>> Quá nhiều kẽ hở trong thu hồi đất
>> Thu hồi đất của dân phải đền bù “trọn gói”
>> Sửa đổi luật Đất đai: Nóng chuyện thu hồi đất
>> Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? - Kỳ 2: Không nên gọi là “thu hồi đất”
>> Thu hồi đất phải dự báo tình hình phát sinh khiếu kiện
Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự luật, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết dự luật Đất đai (sửa đổi) gồm có 14 chương và 192 điều, tăng 7 chương và 46 điều so với luật Đất đai hiện hành.
Trong nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, đáng chú ý là cơ chế thu hồi đất và đền bù khi thu hồi đất của dân đã được quy định khá chặt chẽ.
Theo đó, Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt để tạo quỹ đất “sạch”, sau đó, giao đất, cho thuê đất hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Về cơ chế bồi thường, ông Quang cho biết luật sửa đổi làm rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện quy định thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền; giá đất tính tiền bồi thường theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Ngoài ra, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư, ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ; khu tái định cư tập trung phải bảo đảm có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhà nước điều tiết một phần nguồn thu từ đất để thực hiện việc hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi…; Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng và công khai.
“Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở và tài sản gắn liền với đất ở không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì được Nhà nước hỗ trợ để mua đủ suất tái định cư tối thiểu”, ông Quang cho biết.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt; tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Đề nghị đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai”, ông Giàu phản ánh.
Ngoài ra, qua thẩm tra, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Theo nghị trình, dự luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 6.11 và thảo luận rộng rãi tại Hội trường ngày 19.11 tới, được tường thuật trực tiếp qua VTV1 và VOV1.
Bảo Cầm
Bình luận (0)