Vạch trần cụm công nghiệp 'lụi' 72 ha: Ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm?

23/06/2018 08:15 GMT+7

Như Thanh Niên hôm qua (22.6) đề cập, liên quan đến sai phạm ở cụm công nghiệp “lụi” 72 ha, đến nay mới chỉ có Chủ tịch UBND xã Phước Tân bị cho thôi chức để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý đất đai, xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn xã.

Nhưng liệu một chủ tịch UBND xã có đủ khả năng “buông lỏng” để hàng chục doanh nghiệp đầu tư trên 1.000 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng trái phép? Trong khi đó, việc hình thành cụm công nghiệp (CCN) “lụi” Phước Tân (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) diễn ra trong suốt thời giai dài, với trách nhiệm tham mưu, thẩm định của UBND TP.Biên Hòa, Sở Công thương và chấp thuận chủ trương UBND tỉnh Đồng Nai…
Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể
Phân lô bán nền trái phép tràn lan
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vương Huy Đào, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân, cho rằng đúng ra sau khi xin được chủ trương làm CCN, chủ đầu tư phải làm các bước thủ tục nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng đúng với công năng một CCN. “Nhưng đến nay vẫn chưa có gì bài bản, dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà xưởng trái phép tràn lan”, ông Đào nói và cho biết thêm hiện Thanh tra TP.Biên Hòa đang làm rõ những sai phạm này để xử lý
Theo hồ sơ PV Thanh Niên thu thập được, Quyết định 734 ngày 27.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2025 với phần phát triển KCN, CCN không có tên CCN Phước Tân. Thế nhưng, khi Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Việt Bảo Minh (gọi tắt là Công ty Việt Bảo Minh) ngày 18.8.2015 có văn bản về việc xin chủ trương thành lập CCN Phước Tân, thì chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 2.12.2015, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc ký, chấp thuận chủ trương thành lập CCN với diện tích hơn 72 ha. Đáng nói, vị trí khu đất UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho làm CCN lại chính là đất có chức năng công viên rừng trồng theo quy hoạch chung TP.Biên Hòa được chính UBND tỉnh phê duyệt trước đó chỉ hơn 4 tháng (ngày 25.7.2015).
Vì sao UBND tỉnh Đồng Nai lại phá vỡ quy hoạch Thủ tướng đã duyệt, phủ định quy hoạch do chính mình phê duyệt để lấy đất có chức năng công viên rừng trồng làm CCN Phước Tân? Phải chăng việc lập CCN này là cần thiết, cấp bách? Câu trả lời là hoàn toàn không phải. Trước khi UBND tỉnh thông qua chủ trương, Sở KH-ĐT Đồng Nai đã lưu ý: “Danh mục quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, toàn tỉnh có 27 CCN được quy hoạch (không có CCN Phước Tân - PV). Tuy nhiên, đến nay còn nhiều CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Riêng TP.Biên Hòa có 6 KCN và 2 CCN đã có quyết định thành lập và đang hoạt động. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện các biện pháp thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng các CCN đã có trong quy hoạch. Đối với địa bàn TP.Biên Hòa, hiện có nhiều KCN, CCN đang hoạt động nên việc bổ sung quy hoạch phát triển CCN cần phải cân nhắc đến quỹ đất, hạ tầng, nhân lực, an sinh xã hội khi CCN này (CCN Phước Tân - PV) đi vào hoạt động”. Vì thế, trách nhiệm dẫn đến sai phạm này cần được làm rõ liên quan đến cá nhân, tập thể nào.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã thẩm định, tham mưu để UBND tỉnh ra chấp nhận chủ trương thành lập CCN Phước Tân. Trong đó, phải kể đến báo cáo thẩm định của Sở Công thương ngày 24.11.2015, do bà Nguyễn Hòa Hiệp, Giám đốc Sở (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), ký gửi UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị cho phép thành lập CCN Phước Tân với quy mô hơn 72 ha; văn bản ngày 21.12.2015 của UBND TP.Biên Hòa, do Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Lại Thế Thông, ký gửi UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị chấp thuận bổ sung quy hoạch CCN Phước Tân…
Dân gồng mình hứng ô nhiễm
Quá trình tìm hiểu, điều tra vụ việc, PV Thanh Niên đã liên hệ với một số người có trách nhiệm ở địa phương để làm rõ, nhưng hầu hết đều từ chối với lý do “vụ việc đang thanh tra”. Trong khi đó, CCN “lụi” này với hàng chục doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, gây hệ lụy môi trường mà người dân địa phương phải gồng mình gánh chịu.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng trăm nhà dân hai bên đường Chu Mạnh Trinh dẫn vào CCN này quanh năm suốt tháng bị tra tấn bởi hàng trăm lượt xe tải, xe container chở hàng, đất đá... “Tân Cang kể từ khi có CCN hoạt động thì nhiều thứ bị đảo lộn lắm, đặc biệt là ô nhiễm môi trường, xe cơ giới vào ra ào ào, không ai ngủ yên được. Bà con chúng tôi ở đây cứ cầu cho trời mưa quanh năm, chứ nắng lên một bữa là bụi mù trời. Ô nhiễm bủa vây thế này khiến chúng tôi sống trong nghẹt thở. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp sớm khắc phục thì sức khỏe bà con bị đe dọa, hứng chịu bệnh tật”, bà Nguyễn Thị Bình Mai, một người dân ở ấp Tân Cang, than thở.
Trong khi đó, một người dân xã Phước Tân bức xúc: “Khu đất 72 ha mà CCN “lụi” đang hoạt động, vốn có chức năng đất công viên rừng trồng, không phù hợp với mục tiêu thành lập CCN. Đáng ra bà con chúng tôi được thụ hưởng môi trường sống trong lành, thì nay phải gồng mình hứng chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề. Trách nhiệm thuộc về ai phải làm rõ, trả lời cho dân biết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.