Tránh để người dân thiệt thòi vì giá bồi thường đất quá thấp

17/05/2017 08:09 GMT+7

Hội nghị phản biện xã hội, góp ý đối với một số quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức chiều 16.5 đã đặt ra một số vấn đề cần mang tính thực tiễn.

Thay mặt Sở TN-MT TP.HCM, ông Trần Minh Thơ, Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định (QĐ) số 23 của UBND TP.HCM ban hành ngày 15.5.2015 về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở TP.HCM.


Sửa đổi để phù hợp thực tiễn, pháp luật
Ông Trần Minh Thơ, Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Sở TN-MT), cho biết QĐ 23 cần phải thay đổi cho phù hợp thực tiễn, quy định pháp luật. Qua hơn một năm lấy ý kiến sở ngành, 24 quận huyện, Sở TN-MT nhận thấy có 32 điều của QĐ 23 phải sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý là việc sửa đổi quy định bồi thường, hỗ trợ liên quan đến cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cá nhân, tổ chức nước ngoài; bồi thường bốc mộ, di chuyển mồ mả; bồi thường về đất cho người sử dụng mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; bồi thường về đất cho những người đang đồng sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất trong khu vực ô nhiễm, sạt lở, sụt lún, hành lang kênh rạch...

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, việc sửa đổi QĐ 23 là cần thiết bởi trong thời gian qua, ở nhiều dự án, doanh nghiệp bồi thường rất thấp nhưng sau khi dự án được hoàn thành lại bán với giá rất cao dẫn đến việc người dân khiếu nại, khiếu kiện. Luật sư Hậu đề xuất dự thảo nên bổ sung hướng dẫn cụ thể điều 86 luật Đất đai 2013 về những chính sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi để tiếp cận dự án nhà tái định cư như thế nào. Qua đó sẽ đảm bảo cuộc sống của người bị thu hồi đất có chỗ ở ổn định.
Về giá bồi thường đất khi bị thu hồi, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị giá bồi thường nên được tính sau khi có nghị quyết của HĐND TP. Bởi hiện nay rất dễ xin chủ trương đầu tư nhưng từ khi xin chủ trương đến khi triển khai thường kéo dài vài năm khiến người có đất thiệt thòi vì giá đền bù quá thấp.
“Nghị quyết của HĐND TP mới chính là văn bản pháp luật. Cho nên tôi đề nghị giá đền bù được tính sau khi có nghị quyết của HĐND và UBND quận, huyện thuê đơn vị tư vấn, chứ giá đền bù không nên tính sau khi có chủ trương đầu tư”, luật sư Hòa nói.
Theo luật sư Hòa, dự thảo sửa đổi bổ sung QĐ 23 là văn bản cực kỳ quan trọng, liên quan đến nhiều người dân nên trước khi thông qua đòi hỏi phải có sự khảo sát thực tế, phải thẩm định sự tác động của dự thảo đối với đời sống người dân, sự tác động của dự thảo đối với các thủ tục hành chính khác.
Về việc hỗ trợ người dân khi nhà nước thu hồi đất, ông Mai Thanh Giàu, Ủy ban MTTQ VN Q.9, cho hay trên thực tế việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, đa số không phù hợp với người nông dân có đất bị thu hồi. Điều này vô tình đưa những người dân có đất bị thu hồi thành thất nghiệp ở môi trường tái định cư mới. Do đó, ngoài việc bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất thu hồi thì nhà nước cần có phương án hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề hợp lý đối với người có đất bị thu hồi.
Dù văn bản tác động đến nhiều hộ dân ở TP.HCM nhưng TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông, đô thị) lại nhận định cảm giác đầu tiên của ông là dự thảo rất khó hiểu bởi tham vọng của dự thảo quá lớn. Chưa kể có tới hơn 20 điều trên tổng số hơn
50 điều của QĐ 23 được đề nghị sửa đổi khiến người đọc khó hình dung. Từ đó ông Sanh đề xuất nên xin ý kiến UBND TP.HCM thay thế QĐ 23 còn hơn sửa đổi, bổ sung một cách chắp vá như vậy.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hồng cho biết những ý kiến phản biện sẽ được Sở TN-MT tổng hợp để xây dựng dự thảo sát với thực tế, đúng với quy định pháp luật, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.