Trục xuất Việt kiều Mỹ Nguyen William Anh

20/07/2018 11:25 GMT+7

Trong lời nói sau cùng, Việt kiều Mỹ Nguyen William Anh mong HĐXX khoan hồng để bị cáo về Mỹ tiếp tục con đường học tập. Nguyen William Anh bị trục xuất vì hành vi gây rối trật tự công cộng.

Sáng 20.7, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên trục xuất bị cáo Nguyen William Anh (35 tuổi, người gốc Việt có quốc tịch Mỹ, sinh ra, lớn lên tại TP.Houston, bang Texas, Mỹ) ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay lập tức, sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên án.
William Anh bị Viện KSND TP.HCM truy tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng” khi biểu tình phản đối dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) và  An ninh mạng.
HĐXX nhận định, bị cáo William phạm tội lần đầu, là người nước ngoài, thành khẩn khai báo nên cần áp dụng Điều 37 bộ luật Hình sự 2015, trục xuất bị cáo phải rời khỏi lãnh thổ nước Việt Nam.
Tại phiên tòa, William thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã mua vé may bay từ đầu tháng 6.2018 để về Việt Nam du lịch. Trong thời gian chuẩn bị về, bị cáo có lên mạng tìm hiểu thông tin về Việt Nam thì thấy có thông tin về việc biểu tình nên tham gia.
William khai trước tòa là chưa tìm hiểu sâu về 2 dự luật trên nhưng muốn tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam nên hòa vào dòng người cùng biểu tình.
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM cũng đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt trục xuất đối với William Anh. Trong lời nói sau cùng, William mong HĐXX khoan hồng để về Mỹ tiếp tục con đường học tập.
Gây ách tắc giao thông hơn 3 giờ
Theo cáo trạng, từ năm 2016, William Anh học thạc sĩ tại Singapore, thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng xã hội liên quan Việt Nam nên biết thông tin kêu gọi biểu tình phản đối các dự án luật Đặc khu và luật An ninh mạng của Việt Nam vào ngày 10.6 tại Công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM).
Trước khi về Việt Nam, William Anh liên lạc tin nhắn với người có tài khoản “Vi Trần”, “Anthony T.Nguyen” trên mạng xã hội để trao đổi về hình thức và cách thức tham gia biểu tình tại Việt Nam.
Qua trao đổi, William Anh có nhắn cho “Anthony T.Nguyen” ý định của mình khi tham gia biểu tình sẽ không đem theo giấy tờ tùy thân, sẵn sàng đánh trả và bỏ trốn nếu bị lực lượng chức năng giải tán.
Đêm ngày 9.6, từ Singapore, William Anh nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Khoảng 9 giờ ngày 10.6, nắm thông tin qua mạng xã hội, William Anh đến khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ tham gia biểu tình. Khi cùng đoàn biểu tình tiến về hướng trung tâm TP.HCM, William liên tục dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh rồi đăng trên mạng xã hội Facebook, Twitter.
Ở nút giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Trỗi và đường sắt (Q.Phú Nhuận), khi đoàn biểu tình bị hàng rào của lực lượng chức năng chốt chặn, William Anh tiến lên dẫn đầu đoàn và phản đối đòi đi tiếp, đồng thời vẫy tay kêu gọi những người khác xông đến phá được hàng rào, tiếp tục di chuyển về hướng trung tâm TP.
Đến 13 giờ cùng ngày (10.6), đoàn biểu tình đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (Q.3) thì bị 4 xe bán tải của lực lượng cảnh sát án chặn, William Anh lại tiếp tục đòi lực lượng cảnh sát dời xe. Khi bị từ chối, William leo lên xe bán tải rồi kích động đoàn người làm theo, trèo qua xe bán tải để tiến về phía trước; đồng thời rung, lắc để lật xe bán tải của cảnh sát, dọn đường cho người biểu tình đi qua nhưng không được.
Sau khi vượt qua các xe bán tải khoảng 10 m, William bị lực lượng công vụ đưa về cơ quan công an để làm việc. Tại cơ quan công an, bị cáo khai nhận biết rõ các hành vi trên là trái phép nhưng vẫn làm dù chưa nghiên cứu kỹ các dự án luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Hành vi của William đã gây ra ách tắc giao thông tuyến đường tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất và gây đình trệ hoạt động công cộng trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa hơn 3 giờ, đã phạm vào tội “gây rối trật tự công cộng” thuộc trường hợp gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Điều 37 bộ luật Hình sự 2015: Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.