Cả xã hội đều phải xoay xở để duy trì cuộc sống, tệ nạn tiêu cực phát triển, nguy cơ tha hóa con người và xã hội đang bày ra trước mắt.
Đồng chí Trường Chinh đến thăm và chúc Tết cán bộ chiến sĩ (2.1973) - ảnh: TTXVN |
Vào một ngày cuối tháng 11.1982, ông cho gọi chúng tôi lên làm việc. Ông khẳng định tình thế lúc này không thể tiếp tục kéo dài được nữa, không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ cũng như những chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý như trước được nữa. Nhưng để thay thế cái cũ, tìm ra cái mới thì phải nắm vững lý luận, hiểu rõ thực tế và nhìn thẳng vào sự thật, thấy được những cái gì ta đã làm được, cái gì ta chưa làm được. Do vậy, ông đã quyết định trước mắt cần làm gấp hai việc.
Một là, tập hợp một tổ nghiên cứu gồm những anh em có tư duy mới để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường và bước đi sắp tới.
Hai là, tổ chức những chuyến đi thực tế ở các địa phương, tìm ra những cái hay, cái dở, những bài học thành công và thất bại của cơ sở để đổi mới cách nghĩ, cách làm của chúng ta. Bởi vì, ông hiểu rất rõ: thực tiễn cao hơn nhận thức. Quần chúng là người làm ra lịch sử!
Trong diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: "Tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh gắn liền với những kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX... Trên cương vị là Tổng bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với BCH TW và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng". Tổng bí thư nói tiếp: "Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng". "Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh", Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định. Diễn văn cũng đánh giá đồng chí Trường Chinh là một nhà chính trị kiên định, góp phần hoạch định đúng đắn và sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, là nhà tổ chức tài năng đồng thời là nhà tư tưởng có cống hiến xuất sắc về lý luận của Đảng ngay từ những ngày đầu cách mạng. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ghi nhận công lao to lớn của cố Tổng bí thư Trường Chinh, tư tưởng và công lao của cố Tổng bí thư là những bài học, kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước trong tình hình mới. Tuyết Nhung |
Đồng thời, đối với đồng chí Trường Chinh, vấn đề thâm nhập thực tế, nghiên cứu tình hình, phát hiện cái mới là vấn đề quan trọng bậc nhất. Chính vì vậy, từ năm 1983 đến năm 1986, chúng tôi đã bố trí một chương trình đi thực tế của ông một cách chặt chẽ, hợp lý. Trong ba, bốn năm ông đã khảo sát gần 20 tỉnh, thành từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Chuyến đi thực tế dài ngày ấy đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt. Chưa bao giờ tôi thấy vẻ mặt ông rạng rỡ và tinh thần ông phấn chấn như lúc này. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của ông tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9...; đã gây tiếng vang trong cả nước, người ta chuyền tay nhau đọc, khen ngợi hết lời. Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được thì lúc này nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ. Người ta thấy hiện trở lại một Anh Năm - Trường Chinh của những năm tháng trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong những ngày đó, văn phòng đồng chí Trường Chinh liên tục nhận được điện thoại và thư từ khắp nơi gửi về chúc mừng thắng lợi của tư tưởng đổi mới, mà người nhen lên đốm lửa đó chính là đồng chí Trường Chinh.
Do vậy, có thể nhận thấy quá trình hình thành tư duy đổi mới của Trường Chinh không phải là từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là nặn từ trong đầu ra, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới. Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Tại sao Trường Chinh lại đặt ra yêu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy? Theo ông, không có bước đổi mới tư duy đi trước thì không có bất cứ một sự đổi mới nào cả. Đổi mới tư duy thực chất là một cuộc giải phóng triệt để mang ý nghĩa lịch sử? Tư tưởng giải phóng mà ông nói đây là một quá trình rời bỏ khỏi bản thân mình và toàn xã hội những gì đang kìm hãm và cản trở sự phát triển, là quá trình tổ chức lại xã hội và đưa vào cơ chế vận hành của xã hội một hệ thống đồng bộ các yếu tố vật chất và tinh thần, tạo nên lực đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững. Và, tại sao đã nhiều lần ông nhấn mạnh: đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế? Điều đó không chỉ có ý nghĩa là kinh tế có vị trí hàng đầu, có tác dụng quyết định mà còn là vì phát triển kinh tế trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội như nước ta, có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Nó còn có ý nghĩa là vai trò kinh tế tuy chiếm vị trí hàng đầu nhưng tư duy kinh tế của chúng ta trong nhiều năm qua còn quá lạc hậu so với cuộc sống, cản trở không ít đến sự phát triển kinh tế. Tư duy kinh tế lỗi thời bắt nguồn từ căn bệnh giáo điều, bảo thủ, trì trệ, luôn bám lấy cái cũ, không chịu đổi mới, chính vì vậy mà nền kinh tế - xã hội nước ta cho đến lúc này lâm vào một cuộc khủng hoảng kéo dài và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nổi lên hàng đầu. Đổi mới tư duy kinh tế, vì vậy, là điểm xuất phát trong tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh cũng là điều hợp với thực tế, với logic cuộc sống lúc này.
Điều đó tỏ rõ, tư duy kinh tế của ông bao giờ cũng hướng tới một mục đích nhất định và trên cơ sở đó xác định động lực của sự phát triển. Trong những năm đầu đổi mới, ông nhận rõ tính tất yếu phải xóa bỏ mô hình tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang mô hình kinh tế thị trường. Suốt từ Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9,... cho đến Đại hội VI, ông kiên trì giữ vững mục tiêu chiến lược đó với lập trường nguyên tắc không thay đổi. Đã nhìn rõ mục tiêu và động lực rồi thì điều cốt yếu đối với ông lúc này là tìm ra điểm bắt đầu, xác định được khâu chính, khâu đặc biệt mà người ta cần phải nắm lấy để từ đó làm xoay chuyển tình thế. Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Trường Chinh lại chọn giá - lương - tiền là khâu đặc biệt, là đột phá khẩu mà chúng ta cần phải mở ra, đúng như ông đã nói: đánh trúng vào đó là đánh trúng vào chủ nghĩa tự do, tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, đánh trúng vào đó sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, lập lại trật tự trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội, khôi phục lại phẩm chất, đạo đức và lòng tin.
Khi xác định giá - lương - tiền là khâu đột phá rồi, thì tư duy logic của ông là nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa các khâu ấy, xem việc giải quyết các khâu ấy phải kiên quyết, khẩn trương, đồng bộ, nhưng phải có bước đi vững chắc, không chần chừ, do dự, cũng không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Khi kiên trì chính sách một giá, ông phát hiện chính đó là đầu mối để giải quyết chính sách tiền lương và chính sách tiền tệ. Ông nhận rõ đó là đầu mối của mọi đầu mối để chuyển hẳn sang cơ chế hạch toán kinh doanh của nền kinh tế thị trường. Bởi vì, từ đầu mối của chính sách một giá mà lần ra được vấn đề bù giá vào lương - một phạm trù mới ra đời trong thời kỳ đầu đổi mới.
Điều đáng lưu ý là tại sao tư duy kinh tế của Trường Chinh lại bắt đầu từ những vấn đề nóng bỏng nhất của lĩnh vực phân phối lưu thông, của cơ chế quản lý kinh tế, của việc mở rộng quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh. Đó đều là nội dung cốt lõi của quan hệ sản xuất, tức là bắt đầu từ quan hệ sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà Trường Chinh đưa ra vấn đề đổi mới tư duy kinh tế lại bắt đầu từ quan hệ sản xuất. Làm như vậy, theo ông, là ta tuân theo quy luật phù hợp tất yếu giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Với điều kiện của Việt Nam, chúng ta không bao giờ ảo tưởng rằng trong trạng thái thấp kém của lực lượng sản xuất lại có thể xác lập và phát triển những quan hệ sản xuất mới vượt quá tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất cho phép quan hệ sản xuất ra đời, tồn tại và phát triển. Do vậy, việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất bao giờ cũng phải xem xét kỹ đến tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền chủ động của cơ sở, giải quyết giá - lương - tiền chính là giải quyết các vấn đề của quan hệ sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Logic của tư duy kinh tế của Trường Chinh là đặt vấn đề trên cơ sở đó. Ông thường nói: tôn trọng quy luật, làm theo quy luật cũng chính là như thế!
T.N
GS Trần Nhâm nguyên là trợ lý của đ/c Trường Chinh thời kỳ trước và trong thời gian đ/c Trường Chinh làm Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam
Bình luận (0)