Trước đó, tại cuộc họp giữa các sở ngành TP.HCM và Công an TP.HCM vào trung tuần tháng 8, Thường trực UBND TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra TP.HCM và các sở ngành liên quan rà soát hồ sơ, chuyển sang công an để điều tra làm rõ 2 nội dung có dấu hiệu sai phạm, gồm sai phạm của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) trong việc chuyển nhượng phần vốn tại Công ty CP KCN Phong Phú (PPIP); sai phạm trong việc Ngân hàng TMCP Phương Nam cho PPIP và các doanh nghiệp, cá nhân liên quan vay theo 18 hợp đồng tín dụng được thế chấp bằng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú (viết tắt là DA; tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) dẫn đến phát sinh dư nợ gốc - lãi hơn 10.269 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 5.134 tỉ đồng).
Tùy tiện bán cổ phần
Theo kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP.HCM, PPIP được thành lập từ năm 2001, đã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 13 lần, chủ yếu tăng vốn điều lệ từ 20 tỉ đồng lên 350 tỉ đồng, thay đổi người đại diện, địa chỉ công ty. Đăng ký thay đổi lần thứ 13 ngày 6.4.2012, gồm 3 cổ đông sáng lập: Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI), sở hữu 140.000 cổ phần, tương đương 70% vốn điều lệ; Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) sở hữu 50.000 cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) sở hữu 10.000 cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ.
Thanh tra TP.HCM xác định sai phạm của SADECO trong việc chuyển nhượng phần vốn tại PPIP. Cụ thể, SADECO là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối 74,8%, nhưng không hề thẩm định giá vốn, không tổ chức đấu giá mà chỉ định bán 25% vốn cổ phần cho Công ty TNHH bất động sản Hoa Lâm vào tháng 4.2011, dẫn đến có khả năng thất thoát vốn nhà nước hơn 19,6 tỉ đồng. Trách nhiệm này thuộc về Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV của SADECO tại thời điểm xảy ra vụ việc.
|
Cũng theo KLTT, DA do PPIP làm chủ đầu tư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2002 với diện tích 163,3 ha, tổng mức vốn đầu tư là 436,5 tỉ đồng; được UBND TP.HCM ký quyết định cho PPIP thuê đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Năm 2008 DA được điều chỉnh giảm quy mô xuống còn 148,4 ha; đến 2014 giảm tiếp xuống còn 134 ha (chuyển đổi thành khu phức hợp công nghệ cao), trong đó phần diện tích KCN Phong Phú là 67 ha.
Đến nay, DA đã triển khai 17 năm nhưng PPIP chưa xác định ranh, chưa lập và trình đồ án quy hoạch 1/2.000 cho cơ quan chức năng duyệt để có cơ sở thực hiện. Theo KLTT, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở TN-MT) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND TP.HCM về quản lý nhà nước về đất đai, nhưng sở chưa ký hợp đồng cụ thể và không rà soát việc quản lý sử dụng đất để kiến nghị xử lý, dẫn đến việc nhà nước không thu được tiền thuê đất của PPIP.
Dùng đất dự án bảo lãnh cho người ngoài vay hàng ngàn tỉ đồng
Thanh tra TP.HCM còn phát hiện sai phạm của PPIP qua việc giao dịch, thế chấp giá trị bồi thường đất tại DA với Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank).
Cụ thể, năm 2012 PPIP sử dụng 26 hồ sơ đền bù vào năm 2005, giá trị đền bù chỉ hơn 22 tỉ đồng cho diện tích hơn 110.000 m2 tại xã Phong Phú làm giá trị tài sản thế chấp, nhưng đã được Ngân hàng TMCP Phương Nam thẩm định giá bất động sản với số tiền lên đến hơn 550 tỉ đồng. Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Phương Nam ký 2 hợp đồng tín dụng giải ngân cho PPIP hơn 293 tỉ đồng. Trong năm 2012 và 2013, PPIP còn dùng 398 hồ sơ đền bù làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho 7 doanh nghiệp, 9 cá nhân không phải là cổ đông của PPIP để ký các hợp đồng tín dụng vay ở Ngân hàng TMCP Phương Nam hàng ngàn tỉ đồng. Tất cả 18 hợp đồng thế chấp đều do ông Nguyễn Ngọc Quang (Tổng giám đốc PPIP) ký. Theo KLTT, tới tháng 4.2018 PPIP chưa trả nợ gốc và lãi vay, tổng dư nợ 18 hợp đồng trên lên đến hơn 10.269 tỉ đồng.
Với những bất thường trên, Thanh tra TP.HCM khẳng định đến nay đất được giao để thực hiện DA PPIP chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng đã tự định đoạt dùng đất DA đem thế chấp vay ngân hàng để phục vụ cho mục đích riêng, không thể hiện trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị, là vi phạm pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, đất thực hiện DA phần lớn là đất nông nghiệp, nhưng Ngân hàng TMCP Phương Nam thẩm định giá để làm cơ sở cấp tín dụng cho PPIP, với mức giá thẩm định trung bình lại cao hơn 25 lần so với giá bồi thường cho người dân. Như vậy, có sự chênh lệch giữa giá trị bồi thường khu đất thực tế (khoảng 383 tỉ đồng) so với giá trị cho vay (5.134 tỉ đồng), có thể gây thiệt hại cho ngân hàng 4.751 tỉ đồng chưa tính lãi. Theo đó, Thanh tra TP.HCM kết luận có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đề nghị thu hồi đất dự án
Cũng theo KLTT, đối với phần tổng vốn vay hơn 5.134 tỉ đồng, PPIP chỉ sử dụng 293 tỉ đồng cho hoạt động công ty, còn lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của những cá nhân, tổ chức không liên quan đến công ty. Tính đến thời điểm thanh tra, tổng dư nợ cả gốc và lãi lên đến hơn 10.269 tỉ đồng, phía ngân hàng không có khả năng thu hồi bởi PPIP đã chấm dứt hoạt động của DA đầu tư... Chưa kể, theo báo cáo tài chính của PPIP ngày 31.12.2018, thì tổng tài sản của công ty hơn 1.222 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 326 tỉ đồng, còn vốn vay lên đến hơn 896 tỉ đồng.
Theo Thanh tra TP.HCM, PPIP có khoản nợ vay nhiều hơn số vốn hiện có và việc mất khả năng hoàn trả nợ của công ty quá lớn, nguồn vốn so với tổng số nợ phải trả thể hiện sự rủi ro quá cao, không có năng lực thực hiện DA. PPIP cũng khẳng định không còn đủ năng lực về tài chính và nhân lực để tiếp tục thực hiện DA. Vì vậy, Thanh tra TP.HCM đề nghị cần thu hồi đất DA theo quy định.
Đất dự án bị “xẻ thịt”Thanh tra TP.HCM cũng xác định sai phạm của PPIP trong việc để phần đất thực hiện DA bị các cá nhân, tổ chức bên ngoài khai thác để kinh doanh, đậu xe, sử dụng không đúng mục đích, để tình trạng lấn chiếm sử dụng đất trái phép vẫn còn diễn ra tại đây.
Theo đó, đến thời điểm thanh tra (tháng 6.2019) có tổng cộng 60 công trình vi phạm, 15 công trình đã cưỡng chế tháo dỡ, 26 công trình chưa tháo dỡ, còn 19 công trình mới bị lập biên bản xử phạt nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thanh tra TP.HCM khẳng định PPIP đã vượt thẩm quyền trong việc để đất DA bị kinh doanh và sử dụng sai mục đích ban đầu so với phê duyệt của Thủ tướng.
Để xảy ra tình trạng sử dụng “vô tội vạ” đất tại DA, theo KLTT, ngoài trách nhiệm thuộc về PPIP thì Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), Sở Xây dựng, UBND H.Bình Chánh, UBND xã Phong Phú là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trực tiếp trong quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tại DA, đã thiếu quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm này lại phát sinh hành vi vi phạm khác trong cùng vị trí.
Bất thường là mặc dù UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng các cơ quan trên thiếu kiên quyết, xử lý chỉ mang tính hình thức, chưa hết trách nhiệm, chưa triệt để dẫn đến tình trạng những công trình vi phạm hiện nay chưa được cưỡng chế tháo dỡ. Việc này thể hiện sự yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước, làm giảm và suy yếu tính nghiêm minh của pháp luật, gây tâm lý coi thường pháp luật của các cá nhân, tổ chức, và hệ quả là hành vi vi phạm tái đi tái lại nhiều lần.
|
Bình luận (0)