Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày: Để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến giãn cách xã hội kéo dài, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành T.Ư đã dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác chỉ đạo, dốc sức huy động tổng lực chi viện cho miền Nam chống dịch, trong đó có TP.HCM, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh...
Những ngày này, với đạo lý sẻ chia, tương thân tương ái, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đang dốc sức chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía nam, nơi dịch bệnh Covid-19 hoành hành phức tạp.
|
Đồng lòng hướng về tuyến đầu
Từng là “tâm dịch” của cả nước, Bắc Giang đã trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn với hàng nghìn ca F0, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỉ đồng/ngày. Thấu hiểu khó khăn mà các tỉnh phía nam phải hứng chịu, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bắc Giang đã kêu gọi người dân trong tỉnh hỗ trợ sức người, sức của chi viện cho miền Nam.
Bắc Giang khó 1 thì TP.HCM và các tỉnh phía nam khó 10, thế nên từ rau xanh, quả bí, trái bầu, gạo, mì tôm… ai có gì góp đó chỉ với hy vọng bà con miền Nam trụ vững trong dịch. Để vận chuyển hơn 200 tấn hàng, Bắc Giang cũng có đội xe “0 đồng” với hơn 10 xe và hàng chục tình nguyện viên là các tài xế lão luyện. Về nhân lực, 258 y bác sĩ cũng đã xung phong lên đường vào Nam. Ngay từ khi dịch bùng phát, có mặt tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, các y bác sĩ của Bắc Giang luôn cố gắng, nỗ lực, nhiệt huyết với tinh thần “miền Nam gọi, Bắc Giang luôn sẵn sàng”, đồng hành, chung sức cùng miền Nam cho đến khi nào nơi đây hết dịch mới thôi.
|
Tại Vĩnh Phúc, trong vòng 1 tháng qua, tỉnh đã có 66 cán bộ, nhân viên y tế tăng cường cho miền Nam. Lần đầu tiên là 6 người, lần thứ 2 (ngày 13.7) là 40 người, gồm 10 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và 30 điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, hiện vẫn đang phục vụ tại Bệnh viện (BV) điều trị Covid-19 TP.Thủ Đức. Gần nhất, tỉnh cũng quyết định huy động 20 cán bộ y tế tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM. Đoàn do bác sĩ Doãn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Bình Xuyên, làm trưởng đoàn, chi viện cho BV dã chiến số 6 Thủ Đức.
Điều đặc biệt trong chuyến công tác lần này của 20 cán bộ, nhân viên y tế Vĩnh Phúc là quyết định điều động công tác bỏ trống thông tin ngày về. Đây là một việc hy hữu, chưa từng có tiền lệ. “Nhưng anh chị em trong đoàn không ai bận lòng. Chúng tôi thấy điều đó không quan trọng, bởi chúng tôi đã tự hứa với mình, bao giờ TP.HCM hết dịch, bao giờ cuộc sống trong đó mà sự bình yên trở lại với người dân, chúng tôi mới trở về”, bác sĩ Doãn Đức Toàn chia sẻ.
Dù biết vào tâm dịch sẽ đối mặt với rất nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí có thể gặp rủi ro về cả sức khỏe, tính mạng, nhưng các tình nguyện viên, đặc biệt lực lượng y tế nơi tuyến đầu vẫn một lòng vì miền Nam. Thông tin mới nhất ngày 31.7 từ BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, đoàn thầy thuốc gồm 70 y bác sĩ của đơn vị này vào TP.HCM để hỗ trợ chống dịch Covid-19, có 16 người vừa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Trưởng đoàn công tác, trước khi lên đường, tất cả thành viên đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cụ thể, trong số 70 y bác sĩ có 50 người được tiêm 1 mũi, 20 người được tiêm 2 mũi.
Cũng theo bác sĩ Tiến, 16 y bác sĩ nhiễm Covid-19 đều là những người trẻ, sức khỏe tốt, được cập nhật điều trị phác đồ mới, nên sẽ ổn định và sớm hồi phục. Các thành viên trong đoàn còn lại không vì thế mà nao núng, sợ hãi. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang lên danh sách hỗ trợ 100 y bác sĩ tiếp tục vào hỗ trợ chống dịch.
Nghĩa tình với miền Nam ruột thịt
Hưởng ứng lời kêu gọi “Hướng về thành phố mang tên Bác” từ ngày 17.7, tính đến ngày 31.7, người dân tỉnh Thanh Hóa đã quyên góp 2.200 tấn nhu yếu phẩm gửi vào TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Thanh Hóa, cho biết số hàng này chuyển cho TP.HCM 1.765 tấn (đã vào đến nơi); các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 400 tấn (đang trên đường vào).
Thanh Hóa cũng đã điều động 109 bác sĩ, nhân viên y tế vào TP.HCM và tỉnh Bình Dương để hợp lực với lực lượng tại chỗ chống dịch, cứu chữa cho bệnh nhân.
Ở Nghệ An, mặc dù thời gian qua phải đối phó với dịch Covid-19 lây lan ở nhiều huyện, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, tỉnh đã vận động các y bác sĩ tình nguyện lên đường chi viện cho TP.HCM. Đến nay, đã có 80 bác sĩ, nhân viên y tế tại Nghệ An vào TP.HCM. Những y bác sĩ này đều được lựa chọn từ những người có trình độ chuyên môn và đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, lấy mẫu, chống dịch Covid-19.
|
Ngoài ra, từ ngày TP.HCM bị giãn cách, người dân ở các huyện, thị ở Nghệ An đã mang bí xanh, chuối xanh, đậu phộng (lạc), cá khô… đến các điểm tập kết ở các thôn, xóm. Số nông sản, nhu yếu phẩm gần 400 tấn đã được vận chuyển vào TP.HCM để chia sẻ với người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Khi chính quyền địa phương phát đi thông tin vận động người dân quyên góp, hỗ trợ người dân TP.HCM gặp khó khăn vì dịch, cụ Hoàng Thị Nhâm (101 tuổi, ngụ thôn Thanh Xá 1, xã Hà Lĩnh, H.Hà Trung, Thanh Hóa) đã chống gậy, mang 5 kg gạo và 20.000 đồng đến đình làng nhờ lực lượng tình nguyện chuyển đến cho người dân TP.HCM. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, vợ chồng cụ Nhâm (chồng cụ Nhâm năm nay cũng đã 101 tuổi) sống cùng người con gái (không lập gia đình riêng) trong căn nhà nhỏ ở thôn Thanh Xá 1. Nhiều người con khác của cụ Nhâm đã có gia đình riêng, nhưng kinh tế không mấy khá giả, đều làm nông nghiệp.
Ở xã miền núi Bình Lương (H.Như Xuân, Thanh Hóa), cụ Vi Thị Mão (103 tuổi, người dân tộc Thái) hay tin Ủy ban MTTQ VN xã Bình Lương vận động người dân ủng hộ TP.HCM, cụ đã nhờ người gọi đội tình nguyện đến rồi vào nhà xúc khoảng 10 kg gạo và lấy 50.000 đồng đưa cho ban vận động, nhờ chuyển cho bà con TP.HCM.
Anh Hoàng Đình Cường, cán bộ Đoàn xã Hà Lĩnh (Thanh Hóa), thành viên Ban vận động ủng hộ theo chương trình “Hướng về thành phố mang tên Bác” của xã Hà Lĩnh, cho biết: “Từ em đoàn viên, thanh niên, học sinh bớt đi ngày ăn sáng cho đến cụ già hơn 100 tuổi không còn sức lao động, nhưng khi hay tin vận động ủng hộ đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch, thì họ luôn sẵn sàng, thậm chí tiên phong. Hành động, việc làm của những cá nhân như vậy, dù nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn để nhân lên tinh thần tương thân tương ái với người dân trong tâm dịch”.
Bình luận (0)