Triệt phá tổ chức tín dụng đen lớn nhất từ trước đến nay: Vươn vòi bạch tuộc

01/12/2018 06:51 GMT+7

Chỉ sau một thời gian ngắn, "bộ máy" của Công ty tài chính Nam Long đã phát triển xây dựng 26 chi nhánh phủ khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc...

Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, vào khoảng đầu năm 2018, Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, ngụ P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM) bàn bạc với Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) mở “công ty chung” để hoạt động tín dụng đen, lấy tên là Công ty tài chính Nam Long, nhưng không đăng ký kinh doanh, đặt trụ sở tại 393/5 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM.
Trong đó, Thành là người cầm đầu, trực tiếp điều hành hoạt động của “công ty”, còn Thắng là đối tượng cung cấp nguồn tài chính. Tham gia giúp sức dưới Thành và Thắng có các nhóm kế toán, quản lý nhân sự, nhóm tư vấn chăm sóc khách hàng, nhóm tiếp xúc khách hàng và thu hồi nợ.
Sử dụng hàng trăm tài khoản
Cũng theo tài liệu, chỉ sau một thời gian ngắn, "bộ máy" của Công ty tài chính Nam Long đã phát triển xây dựng 26 chi nhánh phủ khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc (mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 - 5 tỉnh và do một người đứng ra quản lý). Người đứng đầu chi nhánh được chi trả tiền công, cấp số điện thoại, trả tiền thuê nhà làm trụ sở giao dịch, và là nơi làm việc, sinh hoạt của nhân viên. Toàn bộ lợi nhuận trong hoạt động tín dụng đen của băng nhóm này được chia làm 2 phần, trong đó 50% lợi nhuận được sử dụng để “công ty” cho vay, 50% lợi nhuận còn lại Thành và Thắng chia nhau.
Ở hẻm này người dân nào cũng biết Thành sống trong nhà 393/5 và điều hành đường dây cho vay nặng lãi, tụ tập mỗi buổi chiều cạnh trụ sở công an phường, thế nhưng vẫn hoạt động công khai
Một người dân

Cách thức tuyển dụng, quản lý nhân viên của băng nhóm tội phạm này cũng hết sức tinh vi. Công ty tài chính Nam Long thường tuyển dụng qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các trang rao vặt, chợ làm việc trên mạng... với lời hứa sẽ trả lương cao. Đối tượng chúng tuyển dụng là thanh niên, có độ tuổi từ 18 - 30, chưa có tiền án, tiền sự, lý lịch trong sạch nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Công ty tài chính Nam Long đã xây dựng, ban hành các quy định để quản lý nhân viên rất khắt khe, mang tính ràng buộc, khống chế. Cụ thể, nếu nhân viên phá vỡ hợp đồng làm việc thì phải bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình, đánh đòn sa thải, phạt cải tạo trong công ty...
Sau khi tuyển người, Thành tổ chức huấn luyện cho nhân viên theo hình thức cầm tay chỉ việc, người đi trước hướng dẫn người đi sau. Thành còn cho soạn ra giáo án thẩm định, giáo trình xử lý nợ, sổ sách ghi chép phân loại khách hàng... để huấn luyện nhân viên nhằm tìm ra cách xử lý tình huống đòi nợ. Quá trình nhân viên dưới làm việc theo ý muốn của “lãnh đạo” công ty luôn có người giám sát. Và khi tổ chức các hoạt động cho vay tiền, đe dọa khách hàng buộc trả tiền chúng thường dùng các loại sim điện thoại khác nhau. Để phục vụ hoạt động cho vay tiền, Công ty tài chính Nam Long tự in các loại mẫu hợp đồng cho vay, giấy tờ mua bán tài sản. Chúng sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau (theo điều tra hiện đã thống kê được 70 tài khoản) ở nhiều ngân hàng, nhiều chi nhánh trên cả nước để khách hàng tiện nộp lãi, mặt khác chia nhỏ rủi ro khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Thu hàng trăm tỉ trong thời gian ngắn
Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ, nhưng thực tế lại khác. Việc sử dụng cách thức đe dọa, bạo lực, thậm chí sẵn sàng gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần thiết diễn ra rất phổ biến. Điển hình như trường hợp ông Trần Văn H. (ngụ TP.Cà Mau) vay 3 gói, trong đó 2 gói 500 triệu đồng và 1 gói 300 triệu đồng, thời hạn vay 41 ngày với lãi suất là 18.750.000 đồng/ngày, phí ngoài hợp đồng phải trả là 20 triệu đồng. Nhưng do ông H. nộp tiền chậm và bị phạt, còn bị hai người tên Thắng và Phong đến nhà đe dọa, gây gổ, gây rối trật tự và đã bị Công an TP.Cà Mau xử phạt.
Trường hợp chị Triệu Thị D. (ngụ H.Cao Lộc, Lạng Sơn) vay 100 triệu đồng, thời hạn 50 ngày, thỏa thuận 10 ngày trả 25 triệu đồng, phí ngoài hợp đồng là 7 triệu đồng. Đến khi trừ lãi và gốc 10 ngày đầu, lúc nhận tiền chị D. chỉ nhận được 68 triệu đồng. Sau lần chị D. trả lãi và gốc nhưng thiếu 10 triệu đồng, do chưa kịp xoay xở, Công ty Nam Long đã cử 11 người đi trên 2 ô tô đến trang trại nhà chị D. bắt đi 21 con lợn (loại từ 30 - 50 kg/con), 21 con dê (loại từ 15 - 30 kg/con), khi bắt các đối tượng không cân đo mà chỉ bắt nợ để tất toán.
Theo thống kê của cơ quan điều tra, mặc dù mới thống kê được 23/70 tài khoản ngân hàng của Công ty tài chính Nam Long, nhưng đã có số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỉ đồng, với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng.
"Nó bị bắt, hẻm mới được yên"
Ngày 30.11, PV Thanh Niên tới nhà số 393/5 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM, được xác định là nơi sinh sống của Nguyễn Đức Thành. Ngôi nhà 4 tầng, cửa đóng, không để bảng hiệu và bên trong không có dấu hiệu người sinh sống.
Ngay từ đầu hẻm 393 là trụ sở Công an P.Cầu Kho (cách nhà 393/5 khoảng 300 m). Khi hỏi về nhà Thành thì bà H. (người dân tại hẻm 393) liền nói “nhà của băng nhóm Hải Phòng cho vay nặng lãi, bọn nó bị bắt mấy tháng nay rồi nên hẻm mới được yên ổn”.
Theo người dân nơi đây, Thành từ ngoài bắc vào mua căn nhà này giá khoảng 4 - 5 tỉ đồng hơn 1 năm nay, sau đó sửa chữa lại để ở và hoạt động cho vay nặng lãi.
Thường ngày, tại ngôi nhà này có khoảng 5 - 7 người sinh sống. Vào cuối giờ chiều, nhiều thanh niên lạ mặt đi xe máy tụ tập về đây để gặp Thành. “Mỗi buổi chiều có từ 20 - 30 thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ, đi xe máy thu tiền nợ các nơi về nhà 393/5 để giao nộp cho Thành. Nhóm người này thường tụ tập khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ rồi bỏ đi”, bà H. cho biết thêm.
Còn theo ông K. (sống gần nhà 393/5), mỗi buổi chiều nhóm người cho vay nặng lãi tụ tập về nhà Thành dựng xe máy chiếm gần hết hẻm khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. “Họ thường xuyên tổ chức ăn nhậu trong nhà, có lần nhóm cho vay nặng lãi này đánh ai đó, họ tìm tới nhà Thành đập cửa đòi nói chuyện với nhóm này”, ông K. nhớ lại.
Điều đáng nói, theo người dân, nhà của Thành là nơi tập trung rất nhiều tay giang hồ cho vay nặng lãi vào mỗi buổi chiều, nằm cạnh trụ sở Công an P.Cầu Kho. “Ở hẻm này người dân nào cũng biết Thành sống trong nhà 393/5 và điều hành đường dây cho vay nặng lãi, tụ tập mỗi buổi chiều cạnh trụ sở công an phường, thế nhưng vẫn hoạt động công khai”, một người dân nói.
Ngày 30.11, PV Thanh Niên đến trụ sở Công an P.Cầu Kho (Q.1) để tìm hiểu về việc đăng ký tạm trú, tạm vắng của Thành và những người trong căn nhà 393/5. Tại trụ sở công an phường, một cán bộ trực ban yêu cầu PV xuất trình thẻ nhà báo. Sau khi xem thẻ nhà báo, cán bộ này yêu cầu cần có giấy giới thiệu mới làm việc. Sau đó, một cán bộ Công an P.Cầu Kho đi ra nói chỉ huy phường đi vắng, đề nghị PV phải xin ý kiến lãnh đạo Công an Q.1 mới trả lời. PV Thanh Niên đề ra trách nhiệm của công an phường về việc quản lý địa bàn, đăng ký tạm trú, tại sao băng nhóm giang hồ cho vay nặng lãi hoạt động công khai cạnh trụ sở Công an P.Cầu Kho thời gian dài? Cán bộ công an này nói: “Phải xin ý kiến lãnh đạo Công an Q.1 rồi mới trả lời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.