Tư tưởng Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một học giả Nhật Bản

05/12/2008 23:53 GMT+7

GS.TS Tsuboi Yoshiharu, sinh năm 1948, hiện giảng dạy tại khoa Chính trị và Kinh tế ĐH Waseda (Nhật Bản). Lịch sử châu Á trong đó đặc biệt là lịch sử Việt Nam đương đại là các vấn đề được GS Tsuboi quan tâm nghiên cứu.

Tác phẩm Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, vốn là luận án tiến sĩ sử học của ông Yoshiharu Tsuboi bảo vệ tại Pháp vào năm 1982 đã được dịch sang tiếng Việt. Thanh Niên trân trọng giới thiệu một phần nội dung bản báo cáo khoa học mà GS Tsuboi Yoshiharu gửi tới hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba.
Từ khi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam năm 1973, mỗi lần có cơ hội, tôi lại cố gắng lần theo những dấu vết cuộc hành trình của Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – quê hương của Hồ Chí Minh, tôi lần theo dấu chân Ông ở Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh ở Vinh - thủ phủ của tỉnh Nghệ An; phòng làm việc, Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP.HCM, trường Quốc học Huế... Ở Trung Quốc, tôi đã đến thăm Hồng Kông, Quảng Đông, Thượng Hải, Diên An... Tôi cũng tìm đến ngôi nhà Hồ Chí Minh từng sống ở Moscow.
Tôi đã đứng trong ngôi nhà ở phố Compoint, được coi là nơi hoạt động của Hồ Chí Minh ở Paris. Ở London, tôi đã tới thăm khách sạn nơi Ông từng làm đầu bếp dưới dự hướng dẫn của Escoffier. Ở New York, tôi đã thử hình dung Hồ Chí Minh đã ngắm nhìn bức tượng Nữ thần Tự do từ góc độ nào.
Tôi cũng có dịp thảo luận với các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp như P.Brocheux, G.Boudarel... Đương nhiên, tôi cũng có dịp trao đổi ý kiến với những nhà trí thức, học giả người Việt như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Đầu, Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyên Ngọc...
Cho đến gần đây, tôi nhận ra rằng có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình là những giá trị của nền cộng hòa. Tôi cho rằng nếu nhận thức Hồ Chí Minh như một người theo chủ nghĩa cộng hòa, chúng ta có thể đánh giá được một cách đầy đủ và đúng đắn nhất những tư tưởng và hành động của Ông.
Khi đặt chân đến nước Pháp, đất nước đã biến Việt Nam thành thuộc địa, Ông phát hiện ra rằng tầng lớp lao động nghèo khổ ở Pháp cũng ở trong tình cảnh bi thảm như các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Đồng thời, Ông cũng ngạc nhiên trước tinh thần cộng hòa đối xử bình đẳng với con người bất kể sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa.
Có một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến vấn đề này. Sau chuyến hải hành dài bắt đầu từ Sài Gòn, cuối cùng Hồ Chí Minh cũng đến được Marseille. Đây là lần đầu tiên Ông đặt chân lên nước Pháp. Ông vào một quán cà phê và gọi một tách cà phê. Người hầu bàn đáp lại: “Vâng, thưa Ông” (Oui, Monsieur). Khi còn ở Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân, Hồ Chí Minh chưa bao giờ được gọi bằng từ “Monsieur”.
Đối với chàng thanh niên Hồ Chí Minh khi đó mới 21 tuổi, được một người Pháp gọi “Monsieur” là một sự ngạc nhiên thú vị. Có lẽ khi đó người hầu bàn cũng không nghĩ rằng vị khách của mình là một người Việt Nam đến từ xứ thuộc địa, hoặc cũng có thể anh ta không quan tâm tới quốc tịch của vị khách. Câu nói của người hầu bàn chỉ là một câu nói “đương nhiên” thường dùng để xác nhận với khách hàng. Nó được anh ta sử dụng như một cái máy chứ không có ý kính trọng gì đặc biệt ở đây. Thế nhưng, đối với Hồ Chí Minh, một người vốn đã quen chứng kiến quang cảnh phân biệt đối xử ở xứ thuộc địa, câu trả lời “đương nhiên” đó lại là một hiện tượng thật ngạc nhiên và mới mẻ.

Tinh thần nền cộng hòa Pháp

Tinh thần nền cộng hòa Pháp mang tính lý tưởng cao. Qua Cách mạng Pháp, một quan điểm mới về giá trị con người khác hẳn với giai đoạn trước đã được xác lập. Như đã thể hiện trong câu nói của bản Tuyên ngôn Nhân quyền: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng”, sự khác biệt căn bản nhất của thời cận đại so với các thời đại khác là sự thay đổi 180 độ quan điểm về giá trị con người. Tinh thần nền cộng hòa chính là cuộc vận động nhằm tạo nên và lý tưởng hóa hình tượng con người mới, thúc đẩy mỗi cá nhân tiếp cận với hình tượng lý tưởng đó.
Đó là cách nhận thức con người bằng việc bài trừ những thuộc tính cá nhân. Lấy ví dụ, nó không quan tâm tới người đó là người Nhật hay người Việt Nam, sinh ra ở tỉnh nào, xuất thân trong gia đình hay dòng họ nào, bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ. Vấn đề quan trọng là con người đó với tư cách là một “cá nhân” có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính hay không.
Nền cộng hòa được xây dựng bởi những cá nhân là nhân dân Pháp, bất kể giai cấp, màu da hay người đó có sinh ra ở Pháp hay không. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của nền cộng hòa là phải giáo dục ra được những “cá nhân” có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính...
Trong khi đó, người Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại. Người Việt Nam trước tiên coi trọng thuộc tính. Mỗi khi đến Việt Nam, tôi thường rất lúng túng khi bị người Việt Nam đặt những câu hỏi liên quan đến cá nhân như bao nhiêu tuổi, làm việc ở công ty nào, vị trí gì, xuất thân từ trường đại học nào, vùng nào, tầng lớp nào, gia đình như thế nào. Hay những câu hỏi đại loại như: “Đã kết hôn chưa?”, “Đã có con chưa, được mấy con rồi?”, “Con mấy tuổi” v.v...
Tại sao người Việt Nam lại chấp nhặt những thông tin cá nhân và hoàn cảnh gia đình như vậy. Đó là vì: thông qua những câu hỏi đó, người Việt muốn làm rõ vị trí của đối phương, dựa vào đó xác định rõ ràng mối quan hệ xã hội trên dưới giữa mình và đối phương. Từ đó, quan hệ đó sẽ được phản ánh qua cách dùng từ và động tác ứng xử, qua việc sử dụng cách nói kính trọng hay khiêm tốn, có nên chào hỏi và bắt tay như đối với người lớn hơn hay không. Để xây dựng được quan hệ tốt đẹp cho hai bên và ứng xử đúng với những quy tắc xã hội vô hình, trước tiên người Việt phải tìm hiểu những thuộc tính của đối phương.
Đây không chỉ là truyền thống của riêng Việt Nam mà là truyền thống của cả khu vực theo văn hóa Nho giáo, tương ứng với thế giới Đông Á bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, những nơi cũng lấy quan hệ giữa con người với con người làm quy tắc chuẩn cho hành động.
Ở Đông Á, nơi thuộc tính cá nhân và quan hệ con người đóng vai trò chủ đạo, người ta đã không lý giải được hết tinh thần nền cộng hòa. Người ta thường viện dẫn những ví dụ của nước Pháp và nước Mỹ để đưa ra những định nghĩa mang tính mô phạm về nền cộng hòa, kiểu như nền cộng hòa là việc chặt đầu nhà vua, phế bỏ chế độ quân chủ, xây dựng thể chế chính trị “của dân, do dân, vì dân”; nền cộng hòa là thể chế chính trị mà nhân dân đóng vai trò chính... Người ta đã không đạt tới được nhận thức rằng: điều kiện tiền đề của nền cộng hòa là những “cá nhân” theo quan điểm giá trị mới về con người.
Người viết cho rằng có lẽ Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền cộng hòa và Ông đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam...

Ý nghĩa của Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ước mơ “Độc lập” từ lâu của Hồ Chí Minh là Việt Nam được giải phóng khỏi tay thực dân Pháp và trở thành một nước độc lập. Nhưng Độc lập của Hồ Chí Minh không phải là khái niệm “độc lập” theo nghĩa cũ, vốn thường được lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa – là quá trình Việt Nam giữ vững được độc lập và bản sắc (identity) của mình trước sự uy hiếp của Trung Quốc.
Việt Nam có lịch sử khởi nghĩa, đánh bại, đánh đuổi sự xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, nhưng sau mỗi lần đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam lại chỉ xây dựng một thể chế chính trị mô phỏng Trung Quốc. Nhưng Độc lập mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nhà nước chủ quyền theo kiểu cận đại. Từ Độc lập của Ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia có chủ quyền, có lực lượng sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của Ông không chỉ xây dựng một chế độ Dân chủ cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh của những Con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập.
“Tự do” của Hồ Chí Minh rõ ràng chịu ảnh hưởng từ chữ “Tự do” trong khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng Pháp và quyền mưu cầu Tự do của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tự do của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi.
Nó cũng yêu cầu mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Nhà nước kiểu cận đại chính là nhà nước xây dựng được hệ thống giáo dục đào tạo ra được những con người như vậy, đồng thời có những thiết chế chính trị đi kèm đảm bảo cho việc giáo dục đó. Nước Cộng hòa của Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa dân chủ kết hợp với Tự do.
Cuối cùng như được đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Hạnh phúc của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của “quyền mưu cầu hạnh phúc” trong hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính là bản Hiến pháp đầu tiên viết rõ ràng về “quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hạnh phúc là một từ có tính đa nghĩa, nhưng ý nghĩa của từng cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc là một khái niệm hết sức mới mẻ của thời kỳ cận đại.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử tranh sáng tranh tối của những cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược, đấu tranh chống lại những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán. Con người Việt Nam coi những nguy cơ đó là “bất hạnh”, đặc điểm của Việt Nam là có lịch sử chiến đấu và chiến thắng những “bất hạnh” đó. Nếu coi những “bất hạnh” mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng là những thử thách của Ông Trời mang lại để dân tộc Việt Nam phải vượt qua thì quả thực, dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng và quả cảm.
Thế nhưng quá trình đó bản chất là một quá trình mang tính thụ động. Thông điệp về hạnh phúc của Hồ Chí Minh là thông điệp mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc đó. Thông điệp đó của Hồ Chí Minh đã được đông đảo nhân dân Việt Nam đón nhận...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.