Tuổi thơ nhọc nhằn: Đời em là du mục

01/06/2021 09:09 GMT+7

Từ Tây nguyên tôi xuôi về Ninh Thuận để đi tìm những đứa trẻ sống đời du mục. Những trẻ chăn dê, chăn cừu ở đây đứa nào cũng nở nụ cười thánh thiện. Vậy mà tôi lại thấy chạnh lòng.

Chạnh lòng vì lấy cuộc sống của trẻ em thành thị so với những đứa trẻ sống đời du mục. Bởi, trong khi hầu hết trẻ em thành thị chỉ biết học và chơi, vật chất không thiếu thứ gì, thì những đứa trẻ này đã phải rời ghế nhà trường, dãi dầu mưa nắng đi chăn gia súc thuê để kiếm những đồng tiền ít ỏi phụ giúp gia đình.

Chăn cừu để được... “ăn phân”

Tôi đến Ninh Thuận, nơi được mệnh danh là “vương quốc cừu” vào một ngày tháng 5. Và cũng như mọi ngày, tầm 6 giờ Ka Tơ Lút (12 tuổi) và chị gái Ka Tơ Ngem (15 tuổi) ở xã Xuân Hải (H.Ninh Hải, Ninh Thuận) phải dậy để cùng cha đi kiểm tra sức khỏe đàn cừu nuôi thuê. Sau đó, Lút ở nhà phụ mẹ cào phân cừu, còn chị Ngem cùng cha Trà Phân đưa đàn cừu lên rẫy. Tôi hỏi: “Cháu có biết hôm nay 1.5 là ngày gì không?”. Cô bé già trước tuổi ngước cặp mắt to tròn ngơ ngác rồi lắc đầu: “Dạ không biết”.
Tổng đàn cừu ở Ninh Thuận vào khoảng 150.000 con, chiếm 90% đàn cừu cả nước. Hầu hết chủ trang trại cừu lớn phải thuê người nuôi. Lực lượng trẻ em tham gia chăn cừu thuê rất đông, chủ yếu là con em đồng bào người Chăm. Mùa mưa, những đứa trẻ chăn cừu có thể đỡ nhọc nhằn hơn vì có thể tìm được những bãi cỏ gần nhà cho cừu ăn. Nhưng vào mùa khô, các em phải lùa đàn cừu đi hàng chục cây số, vào tận các thung lũng trên núi để tìm cỏ cho đàn cừu.
Hơn 7 giờ, Ka Tơ Ngem cất lời gọi cừu bằng ngôn ngữ Chăm, lập tức cả đàn cừu “đồng ca” be be. Chúng biết đã đến giờ lên rẫy để được ăn các loại cỏ tươi ngon hơn. Con đường từ trại nuôi cừu lên khu vực có nhiều cỏ khoảng hơn hai cây số, nhưng đàn cừu đang đói nên di chuyển rất nhanh và “mất trật tự”. Anh Trà Phân cùng con gái phải liên tục đuổi theo la hét đàn cừu gần 200 con. “Cừu không đi đủng đỉnh và trật tự như bò đâu. Nó còn không nhớ đường nếu đi lạc, không như con bò, con dê”, anh Trà Phân chia sẻ. Có lẽ như vậy, nên nhiều người Ninh Thuận chửi “ngu như cừu” chứ không phải “ngu như bò” chăng?
Khổ nhất là đến đoạn đường lớn trải nhựa, hai cha con Ka Tơ Ngem phải mướt mồ hôi để dồn ép đàn cừu hàng trăm con đi sát lề đường bên phải. Tôi nhìn theo cô bé mới 15 tuổi, nước da đen cháy, sấp ngửa chạy theo điều khiển đàn cừu đang bấn loạn cả lên vì chiếc xe chở đầy trẻ em đi du lịch, mà bọn trẻ ngồi trên xe lần đầu thấy cừu nên cứ hét om sòm. “Để cừu chết có thể bị chủ mắng, không cho nhận lương. Ở đây nhiều người nuôi thuê cho chủ khác bị rồi. Nhưng cháu chưa bị như vậy”, Ka Tơ Ngem tâm sự khi vừa ổn định được bầy cừu.
Vượt qua đoạn đường nhựa, đàn cừu men theo con đường mòn đến bãi cỏ quen thuộc mà cha con anh Trà Phân đã “xí phần”. Khi đàn cừu chịu dừng lại gặm cỏ, hai cha con chọn lùm cây để ngồi tránh nắng, quan sát. Nhìn con gái, người cha 46 tuổi này tự hào nói: “Nó là cục vàng của nhà tui đó. Nhà có 5 người con, mà chỉ có nó là con gái. Sau này nó ở với tui. Con gái Chăm đi cưới chồng mà”. Vậy mà “cục vàng” của anh Trà Phân khi mới 12 tuổi đã phải từng trải cái “gió như phang, nắng như rang” ở vùng đất này để kiếm cơm rồi. Tôi hỏi, tiền công chăn thuê đàn cừu bao nhiêu, Ka Tơ Ngem cho biết một năm chủ trả công chăm sóc toàn bộ cho cả gia đình gồm hai chị em Ngem và cha mẹ là 28 triệu đồng. Nghe vậy tôi rất ngỡ ngàng. Nhưng, nước mắt tôi chực ứa ra khi Ka Tơ Ngem hồn nhiên nói: “Cha con cháu còn được ăn... phân nữa”. Hỏi ra thì mới biết, phân cừu gom được chính là phần được tính thêm vào tiền công nuôi cừu thuê. Theo anh Trà Phân, mỗi năm gom phân anh cũng bán được ngang số tiền mặt chủ trả hằng năm. Nếu cộng dồn chia đổ đồng cho 4 lao động thì mỗi người chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Một số tiền quá ít so với tính chất công việc.

Cuộc đời cô bé này như cây xương rồng trên cát

Không có tuổi thơ

Ninh Thuận được coi là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt nhất nước. Có người ví đó như “chảo lửa”. Nhưng như cây xương rồng trên cát nơi đây, người dân nghèo vẫn bám “chảo lửa” mà sống. Ngoài nho, có thể nói dê, đặc biệt cừu là đặc sản của vùng đất này. Hầu hết chủ trang trại cừu phải thuê người chăn. Nhiều gia đình người Chăm có những em tuổi dưới 16 đã mưu sinh bằng nghề chăn cừu thuê. Họ than thở rằng vì nhà nghèo nên không có vốn để nuôi gia súc, trồng nho, đất đai thì khô cằn không trồng được cây gì khác nên cả gia đình đành phải đi chăn cừu thuê.
Anh Sái ở xã Phước Trung, H.Bác Ái mới 36 tuổi nhưng đã có đến 6 đứa con. Ka Tơ Hoàng, đứa con lớn nhất (15 tuổi) của anh Sái và hai đứa em gần kề đã theo cha đi chăn cừu. Cuộc đời du mục của anh Sái cũng bắt đầu từ cái tuổi bé thơ cho đến nay. Và bây giờ, những đứa con mới hơn 10 tuổi của anh Sái cũng theo nghiệp của cha. Đàn cừu anh Sái nhận nuôi hơn 300 con. Một mình anh chăn không xuể nên cần mấy đứa con đi theo phụ. Tuy mới 15 tuổi nhưng Ka Tơ Hoàng đã sớm bộc lộ tố chất “thủ lĩnh” trong nghề chăn cừu. Hoàng cùng cha đưa đàn cừu vượt đoạn đường hơn 3 km để đến đồng cỏ. Trên đường đi, Hoàng chạy ngang, chạy dọc lùa cừu, cậu bé nhanh như sóc. Đến đồng cỏ, Hoàng chỉ những lùm cây cho các em và chọn cho mình một lùm cây khác để 3 anh em ngồi canh đàn cừu. Nhưng đàn cừu đâu có phải đủng đỉnh gặm cỏ một khu vực. Khi hết cỏ, khát nước chúng kêu toáng lên và di chuyển đi chỗ khác. Lúc đó, dù trời đang nắng cháy da, dù đang dở bữa cơm, cũng phải lùa đàn cừu đi tìm nơi có nước cho cừu uống, có cỏ cho cừu no bụng.

Hai cha con anh Trà Phân đi chăn cừu thuê

ảnh: Quang Viên

Rời Phước Trung, tôi đến núi Hòn Dài thuộc xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn khi trời đã xế chiều. Đây cũng là lúc những đàn cừu bắt đầu về chuồng. Chúng tôi lại gặp những đứa trẻ chăn cừu. Có những đứa còn nhỏ hơn cả Ka Tơ Hoàng, Ka Tơ Ngem. Theo cha sống cuộc đời du mục từ lúc nhỏ, nên nhiều trẻ em người Chăm có kỹ năng chăn cừu, dê hoặc bò từ rất sớm. Nhiều đứa trở thành lao động chính bằng nghề chăn gia súc thuê. Tôi không chỉ chạnh lòng vì cuộc đời chăn cừu du mục của các em mà còn cám cảnh bữa cơm thiếu dinh dưỡng, những món đồ chơi tự chế, là chiếc cào phân làm vũ khí và hầu hết không được đến trường. Các em đâu có tuổi thơ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.