Tranh cãi vì máy đo nồng độ cồn

07/01/2020 07:31 GMT+7

Tranh cãi đã thực sự 'bùng nổ' khi bạn đọc Báo Thanh Niên đặt hàng loạt câu hỏi về chiếc máy đo nồng độ cồn mà CSGT đang sử dụng khi tuần tra kiểm soát trên đường.

Như phản ánh của Báo Thanh Niên, do mức phạt người có nồng độ cồn lái xe có thể lên đến hàng chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng, nên độ chính xác của máy đo nồng độ cồn được nhiều người đặc biệt quan tâm, bởi chỉ cần sai số nhỏ là mức phạt đã chênh nhau cả chục triệu đồng.

Uống nửa lon bia, tài xế choáng váng vì bị CSGT tước bằng lái 11 tháng

Bên lo “máy có sai số”

Bạn đọc (BĐ) Ngọc Hân (TP.HCM) nhận xét rằng có “sai số tiêu chuẩn” cho phép đối với máy đo nồng độ cồn “tới 0,020 mg/L hoặc 0,032 mg/L với kiểm định định kỳ” thì “hầu như tất cả những người tham gia giao thông khi bị CSGT đo nồng độ cồn chắc chắn 99,99% là bị phạt”. Đồng tình, BĐ Hoa Vàng Anh (Hà Nội) cũng cho rằng nếu đã thừa nhận độ sai số cho phép của máy đo nồng độ cồn thì “luật phải điều chỉnh lại trên 0,06 hay 0,08 gì đó mới bị phạt”.
BĐ Duy Nguyễn (TP.HCM) thậm chí còn “nhờ báo chí lên tiếng mạnh mẽ giùm vấn đề này” vì “máy có sai số mà mấy anh CSGT có quan tâm vấn đề này không, hay cứ hiện ra màn hình > 0 ml là phạt? Cả tháng lương của người ta chứ không phải chuyện đùa”. BĐ Đức Khánh (Bắc Ninh) cũng cho rằng có điều gì đó rất vô lý vì “vấn đề là máy có sai số. Vậy mà Nghị định 100 chỉ cần nồng độ khác 0 là đã phạt”.
Một chi tiết nữa được BĐ quan tâm vì mức nồng độ cồn nhạy cảm “từ 0 trở lên” cũng có thể bị máy ghi nhận nếu người tham gia giao thông... có ăn trái cây hay uống si rô. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol, dẫn tới hơi thở có nồng độ cồn, như: sô cô la nhân rượu, một số thuốc si rô cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng...

Uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020

Bên bảo “sao phải xoắn”

Trước ý kiến “ăn quả vải có thể gây nhầm lẫn với nồng độ cồn trong khí thở”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: “Lực lượng kiểm tra chỉ thực hiện đo khi xác định đối tượng có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn. Trường hợp người được đo không đồng ý với kết quả, có thể tiến hành bước thứ 2 là thử máu, nên không thể có chuyện nhầm lẫn như nhiều người lo ngại”.
BĐ Phúc (Hà Nội) nhận xét: “Bạn không vi phạm thì chả có gì phải xoắn vì CSGT đứng chốt, máy đo cồn, hay máy bắn tốc độ cả, vậy thôi”. BĐ BMW (Hà Nội) cũng cho rằng ngoài máy móc thì bản thân CSGT cũng sẽ dễ dàng có được đánh giá cảm quan để phân biệt “ăn quả vải, uống si rô” với chuyện “chỉ cần uống 1 lon, khi nói chuyện thì mùi bay từ mồm ra. Con nít cũng ngửi được mùi này chứ đừng nói CSGT”.
Cũng BĐ Phúc (Hà Nội) tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ lập luận của mình: “Nói ngắn gọn, cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là tuyệt đối chuẩn 100%. Không uống rượu bia thì chả có gì phải ngán mấy cái sai số, thậm chí máy đo là hàng giả thì cũng không ngán...”.
BĐ Viktor (Hà Nội) nêu ý kiến: “Tôi đồng ý phải làm mạnh để hạn chế tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe, nhưng tôi không đồng ý khi xử phạt cả trường hợp có cồn do ăn uống hoa quả cũng bị phạt, mức khởi điểm vượt quá độ cồn 0 là không hợp lý”.
Tại sao các nước khác có quy định nồng độ cồn tối thiểu, vượt mức tối thiểu đó mới phạt, còn Việt Nam thì cứ lớn hơn 0 là phạt?
Quốc (TP.HCM)
Các quy định mà không đặt ra ngưỡng giới hạn an toàn khi tham gia giao thông là rất không hợp lý.
Lương (Đà Nẵng)
Nhiều máy nhìn cũ thế, kết quả tin được không. Lệch chút là đi cả tháng lương con người ta.
Việt Quang (Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.