Mặc dù đã là lần thứ 2 thảo luận tại hội trường sau khi thảo luận tại tổ về luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề nên hay không lập quy hoạch xây dựng tỉnh bên cạnh quy hoạch tỉnh vẫn rất khác nhau.
Sẽ phát phiếu lấy ý kiến ĐBQH
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho hay, qua 2 lần thảo luận tại tổ và hội trường, có 24/37 ý kiến tán thành báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung và mức độ chi tiết của quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với quy hoạch tỉnh tại luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu (ĐB) qua 2 lần thảo luận, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo, tức là giữ quy hoạch xây dựng tỉnh bên cạnh quy hoạch tỉnh đã quy định tại luật Quy hoạch. Lý giải cơ sở cho đề nghị này, ông Thanh cho hay, việc quy định lập quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh là hoàn toàn phù hợp với luật Quy hoạch, là sự cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh về mặt kỹ thuật chuyên ngành, không ngang cấp với quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng tỉnh đã được triển khai rộng rãi, đã có 58 quy hoạch xây dựng tỉnh, 5 quy hoạch chung TP trực thuộc T.Ư được phê duyệt. Do đó, việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh mà chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội chưa thể lường hết được. Ngoài ra, việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh chưa nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia vì nội dung 2 quy hoạch này không trùng lắp…
Nhiều ĐB bày tỏ ủng hộ việc nên có quy hoạch xây dựng tỉnh bên cạnh quy hoạch tỉnh như dự thảo luật. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dẫn chứng thực tiễn việc thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh Kiên Giang 8 năm qua đã đạt nhiều kết quả để khẳng định, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là một công cụ quản lý nhà nước có hiệu quả để điều chỉnh lĩnh vực đầu tư xây dựng, đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài, có tác dụng quan trọng trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) thì cho rằng, việc bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh đồng nghĩa với việc phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh của VN được xây dựng từ trước đến nay nhưng chưa được tính toán kỹ lưỡng về tác động, có thể gây ra những lãng phí lớn.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, cho tới thời điểm này, cơ quan soạn thảo và các báo cáo giải trình vẫn chưa làm rõ được sự khác nhau về nội dung giữa 2 loại quy hoạch này và đề nghị UBTVQH làm rõ vì đây là nội dung rất quan trọng.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói: “Theo kiến nghị của các ĐB, Chủ tịch QH đã thống nhất sẽ xin ý kiến các ĐB bằng phiếu để các ĐB thể hiện chính kiến của mình”.
Người Việt chi 4 tỉ USD uống bia
Sáng 9.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt Chính phủ trình QH (QH) dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo bà Tiến, năm 2017, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỉ lít bia. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. VN là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.
Dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, theo Bộ trưởng Y tế, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 - 3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều gấp 2 lần chi phí trực tiếp. Tại VN, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỉ đồng. "Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỉ USD", bà Tiến cho biết.
Dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống tác hại. Tại điều 20 của dự thảo luật quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi...; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh (Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH), đa số thành viên ủy ban đồng tình với dự thảo luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này. Tuy nhiên, một số thành viên ủy ban không tán thành quy định trên, vì cho rằng nội dung không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử. Các ĐB này đề nghị chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán rượu, bia trên internet. Các ĐB sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo luật trong hai ngày 12 và 20.11.
Tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng từ 1.7.2019
Với 418/422 ĐBQH biểu quyết tán thành, chiều 9.11, QH đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 với một số chỉ tiêu như sau: Tổng số thu NSNN là 1.411.300 tỉ đồng; tổng số chi NSNN là 1.633.300 tỉ đồng; mức bội chi NSNN là 222.000 tỉ đồng (bội chi ngân sách T.Ư là 209.500 tỉ đồng, tương đương 3,4% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỉ đồng, tương đương 0,2% GDP); tổng mức vay của NSNN là 425.252 tỉ đồng.
Đáng chú ý, QH đề nghị thu vào ngân sách đối với toàn bộ phần lãi dầu, khí nước chủ nhà và lợi nhuận được chia từ Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) và nguồn lợi nhuận còn lại của Viettel.
QH cũng bố trí ngân sách để điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thực hiện từ 1.7.2019.
Lê Hiệp - Vũ Hân
|
Bình luận (0)