(TNO) Kết thúc cuộc họp chiều nay 31.5, Hội đồng khoa học, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị xét nghiệm lọ vắc xin Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) cùng lô tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.9 (TP.HCM), để xác định chính xác nguyên nhân trường hợp tử vong sau khi tiêm ở đây.
Trường hợp này xảy ra với Đặng Kim Chi (17 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) sau khi tiêm vắc xin Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Q.9.
Theo biên bản họp của hội đồng khoa học đánh giá phản ứng sau tiêm chủng, chị Chi tiêm vắc xin Cervarix mũi đầu tiên ngày 6.3, lô AHBVA 173AL, nhà sản xuất GSK, hạn dùng 8.2015.
Mũi thứ hai được tiêm tiêm lúc 9 giờ ngày 6.4, lô AHBVA 173AE, nhà sản xuất GSK, hạn dùng 8.2015. Tiêm ở bắp ở cơ delta cánh tay trái.
Đến khoảng 16 giờ 30 ngày 6.4, một người hàng xóm của chị Chi đến nhà thăm (do trước đó có gọi điện thoại và nghe chị Chi than mệt và buồn ngủ). Sau một hồi gọi cửa hoài không được, người hàng xóm này đã phá cửa vào và phát hiện chị Chi nằm bất động trong phòng tắm, lay gọi không trả lời.
Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu ở phòng khám tư nhân và chuyển sang Bệnh viện Mỹ Đức (Q.Tân Bình).
Khi nhập viện cấp cứu Bệnh viện Mỹ Đức, bệnh nhân toàn thân tím tái, đã ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn và tử vong.
Được biết, trước đó bản thân bệnh nhân không có bệnh lý và gia đình cũng chưa phát hiện bệnh lý di truyền.
Kết quả giải phẫu tử thi của bệnh nhân ghi nhận tử vong do phù phổi cấp.
Mặt khác, kết quả thử độc chất có hiện diện Paracetamol, propranolon và Adrenailne trong máu; có sự hiện diện propranolol trong nước tiểu và dịch dạ dày.
Do đó, theo hội đồng khoa học, nguyên nhân tử vong chưa được xác định. Vì vậy, hội đồng yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt để xác định chính xác nguyên nhân gây tử vong. Đặt biệt là xét nghiệm lọ vắc xin cùng lô với lọ vắc xin đã tiêm cho bệnh nhân tại TTYTDP Q.9.
Theo bác sĩ Lê Thành Thyn, Giám đốc TTYTDP Q.9, đây là trường hợp đầu tiên, chứ từ trước tới nay TTYTDP Q.9 chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra phản ứng sau tiêm liên quan đến lô vắc xin trên.
Lô vắc xin Cervarix AHBVA 173AE (tiêm cho bệnh nhân) của nhà sản xuất GSK, hạn dùng tháng 8.2015, được TTYTDP Q.9 mua của Công ty Hoàng Đức 30 liều, đã sử dụng 28 liều, hiện tồn tại kho 2 liều.
Nguyên Mi
>> Vắc xin mới giảm hơn 70% nguy cơ sốt rét
>> Bộ Y tế phải xin lỗi trong sự cố vắc xin Quinvaxem
>> Trung Quốc thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng
>> Ngừa ung thư cổ tử cung bằng thực phẩm
>> Khám, tầm soát ung thư cổ tử cung
>> Làm gì để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?
>> Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
Bình luận (0)