Trung Quốc làm sân bay tương đương quy mô Long Thành với giá chỉ bằng 2/3

12/11/2019 10:31 GMT+7

Tiến độ triển khai rất chậm, đến nay mới giải phóng mặt bằng được hơn 1%; Chính phủ lại đột ngột muốn chuyển sang chỉ định thầu cho ACV 3/4 hạng mục chính của Long Thành, khiến Quốc hội có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

“Chậm 4 năm mất luôn 1 cảng Long Thành giai đoạn 1”?

Sáng 12.11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Lặp lại không khí của thời điểm Quốc hội bàn để thông qua chủ trương đầu tư dự án này 4 năm trước, các đại biểu cho ý kiến về báo cáo lần này với rất nhiều yếu tố mù mịt, bởi vì ngay cả hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, công nghệ chính… vẫn chưa được hội đồng thẩm định Quốc gia cho ý kiến.
Vì thiếu các cơ sở tính toán khoa học, nhiều đại biểu tranh luận với nhau trên quan điểm cá nhân và chia làm 2 luồng: một cho rằng phải nhanh lên không mất cơ hội, một cho rằng chưa đủ cơ sở để Quốc hội quyết định.
Đơn cử, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu tính toán cho rằng, “dự án lớn càng chậm càng có nguy cơ đội vốn, hao phí nguồn lực”. Theo đại biểu, do hạn chế về hạ tầng, mỗi năm Việt Nam bỏ lỡ cơ hội thêm không dưới 20 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Như vậy, “chậm 2 năm là mất 1 nhà ga, chậm 4 năm là mất luôn 1 cảng Long Thành giai đoạn 1”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng đấu thầu sẽ làm mất nhiều thời gian và cơ hội của Long Thành

Ảnh Ngọc Thắng

Do đó, đại biểu cho rằng việc đấu thầu dự án cũng sẽ làm mất rất nhiều thời gian và cơ hội.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thận trọng hơn, cho rằng các thông tin hiện có là chưa đủ yên tâm để quyết định.
Đại biểu cho biết mình “quan tâm đến nhận định cho rằng Hội đồng thẩm định quốc gia chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung về hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH, hiệu quả tài chính của dự án; về công nghệ chính, quản lý vận hành, đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù…” vào cho rằng “ đây là những điểm hết sức cơ bản của dự án, nhưng chưa được cho ý kiến, nên việc xem xét toàn bộ hồ sơ dự án là chưa có cơ sở đầy đủ”.
Cho rằng mục tiêu về tiến độ Quốc hội khóa 13 đặt ra là không đạt vì hồ sơ báo cáo chậm, “thu hồi đất, nhất là giải phóng mặt bằng, tái định cư rất chậm, hiện mới hoàn thành trên 1%”, đại biểu cho rằng mục tiêu đến 2020 bàn giao đất sạch để thực hiện dự án sẽ là khá khó khăn.
Vì việc chậm tiến độ này dẫn đến tìn hình bối cảnh đã có nhiều thay đổi so với báo cáo tiền khả thi đã trình Quốc hội khóa 13, nhất là việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm, sử dụng song song với sử dụng 2 sân bay trong cùng khu vực, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng đây là những điều báo cáo khả thi cần làm rõ hơn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu để Quốc hội thông qua báo cáo khả thi lần này với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 111.000 tỉ đồng (khoảng gần 5 tỉ USD) trong khi Hội đồng Thẩm định Quốc gia là cơ quan chuyên môn còn chưa đưa ra được con số này?
“Quốc hội căn cứ vào đâu, trong khi đó thời gian chúng ta xem xét báo cáo khả thi này cũng là rất vội. Luật quy định chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc Quốc hội, Chính phủ phải gửi hồ sơ để Quốc hội xem xét, nhưng đến ngày 7.10, 14 ngày trước khi Quốc hội khai mạc, Chính phủ mới ký tờ trình, thì Quốc hội đã có đủ thời gian nghiên cứu toàn bộ hồ sơ chưa để đưa ra quyết sách cho trúng?”, đại biểu Hạ đặt câu hỏi và đề nghị Quốc hội nên xem xét kỹ lưỡng hơn.

Chỉ có 8/21 cảng hàng không của ACV có thu đủ bù chi và có lãi

Băn khoăn vốn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị phải làm rõ hơn khả năng huy động vốn với các tổ chức đã cam kết hoặc thỏa thuận, tác động của việc huy động vốn này đến các hoạt động cho vay khác để phát triển kinh tế và trần nợ công, vì nếu ACV đi vay hơn 2 tỉ USD để thực hiện dự án, thì đồng nghĩa với việc nợ công sẽ tăng, vì ACV có hơn 95% cổ phần là của nhà nước.
“Trong hồ sơ dự án có nói ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền, nhưng hiện chỉ có 8/21 cảng có thu đủ bù chi và có lãi, 13/21 vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần”, đại biểu nêu thực tế.

Việc Hội đồng Thẩm định Quốc gia còn chưa có ý kiến chính thức khiến đại biểu Tạ Văn Hạ băn khoăn cơ sở đâu để Quốc hội thông qua báo cáo khả thi Long Thành

Ảnh Ngọc Thắng

Thêm vào đó, ông Thành cũng băn khoăn về khả năng huy động hơn 11 tỉ USD cho giai đoạn tiếp theo của dự án, nếu không làm rõ sẽ dẫn đến chậm tiến độ cả công trình và ảnh hương đến hiệu quả đầu tư.
Một băn khoăn nữa được đại biểu đặt ra khi so sánh tổng mức đầu tư 2 sân bay hiện đại nhất thế giới mới vừa vận hành 2019 là Đại Hưng (Bắc Kinh) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với Long Thành.
Sân bay Đại Hưng có diện tích 4.700 ha, tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa có vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỉ USD; sân bay Istanbul 4 đường băng, 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỉ USD, so với Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa/năm mà vốn 16 lên tỉ USD thì tôi cho rằng rất cần được xem xét, so sánh”, đại biểu nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.