Trường Sa, tháng 4.2021 - Kỳ 1: Bãi Ba Đầu, trước năm 2020

28/04/2021 09:00 GMT+7

Những câu chuyện về các 'điểm nóng' ở Trường Sa và những hình ảnh ghi được trong tháng 4.2021, để cung cấp đầy đủ nhất về tình hình Trường Sa hôm nay.

Bãi Ba Đầu nằm cách đảo Sinh Tồn Đông (do bộ đội lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân đóng giữ) khoảng 8 hải lý (gần 15 km). Đây là rạn san hô lớn nhất cụm đảo Sinh Tồn và là điểm mút đông bắc của cụm, hình dạng như lưỡi cày 51.
“Ba Đầu thuộc lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, thường chìm sâu dưới nước khoảng 1,5 - 2 m. Khi thủy triều xuống và nước cạn, đá san hô trong bãi Ba Đầu mới lúp xúp nổi lên ngang mặt nước, trên diện tích rộng, rất thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt các loại hải sản. Chính vì vậy, tàu thuyền của Việt Nam và một số nước (đặc biệt là tàu cá Trung Quốc), thường đến Ba Đầu thả lưới, lặn bắt, câu kéo”, trung tá Nguyễn Văn Lưu kể.
Trung tá Nguyễn Văn Lưu có gần 20 năm công tác trên các tàu vận tải quân sự thuộc Vùng 4 Hải quân và 10 năm làm chính trị viên tàu Trường Sa 18 chuyên vận tải hàng hóa cho các điểm đảo Trường Sa và trực bảo vệ chủ quyền ở cụm đảo Sinh Tồn.
"Khi thủy triều xuống, nước cạn, trên rìa tây bãi cạn Ba Đầu thường nổi lên 1 bãi cát dài khoảng 50 m, rộng 10 giống như sân bóng đá mini", trung tá Lưu cho biết thêm.

Bãi cát ở bãi cạn Ba Đầu nổi lên khi thủy triều xuống, nước rút thấp; hình chụp tháng 5.2016.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Cũng theo trung tá Nguyễn Văn Lưu, thời điểm trước những năm 2012 (khi Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ hiện đại trên các bãi đá mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam), các tàu cá Trung Quốc rất ít khi lại gần các đảo có bộ đội Vùng 4 Hải quân đóng giữ.
Ở bãi Ba Đầu, tàu cá Trung Quốc thường lợi dụng điều kiện thời tiết, thả xuồng nhỏ vào khai thác hải sâm, cá mú, ốc bướm... và luôn có bộ phận cảnh giới, trông chừng tàu trực Việt Nam (neo đậu cạnh đảo Sinh Tồn Đông).
Nếu phát hiện tàu Việt Nam hạ xuồng xua đuổi, bộ phận này nhanh chóng cho các xuồng đang khai thác trái phép trong bãi nhanh chóng trở về tàu mẹ, móc dây cáp, nhanh chóng kéo nhau ra khỏi khu vực Ba Đầu...

Tàu cá Trung Quốc thả xuồng cho ngư dân vào trong bãi cạn Ba Đầu khai thác hải sản. Hình chụp năm 2008

Ảnh: Mai Thanh Hải

Từ sau khi hoàn tất việc xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên các bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam, phía Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của các loại tàu (trong đó nhiều nhất là tàu cá) tại quần đảo Trường Sa. Ở các bãi cạn không người, đặc biệt là bãi Ba Đầu, họ triển khai neo đậu từ vài đến hàng chục tàu cá, cả cũ kỹ lẫn mới đóng.
Báo Thanh Niên đăng tải một số hình ảnh về bãi Ba Đầu trước năm 2020, do các PV của Thanh Niên đã ghi lại và lưu trữ, sau các chuyến công tác biển đảo, trong nhiều năm:

Tàu cá nước ngoài neo đậu trong hồ của bãi Ba Đầu. Ảnh chụp vào tháng 6.2011

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc neo đậu trong bãi Ba Đầu. Ảnh chụp vào tháng 4.2016

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá QNg-86435.TS của tỉnh Quảng Ngãi đang khai thác hải sản cạnh bãi Ba Đầu. Ảnh chụp vào tháng 12.2018

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một tàu cá nước ngoài đang khai thác hải sản ở khu vực Ba Đầu. Ảnh chụp vào tháng 6.2019.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá Marlyd - II của Philippines hoạt động cạnh bãi Ba Đầu. Ảnh chụp vào tháng 3.2018

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu hải cảnh 46115 của tổng đội Hải Nam (Trung Quốc) đi sát bãi Ba Đầu để trinh sát, theo dõi trái phép các hoạt động trong khu vực. Ảnh chụp vào tháng 4.2018

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một số tàu cá Trung Quốc từ bãi Huy Gơ ngược lên Ba Đầu, đang đi ngang qua phía tây bắc đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh chụp vào tháng 1.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một số tàu cá Trung Quốc tập trung tại bãi Ba Đầu, tháng 12.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá Trung Quốc trong bãi Ba Đầu, hình chụp từ đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa vào tháng 12.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.