Trao đổi với Thanh Niên, nhà xã hội học, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, cho biết trước hết phải khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 thời quan vừa qua. Hiện nhiều địa phương đã dỡ bỏ các lệnh cấm, mọi hoạt động đã quay trở lại bình thường.
|
Riêng Hà Nội, phố đi bộ mới được mở cửa trở lại vào ngày 15.5, còn những hoạt động đặc biệt như karaoke, vũ trường… chưa được mở cửa. Điều này cho thấy Việt Nam đã nhanh chóng đưa toàn thể xã hội, cộng đồng vào trạng thái “bình thường mới” theo nghĩa nhập cuộc và chấp nhận một tinh thần sống chung với dịch bệnh Covid-19 lâu dài, bởi thế giới vẫn chưa kết thúc đại dịch.
Thậm chí, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta phải dè chừng sự quay lại của đại dịch với làn sóng thứ 2, thậm chí là thứ 3. Câu chuyện mới đây tại Hàn Quốc - quốc gia được nhìn nhận như là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nhưng vì sự chủ quan của giới trẻ vui chơi bỏ quên trạng thái giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang đã dẫn tới tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại. Đây là một bài học cho chúng ta. Điều này có nghĩa chúng ta phải duy trì trạng thái, làm việc, lao động, tập trung phát triển KT-XH với một tinh thần an toàn... “Tôi cho rằng đó là bối cảnh ra đời thuật ngữ “trạng thái bình thường mới”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói.
Duy trì những thói quen tốt
* Vậy “trạng thái bình thường mới” có gì khác so với trạng thái bình thường trước đây?
- Có thể với các ngành kinh tế, kỹ thuật… chúng ta chưa nhìn thấy hết, nhưng với những gì diễn ra ở ngoài xã hội, chúng ta có thể thấy không có cái gì khác trước đây. Không phải vì trạng thái bình thường mới mà các thầy thuốc thay vì đeo 1 khẩu trang nay sẽ đeo 2 khẩu trang. Không phải vì các cô, các bà đeo khẩu trang chống nắng, chống bụi thì nay kiên trì, duy trì đeo khẩu trang y tế…
Mọi sinh hoạt trở về bình thường, chỉ có một vài lĩnh vực nhạy cảm, những chỗ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, thì cấp quản lý chưa cho “đỏ đèn”, “sáng cửa”. “Bình thường mới” có nghĩa là không phải cái bình thường xưa cũ, bình thường truyền thống và chắc chắn không phải bình thường đúng nghĩa. Nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta bỏ hết các thói quen cũ, mà phải thay đổi để thích nghi với điều kiện mới, cuộc sống mới.
Trong dịch Covid-19 vừa qua đã đem lại nhiều thói quen tích cực cho người dân, nhiều trong số những thói quen ấy cần được giữ lại trong “trạng thái bình thường mới”, chẳng hạn như thói quen: đeo khẩu trang, rửa tay, thực hiện mọi khuyến cáo y tế; vận hành đúng quy trình vì sự an toàn cho sức khỏe cá nhân, cộng đồng...
|
* Với việc chính quyền các địa phương đã cho mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, các khu vui chơi giải trí, phố đi bộ… nhiều người lại lo ngại về tính chủ quan, kỷ luật của người Việt không cao, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh dịch quay trở lại?
- Từ lạc quan dẫn đến chủ quan, hay còn gọi là “lạc quan tếu” là những thuộc tính có ở người Việt. Nhưng, qua đại dịch, mọi người lấy lại được tinh thần kỷ luật, đặc biệt là ý thức của mỗi cá nhân đối với xã hội. Có lẽ chưa bao giờ người Việt Nam mình lại buộc lòng quay trở lại, nhìn nhận lại vai trò của mình, mối quan hệ của cá nhân mình với cả xã hội lớn như thế nào. Giống như cuộc chơi của quân bài domino, chỉ cần 1 mắt xích hỏng, 1 chỗ bục vỡ coi như toàn bộ ván bài đó hỏng.
Lời kêu gọi “trạng thái bình thường mới” của Chính phủ cũng là một khẩu lệnh, lời phát động cần sự cộng cảm của tất cả mọi người. Trong guồng máy cộng cảm này, chúng ta có hàng loạt những thiết chế, những bộ phận để thực hiện chức năng đó, mà đơn vị nhỏ nhất là suy nghĩ và nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi người. Tính kỷ luật vốn đã có sẵn trong mỗi người nhưng hay bị lãng quên, bây giờ chúng ta xem nó như một hành trang để tiến lên phía trước.
Hình thành nét văn hóa mới
* Với tình hình này, liệu chúng ta sống chung với “trạng thái bình thường mới” bao lâu và bao giờ có thể trở về trạng thái bình thường cũ hoặc trạng thái bình thường?
- Chúng ta không thể nào kết thúc cuộc chiến với Covid-19 chừng nào vắc xin phòng ngừa căn bệnh này chưa được tìm ra. Chúng ta vẫn phải tiếp nhận người Việt từ nước ngoài trở về, đó là những nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Ngay cả trong cộng đồng cũng không có gì đảm bảo cho dù chúng ta đã hơn 30 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn có khả năng lây lan ở đâu đó. Trạng thái này chắc không thể kết thúc trong ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian... Trạng thái này sẽ được duy trì ít nhất là đến hết năm nay; cũng có thể cùng với thời gian sẽ không có lời tuyên bố rằng, chúng ta chấm dứt “trạng thái bình thường mới” để quay về trạng thái bình thường xưa, bình thường truyền thống.
* Theo ông, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết hơn về “trạng thái bình thường mới” hay không? Và nếu có, cơ quan nào sẽ đưa ra hướng dẫn này?
- Trong một vài thập niên gần đây, thường trong bất cứ lĩnh vực gì chúng ta cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử, kim chỉ nam…, tức là quy chế hóa, điểm lệ hóa, thậm chí là văn bản hóa nó hoặc nếu không là quy chuẩn, quy giải. Chúng tôi nghĩ rằng, người ta sẽ phải chuyển hóa “trạng thái bình thường mới” trở thành một cái gì đó có tính chất bền vững trong hệ thống quy trình ứng xử. Chúng ta sẽ nhìn nhận những thành tố ứng xử đó, tinh thần đó được chuyển hóa trở thành giá trị văn hóa... Chắc chắn, ngành văn hóa sẽ phải làm chứ không phải ngành nào khác.
* Xin cảm ơn ông!
Vẫn cần thực hiện các khuyến cáo phòng dịch Covid-19 phù hợpThứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Chúng ta đang trong giai đoạn “bình thường mới”, là thời điểm dịch Covid-19 đã được khống chế cơ bản trong cộng đồng, nhưng vẫn còn các ca mắc từ bên ngoài. Trong nước đã giảm cách ly (giãn cách) xã hội để phát triển kinh tế, nhưng vẫn cần duy trì các biện pháp phòng dịch”.
Thứ trưởng Tuyên cho hay cần duy trì các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, khi đến nơi công cộng. Người dân cũng cần thích ứng với “bình thường mới”. Ví dụ: khi đi du lịch là kỳ nghỉ có thể mang tính chất cá nhân, nhưng vẫn cần thực hiện nghiêm các quy định chung về chống dịch (khai báo y tế, chia sẻ về lộ trình...) nếu du khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Còn theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam, với trạng thái “bình thường mới”, chúng ta giảm thực hiện cách ly (giãn cách) xã hội, dần trở lại với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, sinh hoạt, nhưng đồng thời vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
LIÊN CHÂU
|
Bình luận (0)