Từ chính quyền điện tử đến thành phố thông minh

09/09/2017 07:25 GMT+7

Sau 10 năm, TP.Đà Nẵng đã xây dựng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, đặt nền móng đưa ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông phục vụ rộng rãi tổ chức, cá nhân, tiến đến phát triển mô hình thành phố thông minh .

Ngày 2.8, Cổng góp ý hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP.Đà Nẵng (http://egov.danang.gov.vn/gop-y) nhận được phản ánh “Tình trạng đánh giày kiểu xã hội đen” diễn ra sáng cùng ngày tại quán cà phê 51 Phan Bội Châu, bên cạnh Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng, một người dân bị “chém” 300.000 đồng gồm 50.000 đồng công đánh giày, còn lại là tiền dán đế giày.

tin liên quan

Tìm giải pháp phát triển thành phố thông minh
Ngày 4.9, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với Tổ chức Liên minh châu Âu (EAI) tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ 3 về mạng công nghiệp và hệ thống thông minh. 
Thông tin được cổng góp ý chuyển UBND P.Thạch Thang để tổ chức lực lượng kiểm tra thông tin. Kết quả, lực lượng chức năng đã tạm giữ người đánh giày là Đ.Đ.P (25 tuổi, ngụ xã Quảng Hải, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) và P. thừa nhận hành vi, sau đó bị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội để quản lý theo quy định.
Trước đó, vào tháng 7, trên cổng góp ý xôn xao tin “Tôm sú tiêm chất tăng trọng” khi một phụ nữ phản ánh sáng 20.7 mua 2 kg tôm sú tại chợ hải sản sông Phú Lộc thì thấy tôm cứng bất thường, bên trong có chất trong, cứng. Ngày 25.7, lực lượng chức năng lấy mẫu tôm sú tại chợ đưa đi kiểm nghiệm, kết quả xác định mẫu tôm của tiểu thương M.T.C chứa tạp chất agar, qua đó xử phạt bà C. 4 triệu đồng.
Theo Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, mỗi tháng có hơn 600 góp ý, phản ánh mà cổng góp ý và các kênh phụ trợ nhận được, trong đó 100% được phản hồi, 99% được xử lý không quá 7 ngày làm việc theo quy chế. Các góp ý trên cổng rất đa dạng, từ xây dựng trái phép, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông… cho đến hiến kế công tác quản lý nhà nước, chính sách mới…
Qua đó, có thể thấy công dân và cơ quan quản lý nhà nước ngày càng dễ dàng tương tác. Sở TT-TT TP.Đà Nẵng khẳng định đây là một trong nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Đà Nẵng, để người dân, doanh nghiệp, du khách theo dõi quá trình giải quyết của chính quyền.
Cổng góp ý chỉ là một phần nhỏ trong Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, từ khi vận hành tháng 7.2014, hệ thống chính quyền liên thông từ thành phố đến tận xã phường, sở ngành, các cơ quan nhà nước chia sẻ dữ liệu, một cửa điện tử, quản lý cán bộ, tạo chuyển biến rõ rệt trong cải cách hành chính.
Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng bước đầu một số mục tiêu của thành phố thông minh như: giám sát xe buýt bằng thiết bị định vị, tốc độ, thời gian qua trạm để cung cấp thông tin cho người dân; camera giám sát trật tự giao thông; cảm biến phân tích chất lượng nước Nhà máy nước Cầu Đỏ...
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, cho hay thành phố đã có chiến lược sớm xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, bên cạnh sự quyết liệt của lãnh đạo trong ứng dụng tin học vào cách quản trị mới, còn có sự liên kết đồng thuận giữa các sở, ngành và địa phương.

tin liên quan

'TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh'
Thông điệp trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giới trí thức ngày 28.5.
Năm 2016, TP.Đà Nẵng xây dựng phân hệ quản lý công việc nội bộ và triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành cho 23 đơn vị sự nghiệp, cơ quan Trung ương đóng ở địa bàn, hoàn thành kết nối liên thông 4 cấp văn bản điện tử giữa Đà Nẵng với Văn phòng Chính phủ.
Theo Sở TT-TT, Đà Nẵng định hướng xây dựng thành phố thông minh theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững bao gồm hệ thống giám sát, dịch vụ dữ liệu và điều khiển tự động nhằm phục vụ quản lý hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.