Tuyến đầu anh dũng

08/05/2018 09:09 GMT+7

Ngay sau ngày 30.4.1975, một lực lượng đặc biệt từ đất liền được cơ động ra giữ các đảo ở Trường Sa. Lực lượng này sau đó trở thành Lữ đoàn 146 chuyên trách phòng thủ, bảo vệ các đảo ở Trường Sa thân yêu.

Ngay sau ngày 30.4.1975, một lực lượng đặc biệt từ đất liền được cơ động ra giữ các đảo ở Trường Sa. Lực lượng này sau đó trở thành Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân, chuyên trách phòng thủ, bảo vệ các đảo ở Trường Sa thân yêu.
“Lính rừng” ra biển
Thượng tá Lê Văn An (nguyên Cụm trưởng Cụm 1 Trường Sa, Lữ đoàn 146) năm nay 72 tuổi, đang nghỉ hưu tại Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hòa), hồi tưởng: “Ngày 11.5.1975 khi chỉ huy đại đội bộ binh ra giải phóng Trường Sa, mình không hiểu rõ địa hình ngoài ấy nên quán triệt bộ đội: Đảo của ta toàn núi đá tai mèo, lại sóng to nên anh em ra đấy không được nô đùa, câu cá mà ngã xuống… đá, dễ bị tai nạn”.
Ông An và gần 100 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 4 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) không ngờ Trường Sa chỉ toàn cát, đá san hô và rất nhiều người trong số họ đã gắn cả cuộc đời binh nghiệp với quần đảo. Ngay ông An, chỉ 10 ngày sau khi ra Trường Sa đã giữ chức tiểu đoàn phó, được điều thẳng sang làm đảo trưởng Song Tử Tây và suốt 17 năm quân ngũ sau đó, quay đi quay lại chỉ làm đảo trưởng các đảo cấp 1 Trường Sa.
Với đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 (1977 - 1982), tuy tuổi đã hơn 90 nhưng khi kể lại những ngày đầu tiên ra giữ Trường Sa, vẫn rành rọt: “Sau 30.4.1975, khi tôi là Phó trung đoàn trưởng 46 bộ binh (thuộc Sư đoàn 325, Quân đoàn II) đóng quân tại căn cứ Thành Tuy Hạ (nay thuộc Long Thành, Đồng Nai) thì nhận lệnh của thiếu tướng Giáp Văn Cương, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN: “Trung đoàn 46 là 1 trong 2 đơn vị chuyển giao ngay sang hải quân, ra gấp Cam Ranh để xuống tàu ra giữ đảo Trường Sa”.
14 giờ ngày 27.5.1975, tại căn cứ Thành Tuy Hạ, Trung đoàn 46 được bàn giao từ Quân đoàn II sang Bộ Tư lệnh Hải quân, ngay sau đó là cuộc chuyển quân ra Cam Ranh, tổ chức thành Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126, làm nhiệm vụ “vừa cơ động chiến đấu vừa phòng thủ Trường Sa” với thành phần hỗn hợp là: Trung đoàn 46, Tiểu đoàn 4 đặc công hải quân, Tiểu đoàn 4 bộ binh (thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5).
Máu thắm Trường Sa
Tháng 5.1977, Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương ra kiểm tra các đảo, nêu yêu cầu: “Phải tổ chức lực lượng chuyên trách đủ sức xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa”, đồng thời xin ý kiến Bộ tổng Tham mưu thành lập một trung đoàn làm nhiệm vụ phòng thủ quần đảo Trường Sa.
Ngày 19.8.1977, tại Hội nghị quân chính của Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Giáp Văn Cương chính thức giao nhiệm vụ cho thiếu tá Cao Ánh Đăng làm trung đoàn trưởng và thiếu tá Vũ Quang Chinh làm chính ủy đơn vị mới mang phiên hiệu Trung đoàn 175. Ngày 30.9.1977, Ban Chỉ huy Trung đoàn 175 đề nghị quân chủng được kế thừa truyền thống của Trung đoàn 46 và xin lấy phiên hiệu là Trung đoàn 146.
Ngày 8.5.1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Xuân Chiêm ký quyết định chính thức tách Trung đoàn 146 ra khỏi Lữ đoàn 126, thành một đơn vị độc lập và lấy ngày đó là ngày thành lập Trung đoàn 146, nay là Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân.
Thời điểm này, nhiều máy bay, tàu thuyền của một số nước nhòm ngó các đảo của ta tại Trường Sa. Trung đoàn đã tổ chức 4 phân đội tăng cường cùng với các tàu vận tải của đoàn 125, 128, Trung đoàn 83 công binh ra đóng giữ các đảo mới.
“Năm 1980, trung đoàn được nâng cấp thành lữ đoàn và năm 1981 trực thuộc Vùng 4 Hải quân. Từ cuối năm 1986, các tàu trinh sát “lạ” xuất hiện rất nhiều ở khu vực Trường Sa. Cấp trên nhận định đang có âm mưu chiếm đóng các đảo của ta, nên bên cạnh việc chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi nhận lệnh tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền (gọi tắt là CQ) chốt giữ các đảo chìm”, đại tá Cao Ánh Đăng nhớ lại.
Đảo Trường Sa, tháng 5.1988 Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Từ cuối 1987 - đầu 1988, Quân chủng Hải quân mở chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 1988) tập trung lực lượng đóng giữ các đảo chìm có vị trí trọng yếu trên toàn quần đảo Trường Sa, với sự tham gia của các đơn vị, chủ yếu là Trung đoàn công binh 83, Đoàn tàu vận tải 125 và Lữ đoàn 146…
Ngày 14.3.1988, Trung Quốc bất ngờ dùng pháo hạm trên các tàu chiến tấn công lực lượng công binh, bảo vệ đảo của Hải quân VN trên các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Họ chiếm Gạc Ma nhưng không chiếm nổi Cô Lin, Len Đao bởi bộ đội ta lao tàu lên bãi cạn đánh dấu chủ quyền và kiên quyết bảo vệ.
Kiên cường bám trụ
Đến bây giờ dù đã nghỉ hưu tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) nhưng ông Phạm Quốc Toàn vẫn còn những giấc mơ về những năm đóng quân (1982 - 1985) ngoài Trường Sa. “Chịu đựng đến cùng cực mọi thiếu thốn, có chăng chỉ bộ đội Trường Sa”, ông Toàn bảo vậy. Ông hồi tưởng: “Các đảo được đảm bảo cơ số dự trữ cơ bản gồm gạo, thịt hộp, đường, sữa, muối, rau khô và thuốc y tế, để dùng khi chiến đấu. Còn lại đều trông chờ vào 1 - 2 chuyến tàu tiếp tế, thay quân trong năm”, ông Toàn kể. “Khổ nhất là thiếu rau xanh và nước ngọt. Có thời điểm, nước ngọt cấp phát chỉ 1 ca nhôm/người/ngày”.
Đại tá Phạm Công Phán, 74 tuổi, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 (1982 - 1987) hiện nghỉ hưu tại Thái Bình, xác nhận: “Trường Sa luôn có khẩu hiệu “Nước là máu”. Vào mùa khô, đặc biệt là tháng 5 - 6 cuối mùa, nắng nóng 38 - 40 độ C, mọi téc chứa nước mưa đều cạn nên phải dùng nước từ tàu tiếp tế chuyển vào. Từng can nước được đưa xuống hầm, khóa kỹ và mỗi sáng chỉ cấp 1 ca cho từng người dùng trong ngày”.
Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Hải quân thăm quân và dân xã đảo Song Tử Tây, tháng 4.2018
Ra các đảo ngoài Trường Sa, hay thấy khẩu hiệu “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”. Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146 giải thích: Đặc trưng “chiến đấu anh dũng” không chỉ đơn giản là ý chí kiên cường trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền của bộ đội mà còn là tinh thần chiến đấu không khuất phục trước mọi khó khăn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, vượt lên những trở ngại, thách thức, ốm đau bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hậu phương để “chiến thắng chính mình”, bám trụ vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc…
Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng, Chính ủy Vùng 4 Hải quân, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn 146 (2008 - 2010), cho biết thêm: Đến năm 1995 là cả 33 điểm đóng quân đều được xem các chương trình của VTV qua vệ tinh. Đặc biệt từ những năm 1990, các đảo đã tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau quả, đánh bắt cá, chế biến nước mắm… giữ được chất lượng bữa ăn bộ đội.
Đến nay, các điểm đóng quân của bộ đội Trường Sa đã khang trang, sạch đẹp, đủ đầy bên cạnh các khu phố dân cư các xã đảo bao năm nay rộn ràng nhịp sống đời thường...
Trong năm 2017, các đảo ở Trường Sa đã phát hiện gần 500 lần máy bay quân sự, gần 150 tàu quân sự nước ngoài và xua đuổi hàng chục lần tàu vi phạm chủ quyền. Đặc biệt, đã cứu hộ cứu nạn cho ngư dân ta 89 lần. “Bộ đội chúng tôi vừa phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, giông bão, gian khổ, vất vả vừa đấu tranh ngăn chặn những hành động xâm phạm trái phép chủ quyền của lực lượng nước ngoài trên quần đảo Trường Sa”, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng trầm giọng: “40 năm, hơn 100 cán bộ chiến sĩ của chúng tôi đã hy sinh để bảo vệ từng sải biển Tổ quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.