Từ vụ 'Trần Thị Ngọc Nữ': Xử lý thế nào nếu bị cáo liên tục vắng mặt không lý do?

24/02/2021 16:40 GMT+7

Từ vụ bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ không đến tòa và không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh lý do vắng mặt chính đáng, Theo chuyên gia pháp luật, nếu bị cáo hành vi cố tình, sẽ bị áp giải đến tòa; nếu bỏ trốn thì sẽ bị truy nã.

Sáng nay 24.2, ngay sau khi khai mạc, phiên tòa xét xử Trần Thị Ngọc Nữ tội “gây rối trật tự công cộng” đã có quyết định hoãn phiên tòa do không có mặt bị cáo. Theo thẩm phán chủ tọa, mặc dù có đơn xin vắng mặt để đi khám chữa bệnh tâm thần nhưng bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ không có bất cứ giấy tờ gì nộp đến tòa để chứng minh điều này.
Nhiều người đặt vấn đề quy định pháp luật sẽ xử lý thế nào nếu bị cáo liên tục vắng mặt không lý do tại phiên tòa?

Trường hợp nào bị cáo được tại ngoại vắng mặt tại tòa ?

Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, theo quy định của Bộ luật này.

Nếu bị cáo được tại ngoại thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bị cáo phải có mặt tại tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

 LS Trang cũng cho biết, trong trường hợp bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Tòa có thể xét xử vắng mặt bị cáo 

LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, trong trường hợp bị cáo không thể tham gia phiên tòa do tình trạng sức khoẻ, HĐXX có thể quyết định tạm ngừng phiên tòa. Việc tạm ngừng chỉ được thực hiện nếu người tham gia tố tụng có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng. Nếu hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa. Theo điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.
LS Lượng nói thêm, theo điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tòa có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận; nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
"Tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật này cũng quy định: “Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải. Trong trường hợp áp giải bị cáo, biện pháp này được quy định tại điều 127, điều 182, điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015", LS Lượng phân tích góc độ pháp lý, từ vụ bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ vắng mặt tại tòa trong sáng nay 24.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.