Truy tố 8 bị can vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

10/07/2019 04:52 GMT+7

Viện KSND tỉnh Sơn La vừa hoàn tất cáo trạng và có quyết định truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo quyết định do ông Trần Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Sơn La, ký thì 8 bị can bị khởi tố gồm: Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn, Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, nguyên trung tá và Đinh Hải Sơn, nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT nhận nâng điểm cho 15 thí sinh

Theo cáo trạng, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị can Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, cùng 7 bị can còn lại được phân công chấm thi, bảo vệ phòng thi và phòng để bài thi. Tuy nhiên, 8 bị can trên đã nhận thông tin của các thí sinh như: họ tên, số báo danh, số phòng thi, mã đề thi, môn thi và điểm thi các môn cần đạt được... của 44 thí sinh để nâng điểm.
Với vai trò là tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, trước khi chấm thi, ông Trần Xuân Yến đã nhận thông tin của 15 thí sinh để giúp nâng điểm thi. Sau khi nhận thông tin của các thí sinh, ông Yến tổng hợp chung thành danh sách đưa cho bị can Nga để nâng điểm.
Trước và trong thời gian chấm thi, Nga đã trực tiếp nhận thông tin của 16 thí sinh nhờ nâng điểm; Lò Văn Huynh nhận thông tin của 7 thí sinh để giúp sửa bài thi nâng điểm; Đặng Hữu Thủy nhận thông tin của 4 thí sinh nhờ nâng điểm; Cầm Thị Bun Sọn nhận thông tin của 1 thí sinh nhờ nâng điểm; Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận trực tiếp thông tin của 4 thí sinh chuyển cho Nga sửa bài thi nâng điểm môn trắc nghiệm, cung cấp khóa phách 12 thí sinh chuyển cho Huynh để bị can này tác động nâng điểm; bị can Đinh Hải Sơn là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh điểm thi. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ, bị can Sơn đã làm trái công vụ, nhận thông tin điểm thi của 2 thí sinh rồi nhờ Nga và Huynh nâng điểm; bị can Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La, nhận thông tin của 1 thí sinh đưa cho Nga để sửa nâng điểm bài thi.

Sửa điểm đến khi... đạt yêu cầu

Theo quy định về chấm bài thi trắc nghiệm, biên bản quét mở, đóng niêm phong bài thi do tổ xử lý bài thi trắc nghiệm lập, phản ánh lại việc mở niêm phong túi đựng bài thi, quét bài thi và niêm phong bài thi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tổ xử lý bài thi do bị can Yến làm tổ trưởng đã không lập biên bản ngay khi bóc mở niêm phong bài thi và quét xong không niêm phong lại ngay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi lấy bài thi để sửa.
Sau khi sửa xong bài thi, Nga và Thủy quét lại thay thế ảnh bìa thi đã sửa vào ảnh bài thi gốc bằng cách trước khi quét 2 bị can này xóa hết các bài thi gốc từng môn, từng điểm thi, sau đó quét lại và đẩy ảnh các bài thi đã quét lại vào các thư mục tương ứng môn thi, điểm thi. Khi quét lại, Nga đều thay đổi hệ thống giờ trên máy tính để phù hợp với thời gian quét ảnh bài thi gốc trước đó. Được sự hỗ trợ của Hưng và Sơn mở cửa cầu thang, cửa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm ngoài giờ làm việc, nên các bị can đã rút được bài thi để nâng điểm. Đáng chú ý, có những bài thi phải sửa đến 2 lần do sau khi sửa chưa đạt điểm theo yêu cầu.
Sau khi đã quét lại các túi có bài thi sửa nâng điểm, bị can Yến mới chỉ đạo thực hiện việc niêm phong tất cả các túi bài thi và giao cho Nga lập biên bản phù hợp với kết quả quét thể hiện trên máy tính. Khi thanh tra - kiểm tra, Yến chỉ đạo Nga xóa dữ liệu trên máy tính. Đến ngày 20.7.2018, Yến đã mang 2 hộp đựng 16 đĩa CD sao lưu dữ liệu bài thi đi tiêu hủy.
Đối với môn thi tự luận (ngữ văn), Nga là người trực tiếp hướng dẫn Nguyễn Thanh Nhàn sử dụng phần mềm lập khóa phách vòng 1 (cắt phách, sắp xếp bài thi vào các túi theo thứ tự, đánh số túi bài thi) và hướng dẫn Phạm Đăng Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, lập khóa phách vòng 2 (thay đổi số túi bài thi đã được đánh trong lần lập khóa phách vòng 1). Nga cùng Nhàn in toàn bộ dữ liệu khóa phách vòng 1 và 2, rồi giao cho Nhàn giữ để tra tìm bài thi của thí sinh cần nâng điểm.

Làm rõ sai phạm trong chấm môn tự luận và các đối tượng trung gian

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy đã khai nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh. Cụ thể, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận 1,04 tỉ đồng của ông Trần Văn Điện để giúp sửa bài thi và nâng điểm cho 4 thí sinh. Số tiền trên Nga đã nộp lại cho cơ quan điều tra 1 tỉ đồng. Bị can Cầm Thị Bun Sọn nhận 440 triệu đồng của bà Hoàng Thị Thành cho 1 thí sinh. Số tiền này Sọn đã tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra. Bị can Lò Văn Huynh nhận 1 tỉ đồng của ông Nguyễn Minh Khoa giúp nâng điểm cho 2 thí sinh và nhận 300 triệu đồng của bà Lò Thị Trường. Số tiền trên, bị can Huynh đã nộp lại cho cơ quan điều tra 1 tỉ đồng và trả lại cho bà Trường 300 triệu đồng. Đặng Hữu Thủy nhận 500 triệu đồng giúp sửa điểm cho 3 thí sinh.
Hành vi nhận tiền và thỏa thuận nhận tiền để sửa điểm cho các thí sinh của các bị can trên có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Song kết quả điều tra, các đối tượng trên đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy. Ngoài lời khai của các bị can và số tiền đã nộp lại cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ.
Đối với các đối tượng có dấu hiệu sai phạm liên quan chấm thi môn tự luận và đối tượng trung gian liên quan việc nhận thông tin của thí sinh nhờ các bị can nâng điểm, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục điều tra xác minh làm rõ, có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Các bị can đối mặt mức án từ 1 - 10 năm tù

Căn cứ vào điều 356 bộ luật Hình sự quy định tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Viện KSND tỉnh Sơn La xác định hành vi của các bị can Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Đinh Hải Sơn phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại điểm b, khoản 2, điều 356 bộ luật Hình sự, phạm tội 2 lần trở lên, có khung hình phạt từ 5 - 10 năm, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Hai bị can còn lại là Nguyễn Thanh Nhàn và Đỗ Khắc Hưng cũng phạm tội danh này nhưng thuộc khoản 1, có khung hình phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc bị phạt từ 1 - 5 năm.

18 đối tượng trung gian nhận thông tin từ người nhà thí sinh

Ngoài 8 bị can bị truy tố, cơ quan điều tra cho biết các bị can còn khai 18 đối tượng trung gian nhận thông tin từ người nhà thí sinh hoặc thông tin từ người khác. Trong đó có Giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức nhận 8 thí sinh; Trưởng phòng giáo dục THPT, Sở GD-ĐT Sơn La Nguyễn Ngọc Hà nhận 10 thí sinh (bao gồm cả con gái); Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La nhận 5 thí sinh...
Trong số 18 người nêu trên, có 2 trường hợp là Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu) và Nguyễn Thị Ngọc Thúy (giảng viên Trường ĐH Tây Bắc) không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh mà các bị can đã khai. 16 người còn lại thừa nhận chuyển thông tin nhưng với mục đích “nhờ xem điểm thi trước”.
Ngoài ra, có 27 trường hợp là cha, mẹ hoặc người thân của 44 thí sinh thừa nhận chuyển thông tin của thí sinh nhờ “xem điểm”. Trong đó có ông Lê Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND TP.Sơn La; Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân H.Quỳnh Nhai; Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.