Tỷ lệ người phục vụ chiếm gần 1/3 biên chế nhiều cơ quan nhà nước

29/11/2017 12:45 GMT+7

Sau nhiều đợt tinh giản tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, số đầu mối bên trong hệ thống chính trị vẫn phình ra đáng kể, với những ví dụ... giật mình

Sáng 29.11, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa 12 của Đảng.
Dự ở điểm cầu T.Ư có các ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư và lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư...

Chữa bệnh phải tới bệnh viện

Trong phần trình bày về sắp xếp, đổi mới tổ chức hệ thống chính trị, ông Phạm Minh Chính nêu ra việc cần sắp xếp bộ máy các ban chỉ đạo T.Ư cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, ông Chính nêu sự bất cập về tổ chức các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe từ T.Ư đến cấp tỉnh khi cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn chưa được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Theo ông Chính, chữa bệnh là phải đến bệnh viện chứ Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe không thể chữa được. Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chỉ làm chính sách, chủ trương, đường lối, tổ chức thực hiện cụ thể ở các đơn vị cấp tỉnh. Ngoài ra phải khẳng định cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở bệnh viện tốt hơn, tổ chức quy củ, chuyên nghiệp hơn ở các ban. Do đó việc chăm lo, chăm sóc sức khỏe của cán bộ phải gắn với bệnh viện…

Ông Chính cũng nêu một bất cập, phụ nữ làm cán bộ thì tuổi cũng phải trên 40 nhưng khi ông đi khảo sát ở một số ban chăm sóc sức khỏe cán bộ thì thấy có cả bàn đỡ đẻ, bác sĩ đỡ đẻ nhưng hỏi không thấy có ai đẻ cả. Rồi ở đây cũng có máy chụp X-quang, xét nghiệm máu… mà rất ít người sử dụng.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Chính cho hay Ban chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên hiện số người hưởng lương, phụ cấp ở 63 ban chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ có gần 1.000 người, 106 đầu mối và tổng kinh phí hoạt động gần 700 tỉ đồng/năm, trong đó hơn 100 tỉ đồng chi cho con người.

“Cá biệt còn có một số tỉnh mua sắm thiết bị y tế xây dựng phòng khám riêng cho cán bộ nhưng hiệu quả sử dụng, đội ngũ y tế có hạn. Nếu tiết kiệm được khoản này sẽ xây dựng được một số trường học và phù hợp hơn”, ông Chính cho hay.

Lái xe cũng phải là... công chức

Về bộ máy nhà nước, ông Chính cho hay mặc dù đã có nhiều đợt kiện toàn, sắp xếp nhưng tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị vẫn còn nhiều khuyết điểm và chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đáp ứng đề ra.

Một số cơ quan quy định lái xe cũng phải là công chức. Lái xe mà là công chức thì bao giờ mới thay được.

Ông Phạm Minh Chính

Bộ máy nhà nước, chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối nhất là đầu mối bên trong của các cơ quan, hệ thống chính trị ngày càng phình ra. Tính đến tháng 6.2017, số Bộ và cơ quan ngang Bộ ổn định so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên đầu mối bên trong thuộc bộ ban ngành, cơ quan T.Ư, địa phương tăng nhanh.

Cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011; có 826 cục, vụ thuộc tổng cục (tăng 4,7% so với năm 2011) và 7.280 phòng trong tổng cục (tăng 4,7%); 750 vụ, cục và tương đương trực thuộc bộ (tăng 13,6%), 3.970 phòng trong cục và tương đương trực thuộc bộ (tăng 13%)… Số liệu này cho thấy đơn vị tổng cục, cục, vụ, phòng đều tăng.

Riêng các cơ quan tham mưu, giúp việc của T.Ư tăng 23 đầu mối (tăng gần 22%) và 40 đầu mối cấp phòng, vụ (tăng 21%). Các cơ quan tham mưu, giúp việc của các tỉnh, thành ủy tăng 162 đầu mối cấp phòng (tăng 9,3%) và tăng 1.265 biến chế (tăng 12%)…

Đáng chú ý, tỉ lệ cán bộ công chức, viên chức phục vụ trong cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương rất nhiều. Ví dụ trong cơ quan Đảng ở T.Ư tỉ lệ người phục vụ là hơn 27%, ở Ủy ban T.Ư MTTQ VN và các đoàn thể chính trị xã hội gần 30%...

“Có cơ quan, đơn vị 17 - 18% là lái xe. Ngay như Ban Tổ chức T.Ư chỗ chúng tôi có tới 13 - 14% là lái xe. Một số cơ quan quy định lái xe cũng phải là công chức. Lái xe mà là công chức thì bao giờ mới thay được”, ông Chính nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.