Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi'? - Kỳ 1: Không được lên chức thì dứt áo ra đi?

31/05/2018 08:00 GMT+7

TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình tuyển chọn, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hàng trăm trường hợp sau đó rời khu vực công...

Mới đây, 93 “nhân tài” rút khỏi đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.Đà Nẵng. 32 học viên đã bị cơ quan chức năng của TP này khởi kiện. Tương tự Đà Nẵng, ở TP.HCM, hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ cũng “hết duyên” với các cơ quan trong khu vực hành chính công. Điều gì đang xảy ra? Vì sao xảy ra tình trạng này?
***
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, chương trình đào tạo thạc sĩ (Ths), tiến sĩ (TS) nhằm tạo nguồn cán bộ chất lượng cao (gọi tắt là chương trình - PV) được TP.HCM thực hiện khoảng 20 năm trước. Đến nay, có 3 chương trình thực hiện song song: chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
Thạc sĩ, tiến sĩ “hết duyên” với khu vực công
Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, cho biết việc tuyển chọn học viên tham gia các chương trình chủ yếu từ các cơ quan, đơn vị nhà nước của thành phố; sinh viên tốt nghiệp các trường đại học có học lực khá giỏi và có hộ khẩu TP.HCM. Học viên đủ điều kiện trải qua 2 vòng xét chọn: vòng xét chọn hồ sơ hợp lệ và vòng phỏng vấn. Kinh phí ngân sách bỏ ra đào tạo 1 học viên: nếu đào tạo trong nước khoảng từ 50 - 100 triệu đồng, đào tạo ở nước ngoài khoảng từ 500 triệu - 1 tỉ đồng. Điều kiện bắt buộc là học viên phải gắn bó làm việc trong môi trường hành chính công gấp 3 lần thời gian đào tạo (Ths đào tạo 2 năm thì gắn bó 6 năm, TS đào tạo 5 năm thì gắn bó 15 năm). Sau thời gian quy định đó, học viên có quyền lựa chọn môi trường làm việc của mình, là có thể tiếp tục ở lại môi trường hành chính công, hoặc có thể chuyển sang khu vực tư để làm việc.
Học viên chương trình đào tạo Ths, TS tại buổi tổng kết 10 năm của Thành ủy TP.HCM ẢNH: T.L
“Gãy gánh giữa đường”
Anh N.T.L ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), một học viên của chương trình đào tạo Ths, TS do Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM chủ trì, hiện đang công tác tại một đơn vị thuộc Thành ủy TP.HCM. “Tôi thấy bản thân phù hợp môi trường hành chính công nên gắn bó từ nhiều năm qua, mặc dù lương khá thấp, chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Có những học viên cùng đợt của tôi xin nghỉ ra ngoài làm lương cao hơn. Đó là chuyện mỗi người một lựa chọn mà thôi. Tôi chọn sự ổn định và quyết định gắn bó, dù không được đề bạt thì tôi vẫn tiếp tục gắn bó làm việc”, anh L chia sẻ.
Bầu chọn
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?
Cũng là một học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, N.H hiện là Phó phòng thuộc một sở ở TP.HCM. Anh H. cho biết: “Tôi được đưa đi đào tạo Ths ở nước ngoài về, nếu bây giờ ra ngoài làm, mức lương có thể tính hàng chục triệu đồng, còn lương Nhà nước tôi được nhận chưa tới 10 triệu, nhưng vì nhờ có gia đình hỗ trợ thêm nên cũng không có ý định thay đổi môi trường làm việc. Vấn đề mà tôi băn khoăn nhất là thực tế nhiều kiến thức được học không được phát huy hết khi làm việc trong môi trường Nhà nước”.
Tuy nhiên, không phải ai thuộc chương trình đào tạo nhân tài cũng “hài lòng” hoặc “tạm hài lòng” như trường hợp của anh L. và H. Theo Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, trong số những học viên tham gia chương trình, có những trường hợp liên tục gắn bó môi trường hành chính công trên dưới 20 năm nhưng cũng có những trường hợp “gãy gánh giữa đường”, chuyển ra khu vực tư; đáng nói con số này lên đến hàng trăm. Trong số các trường hợp “gãy gánh giữa đường”, có trường hợp hoàn thành đầy đủ cam kết về thời gian làm việc, song cũng có những trường hợp sẵn sàng hoàn trả đầy đủ 100% kinh phí đã được ngân sách bỏ ra đào tạo.
Một cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, nói: “Mục tiêu của chương trình là đào tạo nhân lực để cống hiến, phục vụ. Nếu học viên không còn khát vọng cống hiến trong môi trường hành chính công nữa thì muốn giữ cũng không được. Thực tế với những nhân lực có trình độ cao, Nhà nước không có khả năng trả lương theo kỳ vọng của họ”.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, một số trường hợp thuộc chương trình đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho rằng, do môi trường làm việc ở khu vực hành chính công thiếu sự thăng tiến công bằng; người có năng lực bị “cào bằng” với người thiếu năng lực về lương; thu nhập, vị trí công việc được giao không phù hợp... Đây là người những nguyên nhân chính khiến nhân tài “rũ áo ra đi”.
Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM (cơ quan xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao- PV), cho biết chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Ban đã tuyển chọn 111 trường hợp, trong đó cán bộ, công chức là 45, sinh viên 66 người tham gia vào chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi. Hiện tổng số cán bộ trong chương trình là 899, đã có 424 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm chức danh quản lý trưởng phòng, phó phòng sở ngành, quận, huyện và cán bộ chủ chốt phường, xã, thị trấn; có 67 trường hợp tham gia cấp ủy quận, huyện; 7 trường hợp giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Đối với chương trình đào tạo Ths, TS, từ năm 2016 đến nay Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM xét chọn được 89 học viên, trong đó có 31 sinh viên (tỷ lệ hơn 14%); đã đưa đi đào tạo 81 học viên, trong đó đào tạo trong nước 62 học viên, đào tạo nước ngoài 5 học viên, liên kết đào tạo trong và ngoài nước 14 học viên. Hiện nay tổng số học viên của chương trình đã hoàn thành đào tạo, đang công tác tại các quận, huyện, sở ngành là 754 học viên (gồm 692 thạc sĩ và 52 tiến sĩ), trong đó có 292 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng của các quận, huyện, sở ngành và cán bộ chủ chốt phường, xã, thị trấn.
Riêng chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, hiện có 111 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 32 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị (chủ yếu làm Bí thư, Chủ tịch phường, Phó chủ tịch phường...).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.