Nhận định khiến lực lượng công an dậy sóng
Trong sáng qua (31.10), khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói ông ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng qua báo cáo, ông thấy rằng những vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp.
Đại biểu Nhưỡng cũng dẫn hàng loạt con số minh chứng cho quan điểm của mình như tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát nhân dân 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...
“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này”, đại biểu Nhưỡng nói.
Đầu giờ sáng nay (1.11), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đã tranh luận lại với nhận định này. Vị đại tá chia sẻ, từ hôm qua tới nay, ông liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của công an rất nhiều tỉnh. Họ rất quan tâm đến phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sáng qua.
“Tôi đã tìm đọc rất kỹ và lên truyền hình xem lại, đại biểu Nhưỡng đưa ra nhận xét như thế làm anh em rất phân tâm”, đại biểu Cầu nói và khẳng định, tất cả số liệu mà đại biểu Nhưỡng dẫn chứng là không đúng, không chính xác.
Ông Cầu thông tin, theo báo cáo của Viện Kiểm sát mà ông đọc thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87/120.142, số tin báo giải quyết quá hạn là 3.368/hơn 120.142 chứ không phải như ông Nhưỡng đưa ra.
“Đây là những thông tin khiến lực lượng công an dậy sóng. Đề nghị đại biểu Nhưỡng nói rõ lại vấn đề này để nhân dân cử tri cả nước, nhất là cử tri trong lực lượng công an được rõ”, đại biểu Cầu nói.
Khiến cử tri hiểu sai vấn đề về lực lượng công an
Tranh luận lại ý kiến của đại tá Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, bản thân ông dựa trên các báo cáo và tính toán chi li từng con số. Và con số ông đưa ra là do ông tính toán dựa trên sự so sánh tổng hợp số vi phạm pháp luật trong công tác tư pháp của các cơ quan hoạt động tư pháp; so sánh giữa các cơ quan kiểm sát, tòa án, công an, thi hành án, giám định.
Tuy nhiên, ông Nhưỡng không muốn công bố trên nghị trường vì đây là báo cáo mật nên đề nghị đại biểu Cầu xem lại báo cáo. “Trước quốc dân đồng bào, cử tri, tôi phát biểu không có bất kỳ một định kiến nào, mà đây là dựa trên cơ sở các báo cáo chính thức và không bao giờ có bất kỳ một số liệu nào ngoài luồng”, ông Nhưỡng khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vấn đề này 2 đại biểu trao đổi riêng. Tuy nhiên, sau giờ giải lao, đại biểu Cầu tiếp tục phát biểu vấn đề nêu trên. Ông Cầu cho hay, ông đã gặp đại biểu Nhưỡng để tìm hiểu về số liệu mà ông Nhưỡng đưa ra. Theo đó, đại biểu Nhưỡng đưa ra con số dựa trên tính toán của mình chứ không phải là con số trong báo cáo.
Ví dụ, trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý, trong 87 đơn này thì có 82 cơ quan công an chưa thụ lý. Đại biểu Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94% không thụ lý đơn tố giác.
Theo ông Cầu, với cách tính toán như thế này thì toàn bộ số liệu không phải số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Bên cạnh đó, ông Cầu cho rằng, ông Nhưỡng đã nhầm lẫn trong cách tính khi đáng ra phải lấy 87 đơn chưa thụ lý chia cho 120.142 tổng số đơn thì mới ra tỷ lệ giải quyết sai đến mức nào thì ông Nhưỡng lại so sánh trong 4 cơ quan với nhau.
“Khi phát biểu đại biểu lại không nói rõ mà đưa ra nhận định nói là vi phạm khủng khiếp, nghiêm trọng. Như vậy sẽ khiến cử tri hiểu sai vấn đề. Tôi thấy rất đáng tiếc. Tôi nói vậy để đại biểu hiểu thêm và cử tri phải hiểu vấn đề này, nếu không sẽ hiểu là công an sai phạm nhiều quá, không phải đâu”, ông Cầu nói.
Đại biểu Nhưỡng muốn tiếp tục tranh luận lại nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị đây là vấn đề cụ thể nên không tranh luận tiếp trên nghị trường nữa để dành thời gian cho các đại biểu khác chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành khác.
Phát biểu sau đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo báo cáo ủy ban này đã gửi tới Quốc hội, tỷ lệ giải quyết tố giác tin báo đạt 87,2%, so với chỉ tiêu của Quốc hội, còn 2,8% nữa mới đạt yêu cầu. Còn số tin báo giải quyết quá hạn, Ủy ban Tư pháp đã tính toán rất “thận trọng”. “Năm qua có 3.368 tin báo tố giác quá hạn chiếm 2,8% trên tổng số tin báo, chứ không phải chiếm nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Bình luận (0)