Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương liên lạc, cảnh báo tàu thuyền tránh xa vùng nguy hiểm của cơn bão số 13 (bão Vamco), khi gió bão gây biển động dữ dội với đợt sóng có thể cao đến 9 m.
Dự báo sáng sớm 12.11, bão Vamco đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay. Đến 13 giờ ngày 12.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông đông nam. Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất vẫn ở cường độ cấp 12, giật cấp 15. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng kết hợp giữa hoàn lưu bão với áp cao lục địa tăng cường sẽ gây gió mạnh, sóng lớn, đặc biệt nguy hiểm với các tàu, thuyền trên Biển Đông.
Cụ thể, khu vực bắc và giữa Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 - 5 m. Vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Đông gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng biển cao từ 4 - 6 m, vùng gần tâm bão sóng cao từ 6 - 9 m.
Bão số 12 làm 2 người chết, 1 người mất tích
Chiều cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã có công điện gửi các bộ, ngành T.Ư; các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận yêu cầu triển khai ứng phó bão số 13. Văn phòng BCĐ T.Ư về PCTT-TKCN đặc biệt lưu ý, bão số 13 được nhận định là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung trong ngày 15.11. Trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông là từ vĩ tuyến 13,0 - 18,0 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 117,0 - 120,0 độ kinh đông.
|
Theo đó, các bộ, ngành phối hợp chính quyền các tỉnh ven biển kiểm đếm kỹ, thông báo liên tục đến chủ phương tiện, các thuyền trưởng yêu cầu di chuyển tránh xa vùng nguy hiểm đã được cảnh báo; giữ liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Văn phòng BCĐ T.Ư về PCTT-TKCN yêu cầu rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn, sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển; đảm bảo an toàn cho các công trình, hạ tầng khai thác dầu khí trên biển. Bộ Ngoại giao liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho các tàu, ngư dân VN được vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.
Theo BCĐ T.Ư về PCTT-TKCN thống kê đến cuối giờ chiều 11.11, bão số 12 làm 2 người chết (Quảng Nam 1 người, Bình Định 1 người) và 1 người ở Phú Yên mất tích; làm sập hoàn toàn 6 nhà (Khánh Hòa 5 nhà, Quảng Ngãi 1 nhà); 309 nhà tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Quảng Ngãi bị hư hỏng tốc mái; làm ngập lụt, hư hỏng 2.106 ha lúa và 324 hoa màu.
Mưa liên tục gây chia cắt nhiều nơi
Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa rất lớn trên diện rộng toàn tỉnh, từ chiều tối qua 11.11 nước trên sông Hương, sông Bồ đều đạt gần báo động 3 (cách 0,2 - 0,4 m).
Lũ đang dâng trở lại ở Thừa Thiên-Huế trong khi nhiều vùng quê ở các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Phong Điền... vẫn chưa thoát khỏi đợt “ngâm” liên tục hơn 1 tháng qua. Mưa lớn gây sạt lở nặng trên tuyến QL49A từ TP.Huế đi H.A Lưới. Từ chiều 11.11 đến ngày 12.11, học sinh các vùng thấp trũng được cấp tốc thông báo nghỉ học.
Do ảnh hưởng của bão số 12, tại Gia Lai mưa liên tục. Từ đêm 10.11, nước sông Ba dâng cao gây ngập cục bộ ở một số điểm, chia cắt QL25 đoạn qua TX.Ayun Pa và H.Krông Pa. Khoảng 4 giờ ngày 11.11, tại Km 109+500 trên QL25 đoạn qua xã Ia Rsươm, H.Krông Pa nước tràn qua đường và ngập sâu khiến các phương tiện giao thông không thể lưu thông. Chính quyền đưa thuyền, ca nô đến vận chuyển người dân qua các điểm ngập cục bộ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN H.Ia Pa cho biết: Mưa to gây ngập một số vùng trũng và một số ngầm tràn. 326 hộ dân với 680 nhân khẩu được di dời.
3 ngầm tràn tại các xã Chư Răng, Kim Tân, Pờ Tó nước dâng cao, gây chia cắt, cô lập 789 hộ dân với 2.837 khẩu.
Do ảnh hưởng bão số 12, mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày, khiến lũ trên các con sông ở Quảng Ngãi dâng cao, làm nhiều nơi bị ngập lụt, chia cắt. H.Nghĩa Hành có hơn 1.500 hộ dân ở các xã Hành Tín Tây, Hành Dũng, Hành Minh, Hành Đức và Hành Nhân bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m. Nhiều tuyến đường ở TT.Chợ Chùa bị ngập sâu, phương tiện giao thông không thể qua lại.
Tại H.Tư Nghĩa, người dân ở xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ cho biết, nước lũ lên nhanh từ lúc 3 - 4 giờ sáng 11.11 gây chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư và các tuyến đường quan trọng. Nhiều khu vực ven sông Trà Bồng thuộc các xã Bình Đông, Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Dương... của H.Bình Sơn, người dân phải di dời khẩn cấp. Một số tuyến đường ngập sâu, chính quyền phải lập chốt chặn, cấm qua lại để đảm bảo an toàn.
Tại H.Đức Phổ, nhiều nhà dân bị ngập nặng. Theo thống kê sơ bộ của UBND P.Phổ Ninh, toàn phường có hơn 20 ngôi nhà bị ngập nước. Trước tình hình lũ dâng cao, một số địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, lũ đang rút chậm nhưng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long.
Tại Quảng Nam ngày 11.11 mưa lớn gây ngập lụt ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, TP.Hội An… Nhiều xã ở H.Nông Sơn bị chia cắt, địa phương di dời 71 hộ dân (240 nhân khẩu) đến nơi an toàn; tuyến đường của xã Quế Lâm vẫn tiếp tục sạt lở.
Tại các huyện miền núi cao Bắc Trà My, Nam Trà My, sạt lở tái diễn tại các điểm sạt lở cũ; nước sông dâng cao khiến nhiều đoạn ngầm, cầu cống bị ngập sâu, cuốn trôi. Tại H.Tây Giang, mưa lớn đe dọa cuốn trôi những cầu tạm vừa được khắc phục sau đợt lũ trước; lực lượng chức năng chốt chặn các khu vực ngập lụt không cho người dân tự ý qua lại; sơ tán nhân dân. Tại H.Đông Giang, mực nước sông suối cũng đang dâng nhanh, buộc địa phương phải sơ tán dân.
Sạt lở núi gần thủy điện Sông Tranh 2, nhiều người bị vùi lấpLúc 14 giờ 30 ngày 11.11, tuyến QL40B đoạn qua thôn 4, xã Trà Tân, H.Bắc Trà My (Quảng Nam) gần thủy điện Sông Tranh 2 có một điểm sạt lở nhỏ. Thấy vậy, nhóm 9 người dừng lại dùng tay dọn dẹp một số bụi rậm để qua đường. Ngay sau đó, một khối đất đá khổng lồ bất ngờ đổ sập xuống đường; 5 người kịp bỏ chạy, 4 người bị đất đá vùi lấp. Tại hiện trường, nhiều xe máy nằm lẫn lộn dưới lớp đất đá, đường bị chắn ngang...
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cho biết trong số 4 người bị đất đá vùi, người dân địa phương đã cứu được 3 người đưa đi bệnh viện điều trị (có nạn nhân Huỳnh Văn Thanh ở TP.Tam Kỳ, bị gãy cả 2 chân). Chiều tối qua, lực lượng công an, quân đội sử dụng xe cơ giới, xe cấp cứu tiếp tục tìm kiếm 1 nạn nhân đang bị vùi lấp.
Ngày 11.11, do Quảng Nam mưa lớn nên công tác tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích do sạt lở núi ở xã Trà Leng (H.Nam Trà My) và 4 nạn nhân mất tích do sạt lở núi ở xã Phước Lộc (H.Phước Sơn) đã phải tạm dừng.
|
Bình luận (0)