Người lao động có quyền nghỉ việc không báo trước
Bộ luật Lao động năm 2019 cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Trong đó, điều 13 bộ luật quy định: Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Do đó, trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với NLĐ. Ngoài ra, hợp đồng các bên sẽ được giao kết ở hai hình thức là Hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Và sẽ không còn Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng như quy định trước đây.
Ngoài ra, một điểm mới nữa là theo khoản 2 điều 35 bộ luật Lao động 2019, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động, trong trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 điều 138 của bộ luật này; đủ tuổi nghỉ hưu; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê
Luật Đầu tư 2020 đã đưa hoạt động “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Kể từ ngày 1.1.2021, dịch vụ đòi nợ chính thức được chuyển vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, theo điều 6 luật Đầu tư 2020.
|
Cũng tại khoản 5 điều 77, quy định về chuyển tiếp nêu hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành, thì chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, theo khoản 1 điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, từ ngày 1.1.2021, nếu có trường hợp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, thì cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính cao nhất 80 triệu đồng và tổ chức sẽ bị xử phạt 160 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm buộc phải nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi này.
Theo luật sư Hoàng Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu cấm kinh doanh loại hình trên, người dân muốn đòi nợ chỉ còn hai cách: thứ nhất là khởi kiện ra tòa án; thứ hai là nếu cho rằng bên vay mượn có dấu hiệu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì tố cáo ra công an có thẩm quyền.
11 luật, bộ luật có hiệu lực từ 1.1.2021: bộ luật Lao động 2019; luật Chứng khoán 2019; luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020; luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020; luật Thanh niên 2020; luật Đầu tư 2020; luật Doanh nghiệp 2020; luật Xây dựng sửa đổi 2020; luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020; luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020; luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020.
|
Luật Đầu tư 2020 cũng bãi bỏ/bổ sung nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; 4 trường hợp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng một số điều đáng chú ý khác.
Bệnh nhân nội trú vượt tuyến được chi trả 80% trở lên
Theo quy định tại khoản 6, điều 22 luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1.1.2021, người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) tại cơ sở y tế tuyến tỉnh sẽ được BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT (80%, 95% hoặc 100%) mà không cần giấy chuyển viện.
|
Đây là điểm mới nhất của chính sách BHYT, vì trước thời điểm 1.1.2021, bệnh nhân đi điều trị nội trú tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện thì được xem là trái tuyến và BHYT chỉ chi trả 60%. Lưu ý, quy định mới này không dành cho bệnh nhân vượt lên tuyến tỉnh KCB ngoại trú, nếu KCB ngoại trú không có giấy chuyển viện thì bệnh nhân phải thanh toán 100%.
Bộ Y tế cũng có chỉ thị chỉ đạo Sở y tế các tỉnh thành chỉ đạo các BV xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà BV đang KCB, không chỉ định nội trú các ca không thực sự cần thiết.
Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao độngKhoản 2, điều 169 bộ luật Lao động 2019 quy định “kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo cách tính này sẽ được áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Điều 169 cũng quy định với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc cực nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2. NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng cũng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 nói trên tại thời điểm nghỉ hưu.
Để quy định chi tiết điều 169 bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của NLĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020 (có hiệu lực từ 1.1.2021). Theo đó, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường sẽ được tính: năm 2021, với nam sẽ là 60 tuổi 3 tháng; nữ là 55 tuổi 4 tháng; năm 2022, nam sẽ là 60 tuổi 6 tháng và nữ sẽ là 55 tuổi 8 tháng. Những năm tiếp theo, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.
Phan Thương
|
Sắp xếp, bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB. Tổ chức khám theo hẹn, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải. Chỉ đạo các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới; chuyển một số bệnh mãn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý. Chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở.
Song song đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB tổ chức bàn khám, phân loại nội trú đúng chuyên môn; kê giường phù hợp năng lực… Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý KCB khẩn trương ban hành hướng dẫn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh phổ biến, có tần suất mắc và nhập viện nội trú cao trong các cơ sở KCB, trong đó có hướng dẫn xây dựng tiêu chí nhập viện nội trú tương ứng với mỗi bệnh lý. Vụ Kế hoạch tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành các quy định về thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất, theo nhóm chẩn đoán và các quy định liên quan đến định mức, giá dịch vụ KCB.
Bình luận (0)