Sau khi Thủ tướng kết luận 12 địa phương nhóm nguy cơ cao tiếp tục giãn cách xã hội đến ít nhất là 22.4 và có thể kéo dài hơn để chống Covid-19, chiều 16.4, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi giám đốc các sở, ban, ngành TP; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn.
Theo văn bản này, trước mắt, Hà Nội sẽ chỉ kéo dài giãn cách xã hội đến hết 22.4. Nếu diễn biến dịch bệnh tốt hơn, hy vọng các hoạt động xã hội sẽ được phục hồi trở lại.
Hà Nội cũng không điều chỉnh chính sách gì so với hiện tại. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiếp tục duy trì 30 chốt liên ngành kiểm tra việc ra - vào TP, phun khử khuẩn các phương tiện, đo thân nhiệt đối với người, để kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường.
Ông Chung cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt tất cả trường hợp không đeo khẩu trang. Mặc dù không nhắc gì tới việc xử phạt người ra đường không đúng mục đích, nhưng ông Chungyêu cầu tăng cường truyền thông đến người dân về diễn biến của dịch bệnh để có ý thức chủ động phòng ngừa.
|
Hà Nội kỳ vọng tuần này sẽ kiểm soát được dịch
Bước vào tuần có ý nghĩa “quyết định đến thắng lợi” là Hà Nội có để bùng phát dịch bệnh hay không, theo ông Chung, Hà Nội vẫn tập trung vào lấy mẫu và xét nghiệm để khoanh vùng ổ dịch, trong đó, kéo sự tham gia của hiệu thuốc và các cơ sở khám chữa bệnh vào (thấy bất cứ ai có biểu hiện ho, sốt phải báo đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm). Hà Nội kỳ vọng tuần này sẽ kiểm soát được dịch.
Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ông Chung cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho phương tiện chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng đi lại; một số công trình đảm bảo an toàn phòng dịch vẫn được triển khai xây dựng và Hà Nội đang hoàn thiện hướng dẫn về sản xuất an toàn để các DN có thể đối chiếu vào đó áp dụng, hướng tới phục hồi sản xuất kinh doanh…
Dù hiện đang là địa bàn có diễn biến dịch phức tạp nhất cả nước, cho đến chiều 16.4, ông Chung vẫn khẳng định "TP luôn luôn làm chủ, luôn luôn khống chế được dịch bệnh, các ổ dịch lớn đang được kiểm soát tốt".
Tuy nhiên, về tác động kinh tế - xã hội của dịch sẽ là rất khó lường.
"Dịch sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới, Việt Nam, làm đứt gẫy rất nhiều chuỗi cung ứng, mà đầu tiên là dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, vận tải, hàng không… Hà Nội có 2 tác động nặng nề nhất. Thứ nhất là về thu ngân sách, vì số thuế của cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể chiếm 41% tổng thu ngân sách của TP, đóng góp GDP lớn và tạo cộng ăn việc làm đến 90%.
Thứ hai là mất việc làm, khi lao động trong doanh nghiệp dịch vụ, lao động tự do phục vụ hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương tới đây sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng lớn, vì dịch vụ của Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn", theo ông Chung.
Nhìn về tương lai từ giờ đến cuối năm, ông Chung cho rằng, ngành hàng không, du lịch sẽ không thể trông đợi ở thị trường nước ngoài, mà chỉ có hy vọng trong nước khống chế được dịch sẽ kích cầu trong nước.
Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế sẽ kéo theo sụt giảm về tiêu dùng, nên theo ông Chung, sẽ là trùng trùng khó khăn trước mắt.
Bình luận (0)