Tuổi thơ nhọc nhằn: Trẻ khuyết tật mưu sinh

02/06/2021 06:26 GMT+7

Bại não, liệt chân, xương thủy tinh, không có đôi tay, nhưng những đứa trẻ này ngày ngày vẫn theo mẹ hoặc tự mình đi bán vé số mưu sinh.

Ở đâu cũng gặp những trẻ em nghèo ở độ tuổi thiếu nhi phải vất vả mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Nhưng dù sao những đứa trẻ đó vẫn còn lành lặn, khỏe mạnh. Còn có những đứa trẻ đáng thương hơn, khi chúng phải lê tấm thân tật nguyền đi kiếm từng đồng bạc lẻ.

2 cậu bé “sọ dừa” sinh đôi

Ở TP.HCM, thỉnh thoảng có người gặp hai cậu bé sinh đôi Cao Văn Thành - Cao Văn Tài (14 tuổi) bị teo màng não lại thêm bệnh xương thủy tinh, khiến chúng quặt quẹo, thấp bé như trẻ lên 3. Có người ví chúng là hai cậu bé “sọ dừa”. Mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa, chị Lem, mẹ của hai đứa trẻ, đặt con trên chiếc xe tự chế đẩy đi rong ruổi khắp nẻo đường bán vé số. Kẻ đi qua, người đi lại thương tình hai cậu bé “sọ dừa” tật nguyền lại có giọng ca truyền cảm nên dừng chân mua giúp vé số.
Hôm tìm thăm mấy mẹ con thì người dân ở gần căn phòng chị Lem thuê trọ trong một con hẻm ở Q.3 cho biết 3 mẹ con chị đã về Đắk Lắk. Thật may mắn, có người biết địa chỉ của chị Lem ở TP.Buôn Ma Thuột, dù không chính xác lắm. Vậy là tôi đi tìm hai cậu bé “sọ dừa” với thông tin mơ hồ: nhà ở đường 19 Tháng 5, P.Ea Tam. Tôi lại gặp may, khi anh Lê Hùng Dương làm công an ở TP.Buôn Ma Thuột, sốt sắng cho biết: “Nhà hai thằng bé tội nghiệp đó tôi biết. Để tôi dẫn tới luôn. Tôi cũng muốn tặng mẹ con chị ít tiền”.
Đến nơi, chị Lem cho biết mẹ con chị tạm nghỉ bán vé số ở Sài Gòn vì Thành, Tài lại bị gãy xương. “Hai đứa bị bệnh xương thủy tinh nên cứ gãy hoài. Lần này gãy nặng quá, phải về để bó bột và nhờ người nhà phụ chăm sóc”, chị Lem buồn rầu nói. Trên giường, Tài mặt buồn xo vì đang bó bột khắp người: “Bị như thế này không đi bán vé số được buồn quá chú ơi. Anh em cháu là Thành, Tài mà không thành tài chi hết”, Tài than thở. Chị Lem cho biết thêm, bé Thành cũng phải bó bột từ rốn xuống đến đầu gối mới vừa cắt bột. Nhìn hai cậu bé “sọ dừa” đứa gác tay lên trán, đứa thở dài như ông cụ non, khác với hình ảnh lém lỉnh, lạc quan khi đi bán vé số, thật tội nghiệp. “Hai đứa sống chung với bệnh xương thủy tinh từ lúc nhỏ xíu. Lúc trái gió trở trời chúng đau nhức lắm nhưng hai thằng có bao giờ nghỉ bán vé số đâu. Ở nhà một ngày là sợ không có tiền để sống. Tháo bột cho thằng Tài xong, 3 mẹ con sẽ đi bán vé số lại”, chị Lem nước mắt ngắn dài.
Với người mẹ của hai cậu bé “sọ dừa”, cuộc đời sao giống cái tên của mình. Người phụ nữ 44 tuổi này quá bất hạnh. Chồng chết, một mình chị nuôi hai đứa con tật nguyền và một cô con gái. Người phụ nữ ấy từng nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng rồi chị cố sống vì con. Âu yếm nhìn Thành, Tài, chị chia sẻ: "Hai đứa có hiếu với mẹ lắm. Không được đến trường nhưng bọn nó rất sáng dạ. Tôi dạy chữ nào tiếp thu rất nhanh. Chúng nó lên mạng tìm bản nhạc nào hay thì học thuộc lòng để hát khi đi bán vé số".
Tuổi thơ nhọc nhằn: Trẻ khuyết tật mưu sinh1

CSGT Lê Hùng Dương ở Buôn Mê Thuột đến tặng tiền cho Thành và Tài

ẢNH: QUANG VIÊN

3 mẹ con khuyết tật

Tôi đến miếu Bà Châu Đốc 2 ở H.Nhà Bè, TP.HCM tìm 3 mẹ con tật nguyền thường ngồi bán vé số ở đây. Buổi chiều, trời sắp chuyển mưa, người mẹ khoèo chân tên Nguyệt vẫn cố gắng chở hai con đứa con tật nguyền đi bán cho hết những tấm vé số. Đến điểm quen thuộc đặt bàn bán vé số, người mẹ vất vả kéo giãn thiết bị nẹp đôi chân của bé Đạt (14 tuổi) để con có thể bước xuống xe. Đôi chân Đạt bị liệt cơ lâu ngày, khiến cậu dù đã tựa vào khung đẩy vẫn bước đi khó nhọc. Tôi định đỡ bé dìu đi, nhưng chị Nguyệt nói: “Cứ để cho nó tự lập. Nó ráng làm là được hết”. Lê bước từng chút, từng chút, rồi thằng bé có gương mặt sáng và nụ cười hiền khô này cũng đến được chỗ ngồi bán vé số. Cạnh đó là Quý, người anh bại não 16 tuổi, dặt dẹo nằm trên chiếc ghế bố cứ ú ớ luôn miệng.
Tuổi thơ nhọc nhằn: Trẻ khuyết tật mưu sinh2

Bé Nhí không có tay đi bán vé số

ẢNH: QUANG VIÊN

“Tôi ở Nha Trang, chồng mất sớm, cả ba mẹ con đều tật nguyền, biết làm việc gì để sống nên phải dắt díu vào Sài Gòn bán vé số gần 10 năm rồi”, chị Nguyệt tâm sự. Trước đây, chị Nguyệt đèo hai đứa con đi bán khắp nơi, nhưng mỗi ngày chân chị và chân thằng Đạt yếu dần nên thuê nhà gần miếu Bà Châu Đốc 2 để bán vé số cho khách thập phương. Tôi ngồi với mẹ con chị Nguyệt gần 1 giờ đồng hồ, thấy có người đi qua, Đạt vẫy tập vé số cầm trên tay mời. Có vài người ghé lại dúi vào tay chị Nguyệt cho 5.000, 10.000 đồng bảo mua hộp sữa cho thằng bé bại não. Tôi hỏi mỗi ngày mẹ con chị bán được bao nhiêu tấm vé số, chị Nguyệt than thở: “Những năm trước, mỗi ngày ba mẹ con tôi có thể bán được 200 tờ vé số. Nhưng dịch Covid-19 ập xuống, chùa vắng khách, mỗi ngày chỉ bán trên dưới 100 tấm vé”. Nghe mẹ nói thế, Đạt chen vào: “Có ngày trời mưa ế òm luôn, chỉ bán được 50 tấm chú ơi”.
3 giờ chiều, trời mây đen kịt báo hiệu có mưa lớn. Đạt buồn bã nói với mẹ: “Thôi nghỉ bán đi mẹ. Trời chuẩn bị mưa to rồi, về không kịp ướt anh Quý hết. Con ngồi nãy giờ muỗi cũng cắn nát chân rồi nè”. Chị Nguyệt nói với cậu con trai tật nguyền: “Ráng bán được tấm nào thì bán chứ còn mấy chục tấm lận đó”. Tôi nói với chị Nguyệt gom hết chừng đó tôi mua hết. Mưa đã bắt đầu rơi lác đác. “Mùa của ổng rồi”, chị Nguyệt thở dài ngao ngán rồi tất tả dọn bàn ghế, còn thằng Đạt thì đứng lên khó nhọc quay trở lại chiếc xe để ba mẹ con về nhà kịp tránh cơn mưa... (còn tiếp)
Bé Nhí không tay
Trong một dịp tình cờ, tôi gặp cô bé không có tay đi bán vé số tên là Võ Ngọc Ân (11 tuổi), thường gọi là bé Nhí, quê thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Nhí bẩm sinh không có tay, bên vai phải của em mọc ra một ngón tay nhỏ xíu. Cô bé cứ... vác vé số trên vai đi mời khách. Nhí bị ba mẹ chối bỏ từ nhỏ, phải sống với bà nội và cùng bà lên Sài Gòn thuê phòng ở. Hằng ngày, bé Nhí và bà đón xe buýt từ xã Tân Kiên, H.Bình Chánh lên khu vực chợ Bến Thành bán. Buổi tối, hai bà cháu thường đi bán dạo vé số ở các quán nhậu thuộc khu vực Tên Lửa, Q.Bình Tân. Dù vất vả mưu sinh nhưng Nhí lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Sự lém lỉnh, hồn nhiên của Nhí chiếm được cảm tình của nhiều người nên cô bé bán được khá nhiều vé số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.