Ông Đoàn Ngọc Hải, người được biết đến nhiều qua việc quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường, văn minh đô thị ở Q.1, TP.HCM, vừa nộp đơn xin từ chức chiều 4.6 sau khi nhận quyết định điều động, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV vào buổi sáng cùng ngày.
[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải nói gì khi không còn làm Phó chủ tịch UBND quận 1?
|
Ông Đoàn Ngọc Hải 50 tuổi, quê quán Thanh Trì, Hà Nội, trình độ chuyên môn thạc sĩ chính trị, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cử nhân xã hội học. Trước khi được UBND TP.HCM điều động, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (SGCC, 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM), ông Hải là Phó chủ tịch UBND Q.1 (phụ trách lĩnh vực quản lý đô thị).
2 lần nộp đơn xin từ chức
|
Từ năm 2016, ông Hải được biết đến nhiều vì đã liên tục xuống đường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường, "tuyên chiến" nạn tiểu bậy nơi công cộng, xử lý nạn chó thả rông, đột xuất kiểm tra PCCC... trên địa bàn Q.1. Theo đó, hàng chục bãi xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè ở trung tâm TP bị xử lý dẹp bỏ; hàng ngàn trường hợp đậu xe tùy tiện lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông bị xử phạt; nhiều người có hành vi tiểu bậy nơi công cộng cũng bị xử phạt; nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt nặng vì vi phạm an toàn PCCC...
Ngày 8.1.2018, khi đang quyết liệt ra quân chấn chỉnh lập lại trật tự lòng lề đường, ông Hải bất ngờ nộp đơn xin từ chức. Lý do là “không thể ra trận được nữa”, bởi "muốn làm thì phải được “sếp” gật đầu"... Theo đơn của ông Hải vào thời điểm đó, việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền “và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”...
Trong đơn xin từ chức lần thứ 2, ông Hải trình bày lý do rút đơn xin từ chức lần 1 là được lãnh đạo TP động viên, thuyết phục ở lại. Còn trong đơn xin từ chức lần thứ 2, ông Hải viết khi còn làm Phó chủ tịch UBND Q.1 ông được lãnh đạo TP nhận xét "là một cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm ra nhiều sản phẩm cụ thể". "Vậy điều làm tôi trăn trở là nếu rất đúng, rất dũng cảm, vậy tại sao lại chuyển tôi tới Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV, mặc dù tôi không có bằng cấp liên quan đến ngành xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng", ông Hải tâm tư và viết: "Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có “máu mặt”, và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy".
[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải lần thứ hai nộp đơn xin từ chức
|
“Tiếc khi chưa làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho người dân Q.1”
Tại buổi nhận quyết định điều động, bổ nhiệm sáng 4.6, ông Hải nói: “Tôi đã trình bày rất rõ về nguyện vọng của tôi. Trước đây tôi đã trình bày nguyện vọng của tôi là về làm Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ, hoặc cán bộ Ủy ban MTTQ H.Cần Giờ, nhưng Chủ tịch UBND TP và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy chưa chấp thuận vấn đề này và chưa trả lời tôi”. “Với tư cách là một đảng viên, 3 năm quân ngũ, 25 năm công tác tại Q.1, tôi nghĩ phải chấp hành các quyết định về cán bộ, tổ chức. Tuy nhiên, tôi sẽ có hành động phù hợp với người cán bộ đảng viên trong tình hình hiện nay”, ông nói.
“Hành động phù hợp” là đến đầu giờ chiều 4.6, ông Hải gửi đơn xin từ chức Phó tổng giám đốc SGCC vì “sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, tôi nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác”. Ông cho rằng nếu miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nên ông từ chức”. Trong khi chờ quy trình giải quyết chế độ nghỉ việc sớm 10 năm theo quy định, ông xin phép nghỉ việc 2 tháng không hưởng lương, kể từ ngày 5.6.2019.
Cũng trong đơn xin từ chức lần thứ 2, ông Hải cho biết từng đề đạt với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rằng "nếu không dọn dẹp vỉa hè thì 100 năm nữa TP mình cũng không được như Singapore hiện nay chứ đừng nói đến Singapore 100 năm sau". Theo ông Hải, có một việc cần phải làm hằng ngày, “đó là vỉa hè thông thoáng, văn minh, an toàn (trung bình mỗi năm 100 người chết tại TP.HCM khi họ phải đi bộ dưới lòng đường); buôn bán bừa bãi, nhếch nhác trên vỉa hè góp phần gây kẹt xe nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống cộng đồng bị hạ thấp, thể hiện sự quản lý rất yếu kém…”.
[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải và những phát ngôn "gây bão" trước khi từ chức
|
Chiều 4.6, trả lời PV Thanh Niên, ông Hải cho biết trước khi ra quyết định điều động, UBND TP.HCM có hỏi ý kiến ông. Tuy nhiên, nguyện vọng gắn bó với công tác Đảng hoặc chính quyền vì hợp sở trường mà ông trình bày trước đó đã không được chấp nhận. Ông chia sẻ là rất còn khát vọng nhưng không thể tiếp tục, vì ông “không phải cán bộ luôn vâng dạ, cúi mình trước cấp trên, và rất tiếc khi chưa làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho người dân Q.1”.
Khi PV đề cập đến việc có thông tin cho rằng “ông Hải quậy quá phải điều đi chứ ở lại Q.1 xáo xào không điều hành gì được?”, ông Hải thẳng thắn nói: “Đó là thông tin của một vài cá nhân. Người thẳng thắn, nóng nảy khác với quậy phá. Bố trí cán bộ như vậy nặng tính cá nhân, duy ý chí, không có cơ sở khoa học trong công tác cán bộ”.
Lãnh đạo TP.HCM nói gì ?Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.6, ông Nguyễn Hồ Hải, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, cho biết thời điểm xây dựng quy trình điều động ông Đoàn Ngọc Hải, ông chưa làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy (ông Nguyễn Hồ Hải từ Bí thư Quận ủy Q.3 được điều động làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy ngày 11.4 - PV) nên không thể cho biết ý kiến liên quan đến việc điều động; chưa kể hiện Ban Tổ chức Thành ủy chưa nhận được đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải. Theo ông Hồ Hải, thông tin liên quan PV liên hệ với Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM.
Lý giải việc điều động ông Đoàn Ngọc Hải về SGCC, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trước đây ông Hải có kinh qua nhiệm vụ ở Chi cục Thuế Q.1, và khi làm Phó chủ tịch UBND Q.1 được giao mảng đô thị nên việc điều qua là phù hợp. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.HCM thấy ông Hải năng nổ, xông xáo thực hiện nhiệm vụ, trong khi đội ngũ lãnh đạo ở các tổng công ty thuộc TP còn mỏng, một số nơi yếu nên việc đưa ông Hải về để “xốc” những tổng công ty nhà nước lên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói: “Đây là một tổng công ty lớn chứ có phải nhỏ gì đâu, lại trực thuộc UBND TP.HCM, hệ số lương ngang với phó giám đốc sở. Ngoài ra, ở tổng công ty này hiện chỉ có phó giám đốc phụ trách về kỹ thuật, chuyên môn xây dựng. Về việc này, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã gặp anh Hải trao đổi rồi”. Ông Phong nói thêm: “Anh Hải là cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, mà Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ là một bộ phận khi làm nhân sự trình Ban Thường vụ Thành ủy, đã tổ chức gặp gỡ, phân tích kỹ đối với trường hợp anh Hải, thậm chí gặp rất nhiều lần. Hơn nữa anh Hải thuộc diện Thường vụ Quận ủy Q.1 nên công tác nhân sự phải làm chặt chẽ, nhiều lần chứ đâu phải muốn điều là điều đâu”.
Về nguyện vọng mà ông Hải đề đạt, ông Phong cho biết trước khi điều động cần phải xem nhu cầu ở đơn vị có cần hay không, chứ không phải muốn là điều động. Hiện UBND H.Cần Giờ đã đủ phó chủ tịch rồi và không cần có thêm phó chủ tịch nữa.
Khi được hỏi: “Việc điều chuyển ông Đoàn Ngọc Hải có xuất phát từ thông tin mâu thuẫn của lãnh đạo Q.1 nhiều năm không thể giải quyết được?”, ông Nguyễn Thành Phong cho hay khi làm quy trình điều động ông Hải, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM “không có suy nghĩ đó”.
“Riêng công tác cán bộ thì phải làm đúng quy trình chứ không thể tùy tiện được. Muốn bổ nhiệm cán bộ tại chỗ thì phải qua 5 bước rất rõ ràng”, ông Nguyễn Thành Phong nói và cho biết thêm trong lần đầu tiên ông Hải nộp đơn từ chức và sau đó có đơn xin rút, Sở Nội vụ đã phải hỏi ý kiến Bộ Nội vụ. Sau đó, Bộ Nội vụ trả lời do đơn từ chức chưa được Ban Thường vụ Thành ủy xem xét và ông Đoàn Ngọc Hải thuộc sự quản lý của Thường trực Thành ủy nên quyền quyết định thuộc Ban Thường vụ Thành ủy. Từ đó, Ban Tổ chức Thành ủy và Thường vụ Thành ủy mới chấp nhận đơn xin rút đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải.
T.H - Đ.P
|
Bình luận (0)