Trình Quốc hội bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc tại kỳ họp tháng 10

17/09/2020 11:46 GMT+7

Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm thủ tục để trình Quốc hội bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 tới đây, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo ông Phúc, hiện, Ban Công tác đại biểu đã có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội TP.HCM, do ông Quốc bị phát hiện có 2 quốc tịch.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giao Ban Công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ, sẽ bố trí vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020 - PV) tiến hành thủ tục bãi nhiệm", ông Phúc thông tin, và cho biết việc bãi nhiệm ông Quốc đã được đưa vào nội dung làm việc của kỳ họp thứ 10.

Toàn cảnh vụ đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp

Theo luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, hãng tin Al Jazeera (Qatar) mới đây đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 25.8, ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đơn thôi việc; đến ngày 27.8, ông Quốc có đơn giải trình báo cáo các cơ quan chức năng. Tới đầu tháng 9, ông Quốc cũng có đơn xin thôi việc và các nhiệm vụ do Thành ủy và UBND TP.HCM phân công tại Công ty Tân Thuận (IPC).

Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, nói về vụ việc của ông Phạm Phú Quốc

Lý giải về lý do bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với ông Quốc chứ không giải quyết cho thôi nhiệm vụ như với nhiều trường hợp đại biểu Quốc hội bị kỷ luật và có đơn xin thôi như trước đây, ông Phúc thông tin, vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, đã có trường hợp đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu vì lý do có 2 quốc tịch (ngoài Quốc tịch Việt Nam bà Nguyệt Hường còn có quốc tịch của Cộng hòa Malta - PV).
Ông Phúc nói, bà Nguyệt Hường ứng cử đầu nhiệm kỳ, có thể chưa biết quy định này. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Quốc đã biết bà Hường không được công nhận tư cách đại biểu vì liên quan đến quốc tịch. Hơn nữa, ông cũng là đại biểu tham gia xây dựng luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, thông qua vào tháng 6 vừa qua, trong đó quy định đại biểu chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
"Là đại biểu Quốc hội, anh rất am hiểu luật pháp, hiểu rõ quy định là đại biểu Quốc hội thì chỉ có một quốc tịch, nhưng anh vẫn cố tình vi phạm như vậy đây là lỗi nặng, phải xử lý nghiêm túc. Sau khi có quốc tịch thứ 2 cũng không hề báo cáo với Quốc hội. Đây là tình tiết tăng nặng và cần bãi nhiệm chứ không thể cho thôi nhiệm vụ", ông Phúc cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.