Cùng với các trang mạng xã hội khá sôi động tại Đà Nẵng ra đời sớm hơn, hình thức tương tác thời 4.0 giữa chính quyền và người dân đã cho thấy nhiều tiện lợi.
“Chứng cứ rành rành”
Từ giữa tháng 4.2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quy chế hoạt động Cổng thông tin phản ánh hiện trường, do Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh điều hành. Cá nhân, tổ chức có thể phản ánh tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, văn hóa, kinh tế, an ninh - trật tự… trên địa bàn tỉnh thông qua ứng dụng di động “PAHT Quang Trị” và tại cổng thông tin (https://tuongtac.quangtri.gov.vn) ở mọi thời điểm.
Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị khai trương trước đó, từ giữa cuối tháng 1.2021, do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel và Chi nhánh Viettel Quảng Trị. Trung tâm được triển khai gồm 11 thành phần, dịch vụ bao gồm giám sát, điều hành giao thông, an ninh công cộng, thông tin báo chí và truyền thông, dịch vụ hành chính công, an ninh mạng, hệ thống thông tin kinh tế - xã hội tỉnh, cơ sở dữ liệu y tế - giáo dục, hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân - phân tích dữ liệu… Và tất nhiên, có Cổng thông tin phản ánh hiện trường.
Nhiêu người dân Quảng Trị đang khá “tò mò” khi có sự xuất hiện của Cổng thông tin phản ánh hiện trường. Lâu nay, nếu có những bức xúc trong đời sống sinh hoạt, họ không biết “ném vào đâu” mà chủ yếu là nhờ quan hệ, hoặc nhờ người này người kia điện thoại cho cơ quan công quyền để... méc (nêu thắc mắc). Bởi chỉ các vụ việc nổi cộm, kiện tụng thì mới được gặp Ban tiếp dân của UBND tỉnh và thành phố, huyện. “Mà nhiều khi nhờ xong rồi cũng không biết ý kiến của mình có đến tai nhà chức trách không, cũng chẳng biết có được xử lý hay không?”, ông Lê Bá Toàn, một cán bộ hưu trí ở P.3 (TP.Đông Hà) thổ lộ.
|
Chị Trần Thị Hương (33 tuổi, trú P.3, TP.Đông Hà) cũng kỳ vọng đây sẽ là kênh thông tin mà người dân mong đợi. “Ngay từ bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trên tay, chúng tôi sẽ là... nhà báo. Có sự việc gì, cứ quay phim, chụp ảnh lại rồi “méc”. Chứng cớ rành rành thế này, người ta chối sao được? Kết quả phản ánh của mình ra sao mình cũng thấy được trên cổng thông tin phản ánh hiện trường”, chị nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Trị, cho hay với Cổng thông tin phản ánh hiện trường, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu sẽ phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trên tinh thần chính quyền phục vụ, nâng cao sự quản lý điều hành của chính quyền. “Với sự hỗ trợ đáng kể của công nghệ thông tin thời đại 4.0, hiệu quả của việc phản ánh này sẽ tăng lên rõ rệt. Ví dụ người dân phản ánh tai nạn nào đó, nguy cơ nào đó về ô nhiễm môi trường nào đó qua cổng thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc ngay, có kết quả ngay và được minh bạch hóa. Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh sẽ là nơi tiếp nhận, rồi gửi cho các cơ quan liên quan liên quan, ngành nào thì ngành đó phải trả lời, xử lý và chuyển về lại cho trung tâm, để trung tâm đăng công khai”, ông Tường nói.
Tương tác 2 chiều
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tường, ở đây cần có sự tương tác 2 chiều. Khi người dân phản ánh thông tin, phải đảm bảo tính chính xác và chịu trách nhiệm trước thông tin mà mình đưa ra. “Việc này vừa đỡ tốn công của ngành chức năng đi xác minh và tạo cho người dân thói quen phải có trách nhiệm với thông tin. Riêng đối với những người cố ý gây rối, phá hoại Cổng thông tin phản ánh hiện trường, chúng tôi vẫn có thể nhờ ngành chức năng xử lý”, ông Tường khẳng định.
Tại Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) cũng là công cụ phản ánh hiện trường khá hiệu quả. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết IOC được đầu tư theo hướng dùng chung (hạ tầng, giải pháp dịch vụ đô thị thông minh), tập trung (cơ sở dữ liệu, đường truyền). Các sở, ngành, địa phương sử dụng các công cụ thống nhất được đầu tư tại IOC (gồm Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng Hue-S, ứng dụng Hue-G) để vận hành dịch vụ thông minh của ngành theo cơ chế phân quyền, chia sẻ.
Đến nay, IOC đã thí điểm thành công và đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ đô thị thông minh. Bao gồm: dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, dịch vụ phản ánh hiện trường, dịch vụ giám sát thông tin báo chí, dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công, dịch vụ thẻ điện tử, dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử. Một trong những công cụ hiệu quả, giúp người dân phản ánh với chính quyền về tất cả các lĩnh vực, điểm nóng vi phạm của đời sống chính là dịch vụ phản ánh hiện trường (thông qua Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng Hue-S, địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/). Thông qua dịch vụ này, sau khi cài đặt app Hue-S trên điện thoại thông minh, công dân, tổ chức, doanh nghiệp gửi phản ánh đến IOC. Sau đó, các phản ánh lập tức được chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý và báo kết quả về trung tâm để công khai cho người dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, hiện nay IOC đang tập trung giám sát về các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bước đầu đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Ngoài ra còn thường xuyên trích xuất hình ảnh cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra trong các lĩnh vực giao thông, an ninh… Công cụ giám sát quan trọng nhất của “mắt thần” này là hệ thống cảm biến với 60 camera chất lượng được kết nối cùng với 182 camera của các phường, xã, hồ đập thủy điện và các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hình ảnh được người dân quay clip, chụp ảnh hiện trường và phản ánh về trung tâm cũng là nguồn dữ liệu quan trọng.
Chúng tôi đọc được thông tin mới nhất thuộc lĩnh vực giao thông - trật tự đô thị TP.Huế trên “Huế méc”, cập nhật ngày 25.4, về “tái diễn tình trạng bán hàng rong nhếch nhác”. “Phản ánh lần 2 vào mỗi buổi tối, tình trạng bán hàng rong tại đường Trần Hưng Đạo, P.Phú Hòa trông rất nhếch nhác, phản cảm”, một người dân viết.
(còn tiếp)
Với “Quảng Trị méc”, trong vòng 1 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin, Thường trực Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh sẽ phân loại, tự xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý; tối đa không quá 6 ngày làm việc phải có kết quả xử lý hiện trường. Đối với những trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp, mất an toàn, an ninh…, thông tin tiếp nhận phải kích hoạt phân phối tức thời (chậm nhất trong vòng 30 phút kể từ khi có phản ánh).
Với “Huế méc”, ngoài địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn (ảnh) còn có các kênh tương tác khác trên nền tảng Intenet, gồm Fanpage: https://facebook.com/HueIOC; Zalo: Dịch vụ đô thị thông minh (0941260505); Email: [email protected]; Đường dây nóng: 0815751575. Từ khi dịch vụ phản ánh hiện trường của Thừa Thiên - Huế đi vào hoạt động, đến nay hàng ngàn vụ việc từ vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, vi phạm vệ sinh môi trường… được phản ánh, trong đó 92,1% vụ việc đã được xử lý, đang xử lý 6,1% và chỉ 1,7% quá hạn xử lý.
|
Bình luận (0)