho biết nhà ông gồm 7 người đã phải thuê nhà trọ để trú ngụ từ ngày 5.8. Đến sáng 8.8, thấy thời tiết khả quan hơn nên cả gia đình về nhà dọn dẹp. Thế nhưng, đến chiều thì cơn mưa lớn lại đổ xuống khiến mọi người trong nhà đành phải ngồi bó gối trên những chiếc thùng đông lạnh trên nền nhà ngập nước.
Tương tự, tại xã Cửa Dương, trên tuyến đường Dương Đông - Bãi Thơm, đoạn qua ngã ba tuyến tránh Dương Đông, nước ngập lênh láng như sông, lực lượng chức năng đã phải dùng dây chặn không cho xe cộ qua lại. Các xe của lực lượng cứu hộ liên tục chở người và xe máy qua lại.
Lối vào ấp Bến Tràm cũng bị ngập nặng nên hàng ngàn người dân trong ấp này bị cô lập. Ngoài các lực lượng cứu hộ, chính quyền còn bố trí thêm một xe cấp cứu để sẵn sàng ứng cứu khi cần.

Tan hoang khu nông nghiệp công nghệ cao

Tại H.Lạc Dương (Lâm Đồng) hàng trăm héc ta rau, hoa công nghệ cao bị nước lũ nhấn chìm, trong đó hàng chục héc ta nhà kính bị tốc mái, bị nước lũ làm sập, cuốn phăng. Ông Nguyễn Lam Sơn, chủ trang trại Thảo Nguyên (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương), cho biết 3 ha nhà kính công nghệ cao của ông trồng cà chua, dưa leo, ớt ngọt cùng nhiều máy móc thiết bị sản xuất bị nước lũ cuốn phăng, thiệt hại hàng tỉ đồng.
Rạng sáng 8.8 nông trại sản xuất của ông Lê Dũng (thôn Đạ Nghịt) cũng bị nước lũ từ hồ Đan Kia đổ về nhấn chìm và làm hư hại 3 ha nhà kính thông minh sản xuất rau sạch. Ông Dũng đang mở rộng diện tích sản xuất, nước lũ cuốn 7 xe cơ giới đang thi công, trong đó 1 xe múc và 6 xe ben đi xa cả trăm mét và 3 chiếc bị nhấn chìm.
Sát cạnh đó là trang trại của Công ty Fresh Chilli VN cũng bị nước lũ làm sập nhà và san bằng trang trại. Tại thôn Păng Tiêng (xã Lát) hàng chục nông hộ lâm cảnh trắng tay khi trang trại sản xuất hoa công nghệ cao, kho xưởng, kho lạnh trữ củ hoa giống, máy móc bị nước lũ cuốn. Thiệt hại nặng nhất là trang trại, nuôi cá tầm công nghệ cao Trường Toàn (thôn Đạ Nghịt). Ông Nguyễn Văn Toản, chủ trang trại, bàng hoàng kể lại: “Lúc khoảng 4 giờ ngày 8.8, nước từ thượng nguồn suối Đạ Nghịt ầm ầm đổ về, chỉ trong phút chốc đê chắn nước bị phá vỡ, nước tràn vào trang trại cá của gia đình tôi, cuốn trôi hơn 100 tấn cá, gần 100 tấn còn lại bị ngạt khí chết sạch...”. Ông Toản tiếc nuối nhất khi 2.000 con cá tầm giống, có con nặng lên tới 30 kg theo nước lũ thoát ra ngoài hoặc chết không còn con nào. Ông Toản ước tính tổng thiêt hại trên 40 tỉ đồng.

Trắng đêm di dân chạy lũ

Huyện Đạ Tẻh là một trong những địa phương ở Lâm Đồng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mấy ngày mưa lũ vừa qua, với 679 căn nhà bị ngập, 1.714 ha cây trồng các loại bị nhấn chìm trong biển nước.
Một số địa phương của Lâm Đồng đang tiếp tục đối phó với tình trạng sạt lở đất. Ở H.Đạ Huoai, sạt lở đất đã và đang xảy ra nghiêm trọng tại suối Lạnh (đoạn qua các tổ dân phố 6 và 7, thị TT.Đạ M’ri). Tại chân đèo Bảo Lộc, có
2 nhà dân bị nước lũ làm xói mòn vào gần móng khiến ngôi nhà nằm treo lơ lửng trên miệng vực. Ở H.Bảo Lâm, sạt lở đất cũng đã làm đổ sập, hư hỏng 5 nhà dân tại xã Lộc Thành; uy hiếp hàng chục hộ dân. Hiện, xã Lộc Thành đã di dời tổng cộng 13 hộ dân trong vùng sạt lở. Tuyến đường thôn 10A (xã Lộc Thành) bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn. Trên đèo B40 (đoạn qua xã Lộc Bảo, H.Bảo Lâm) bị sạt lở 2 điểm khiến giao thông chia cắt, tê liệt gần 4 giờ.
Tại TP.Bảo Lộc, nước lũ đang rút dần, nhưng nhiều khu vực ở các xã Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Tiến và B’Lao nhà cửa của người dân vẫn chìm trong nước. Ở xã Đại Lào đã và đang xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất, có 5 vụ sạt lở làm đổ sập nhà dân, buộc phải sơ tán; trong đó, 1 nhà bị đổ sập hoàn toàn. Mưa vẫn diễn ra, đất đá từ trên các triền đồi cao đang uy hiếp nhiều nhà dân.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn đã có hơn 2.430 căn nhà bị ngập; 548 hộ dân được di dời; hơn 2.558 ha cây trồng bị ngập; 2,3 ha nhà kính bị thiệt hại; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 52,2 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 300 tấn cá tầm bị cuốn trôi; thông bị ngã đổ; hơn 30 vị trí đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; 7 cầu, cống bị cuốn trôi; 3 công trình thủy lợi và 1 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng... Ước tổng thiệt hại khoảng 120 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.