Út 'trọc' được ông Đinh La Thăng hậu thuẫn 'trúng' quyền thu phí cao tốc

27/10/2020 05:40 GMT+7

Xuất phát từ động cơ cá nhân, ông Đinh La Thăng đã tạo điều kiện để công ty của Út 'trọc' trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM để xét xử 20 bị can trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc Trung Lương - TP.HCM liên quan đến Bộ GTVT, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt Tổng công ty Cửu Long - thuộc Bộ GTVT), Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh), Công ty CP Licogi 13 và một số công ty khác.
Trong đó, 7 bị can nguyên là lãnh đạo Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc, gồm: Đinh La Thăng (nguyên bộ trưởng từ tháng 8.2011 - 2.2016), Nguyễn Hồng Trường (nguyên thứ trưởng giai đoạn tháng 4.2007 - 8.2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính), Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Tổng công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng công ty Cửu Long), bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Những sai phạm của cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường

Bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; 12 bị can còn lại bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng để triển khai. Dự án được giao Tổng công ty Cửu Long quản lý và chính thức khai thác, thu phí từ ngày 25.2.2012. Theo chủ trương của Thủ tướng, khi dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn thành sẽ bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp (DN) khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng.
Đến cuối tháng 12.2013, Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ thành lập được công bố trúng thầu mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương 5 năm (từ 1.1.2014 - 1.1.2019) với giá hơn 2.004 tỉ đồng.

Tuyên án bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) và các đồng phạm tại phiên tòa tháng 7.2018

Trúng đấu giá nhờ quan hệ

Cáo trạng nêu, ông Thăng biết rõ các quy định về quản lý tài sản nhà nước và cần tìm đối tác có năng lực tài chính để chuyển giao quyền thu phí. Song, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ từ trước với Hệ, tháng 2.2012, ông Thăng đã gọi điện thoại trực tiếp cho Minh, giới thiệu công ty của Hệ - là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính - tiếp cận và tham gia mua quyền thu phí; sau đó tạo điều kiện để công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cụ thể, ông Đinh La Thăng phân công Tổng công ty Cửu Long xây dựng đề án chuyển giao quyền thu phí, đồng thời ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá, do nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường làm chủ tịch. Tháng 11.2012, ông Trường ký thông báo cho phép thời gian thanh toán số tiền trúng thầu được chia làm 3 lần, trong 10 tháng: lần 1 bằng 40% giá trị trúng thầu, lần 2 bằng 30% giá trúng thầu, lần 3 là số tiền còn lại. Trong khi, luật quy định phải thanh toán trong 2 lần.
Ngoài ra, khi xây dựng giá bán quyền thu phí, Tổng công ty Cửu Long đề xuất tốc độ tăng trưởng doanh thu là 9,18%/năm, nhưng ông Trường nhiều lần yêu cầu tổng công ty này chỉnh sửa và kết luận chỉ đạo với nội dung “tốc độ tăng trưởng áp dụng cho cả thời hạn bán quyền thu phí là 8%/năm”, rồi giao Tổng công ty Cửu Long xác định lại giá bán khởi điểm.
Sau khi niêm yết thông tin bán đấu giá quyền thu phí, có 6 đơn vị tham khảo hồ sơ, trong đó có Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An của Út “Trọc”. Tuy nhiên, chỉ 2 công ty của Hệ làm hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; 4 công ty còn lại không tham gia nộp hồ sơ đăng ký.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của 2 công ty do Hệ làm chủ, các bị can thuộc Bộ GTVT và công ty trực thuộc biết 2 công ty này do ông Thăng giới thiệu, nên không kiểm tra năng lực tài chính và báo cáo tài chính; lập khống biên bản họp đánh giá hồ sơ năng lực và quyết định công nhận 2 công ty của Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá. Khi tổ chức đấu giá, các bị can cũng bỏ qua các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh trúng đấu giá, bằng giá khởi điểm.

Bị cáo Đinh La Thăng kể về tuổi trẻ và vợ khi nói lời cuối cùng trong phiên tòa tháng 1.2018

Chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng

Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, Hệ có thêm hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của nhà nước.
Theo đó, giai đoạn đầu thu phí (năm 2014), Hệ chỉ đạo nhân viên cắt giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công: vào những ngày có nhiều phương tiện qua trạm thu phí, các bị can chuyển làn xe vào thành làn xe ra và thu phí không qua hệ thống phần mềm quản lý, mà liệt kê vào biên lai thu tiền và lập báo cáo thu phí. Số tiền thu thủ công, Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu để báo cáo với cơ quan thuế và Tổng công ty Cửu Long.
Khi việc giảm doanh thu bằng thủ công không hiệu quả, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên liên hệ một số công ty và bị can khác am hiểu về công nghệ thông tin can thiệp vào phần mềm thu phí ITD mà trạm thu phí đang sử dụng, can thiệp sửa số sêri vé để cắt giảm doanh thu thu phí. Các bị cáo cũng tìm cách xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về thu phí thực tế từ năm 2016 về trước. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, 1 bị can đã sao lưu dữ liệu vào 4 ổ đĩa, để tại phòng làm việc. Khi khám xét khẩn cấp, CQĐT thu giữ được 4 ổ đĩa này. Qua trích xuất dữ liệu từ 4 ổ đĩa, cáo trạng xác định Hệ đã chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo cáo trạng, năm 2013, Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng là công ty có 51% vốn nhà nước, để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự và hưởng lợi cá nhân 3,4 tỉ đồng - là tiền giảm giá mua biệt thự.
Về trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thể, cáo trạng nêu tại thời điểm xảy ra sai phạm, ông Thể là Thứ trưởng Bộ GTVT được phân công quản lý nhà nước đối với Tổng công ty Cửu Long, nhưng không được giao phụ trách thực hiện, quản lý đối với Đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo cáo trạng, không chỉ đạo dứt điểm việc chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh có một phần trách nhiệm của ông Thể, nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả, thiệt hại của vụ án nên không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thể. Ông Nguyễn Văn Thể được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 10.2017 đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.