Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích” phản ánh về hoạt động “team khởi nghiệp 360” có nhiều dấu hiệu phạm tội, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an), Công an TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM vào cuộc xác minh. Theo đó, PV Thanh Niên đã cung cấp nhiều tài liệu về hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, clip và hình ảnh về hoạt động của “team khởi nghiệp 360”, hồ sơ học bổng du học giả, danh tính những người đứng sau “team khởi nghiệp 360” cho cơ quan chức năng...
Phối hợp điều tra nhiều dấu hiệu phạm tội
Theo C02, từ thông tin Báo Thanh Niên phản ánh, lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy đây là một vấn đề lớn, nhiều dấu hiệu phạm tội có tổ chức, diễn ra trên nhiều tỉnh, TP nên đã yêu cầu C02 vào cuộc. Cùng thời gian này, Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh. Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03 - Công an TP.HCM) đến Báo Thanh Niên trao đổi thông tin để xác minh, báo cáo lên Ban giám đốc về hoạt động “team khởi nghiệp 360”. Báo Thanh Niên cũng đã cung cấp nhiều hồ sơ, hình ảnh, tài liệu liên quan đến hoạt động của “team khởi nghiệp 360” cho Thanh tra Sở Công thương TP.HCM làm cơ sở chứng cứ để kiến nghị lên UBND TP.HCM, phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, xử lý.
Theo đại diện Sở Công thương, hoạt động của “team khởi nghiệp 360” mà Báo Thanh Niên phản ánh đã có nhiều dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; trốn thuế. Theo vị đại diện này, thì “team khởi nghiệp 360” hướng tới là những sinh viên (SV) năm 1, năm 2. Đây là lứa tuổi vừa mới xa gia đình đi học, rất dễ bị những đường dây hoạt động như “team khởi nghiệp 360” đánh trúng tâm lý về tự lập, làm giàu nhanh chóng..., rồi sập bẫy lừa đảo. Thế nhưng, khi dính sâu vào đường dây đa cấp biến tướng, các SV thường bỏ học, không dám đối mặt với sự thật là đã lừa bố mẹ, bạn bè. Từ đó, các em lún sâu theo con đường đa cấp biến tướng trá hình mà những người “sếp” trong đường dây đó vẽ nên để rồi đánh mất cả tương lai.
|
Liên quan vấn đề này, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã vào cuộc điều tra hoạt động “team khởi nghiệp 360”. Theo đó, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, 2 cơ sở tại số 42A đường Cây Keo (P.Tam Phú) và số 49 đường số 12 (P.Hiệp Bình Chánh) đã đóng cửa và tháo biển hiệu hộ kinh doanh cá thể. Công an Q.Thủ Đức kêu gọi ai là nạn nhân, từng đóng tiền tại 2 cơ sở nói trên đến trình báo, tố cáo sự việc.
“Ma trận” chiêu trò lừa đảo sinh viên
Trong một diễn biến có liên quan, PV cũng đã kết nối các nạn nhân của “team khởi nghiệp 360” với Sở Công thương TP.HCM, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam để được hướng dẫn làm đơn tố cáo gửi lên Bộ Công an, Công an TP.HCM để điều tra xử lý.
Tiếp xúc với PV, nhiều nạn nhân của “team khởi nghiệp 360” cho hay sau khi đóng hàng trăm triệu để lên gói “doanh nhân” (DN), họ chỉ được hưởng lương cứng từ 1 - 4 triệu đồng/tháng. Phần lớn khoản tiền góp vô như “gió vào nhà trống”. “Sẽ có quản lý chỉ cách vay tiền như vay nóng, thẻ ngân hàng; cầm xe, điện thoại... cho thử thách 20 triệu trong 2 ngày. Khâu cuối gặp “giám đốc vùng”, SV sẽ được nghe quyền lợi và chọn gói DN đồng, bạc, vàng, kim cương hoặc gói “siêu”, “combo”. Sau đó, sẽ được bày cách làm hồ sơ du học giả và ăn nói thế nào với gia đình để có tiền. Khi có hồ sơ sẽ bị buộc đi ngay về lấy tiền, sẽ có người giám sát, chở ra bến xe”, một nạn nhân thuật lại.
|
Nạn nhân L.A cho biết, những SV đang sắp thành DN sẽ bị “dồn” chung một chỗ ở với quản lý nhằm “tránh tiêu cực từ bên ngoài”, nhưng thật ra là để quản lý giám sát toàn bộ hành động của nhân viên. “Mỗi ngày DN bị bắt ăn cơm chay, mì gói, nếu ngày nào không dụ được ai vào, thì xài chung tiền qua lại với nhau chứ không có thu nhập gì. Thậm chí, 4 quản lý nam trong đó chuyền tay nhau một cái đồng hồ để cho nhân viên nghĩ mình giàu”, L.A kể.
Đ.M.H đã thành DN đồng của “team khởi nghiệp 360” tại một cơ sở ở Q.Bình Thạnh. H. kể, ban đầu các quản lý giả biên lai, bày cho H. cách đóng tiền học Anh văn để về xin tiền gia đình và mượn bạn bè, nhưng thật ra là để đầu tư mã “8386” (tương đương hơn 8,3 triệu đồng) nhằm lên hạng nhà kinh doanh. Tương tự những thử thách mà L.A đã liệt kê, để được lên gói DN, H. bị bắt đi chinh phục gói tam giác vàng, mua thêm 2 mã tầm hơn 16 triệu đồng bằng cách vay mượn bạn bè, vay nóng rồi mới biết giá của các gói DN như gói đồng sẽ có giá hơn 90 triệu; gói bạc gần 200 triệu, gói vàng gần 400 triệu... Ngoài ra còn có gói DN siêu vàng, siêu kim cương với giá lên tới hàng tỉ đồng.
|
Sau khi trải qua các thử thách, H. được bày cách làm hồ sơ du học giả. “Bạn nào ở TP.HCM sẽ về nhà xin tiền trong vòng 1 ngày, ai ở tỉnh sẽ về 2 ngày. Thời điểm đó thì hồ sơ, thông tin... đều do “team khởi nghiệp 360” này chuẩn bị”, H. nói và cho biết khi lên được gói DN sẽ có lương cứng: DN đồng được 1 triệu đồng/tháng, bạc 2 triệu/tháng, vàng được 4 triệu/tháng... Còn những “nhà kinh doanh” phải chịu cảnh “chết đói”. “Thậm chí, những người này sẽ bày ra 3 thị trường để lôi kéo người vào hệ thống như “thị trường nóng” là người thân thuộc, “thị trường ấm” là bạn cũ..., “thị trường lạnh” tuyển dụng trên mạng xã hội”, H. kể và cho biết đã tham gia 6 tháng, bị “dồn” ở chung một phòng trọ và nghỉ học để dành toàn thời gian cho “team khởi nghiệp 360”...
Ông S. từ Quảng Ngãi lặn lội vào TP.HCM tìm con gái đã “mất tích” khoảng 8 tháng nay kể từ khi nhập học vào một trường đại học tại Q.Thủ Đức, và đến hôm qua (26.6) vẫn chưa tìm được.
“Con tôi về nhà 2 ngày, mang theo hồ sơ du học ở Phần Lan để xin chu cấp tiền. Con tôi bảo rằng 1 năm bên Phần Lan chỉ cấp học bổng cho 5 người nên phải chớp lấy thời cơ, và Phần Lan đã mua vé máy bay cho mình, chỉ cần thêm tiền đóng visa...”, ông S. kể và cho biết thêm: “Con tôi nói rằng hiện giờ đang cần 428 triệu đồng để đi, vì thời gian lúc đó quá gấp, chúng tôi không kịp kiểm chứng, còn đưa con ra sân bay Tân Sơn Nhất nữa, con vẫn điện về thường xuyên. Khi đọc Báo Thanh Niên thì cả nhà tôi tá hỏa. Kiểm chứng rồi chúng tôi mới biết con chưa hề đi khỏi Việt Nam. Gia đình tôi rất lo lắng”.
|
Sớm ban hành quy chế phối hợp để giám sát
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại TP.HCM chưa ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc giám sát, xử lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo điểm a, khoản 1, điều 56 Nghị định 40 năm 2018 của Chính phủ (về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp). Chính vì điều này, các cơ quan chức năng tại TP.HCM lúng túng trong việc giám sát, xử lý hoạt động này, đặc biệt là đa cấp biến tướng, lừa đảo. Liên quan vấn đề này, Sở Công thương TP.HCM cho biết đang khẩn trương tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành quy chế phối hợp, và đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp, quản lý.
|
Bình luận (0)