Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được tuyên án dưới mức thấp nhất khung hình phạt?

11/12/2020 15:33 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Đức Chung , cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bị truy tố ở khung hình phạt 10 - 15 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trong phiên tòa sáng 11.12, HĐXX tuyên phạt ông Chung 5 năm tù.

Kết quả xét xử 4 bị cáo trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước tại Hà Nội được TAND TP.Hà Nội công bố trưa nay, 11.12, cho thấy có 2/4 bị cáo nhận mức án dưới khung thấp nhất của khung hình phạt.

Vì sao cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù?

Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo quy định tại điều 337 bộ luật Hình sự. HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Quang Dũng (37 tuổi, nguyên cán bộ công an) 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội) 24 tháng tù và Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội) 18 tháng tù, cùng về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại điều 337 bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, cáo trạng của VKSND tối cao truy tố các bị cáo xác định bị cáo Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành. Cả 2 bị cáo này thuộc trường hợp “phạm tội 2 lần trở lên” nên bị truy tố theo khoản 3 điều 337 bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10 - 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố theo khoản 1 điều 337 bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung có 4 tình tiết giảm nhẹ

Trao đổi với Thanh Niên chiều 11.12, luật sư Giang Hồng Thanh, một trong 7 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cho biết khi đưa ra các phán quyết nêu trên, HĐXX đã căn cứ vào khoản 1 điều 54 bộ luật Hình sự: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này”.
“Trong vụ án này, các bị cáo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó có những người được áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Nguyễn Đức Chung”, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, tại phiên tòa sáng nay, cả 4 bị cáo đều nhận tội, khai báo thành khẩn và tỏ ra ăn năn hối lỗi, không ai phản đối bất cứ quan điểm nào của đại diện Viện kiểm sát.
Tại phiên tòa này, các bị cáo đều bày tỏ sự ân hận và gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung gửi lời xin lỗi cử tri vì đã phụ lòng tin của họ.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường cùng một số đơn vị liên quan (còn gọi là đại án Nhật Cường).
Đây là vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Vụ án này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thụ lý. Để nắm được thông tin về đại án Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng, cán bộ C03 cung cấp các thông tin, tài liệu điều tra vụ án.
Từ tháng 7.2019 - 6.2020, bị cáo Phạm Quang Dũng, trong 5 lần, đã chiếm đoạt 9 tài liệu điều tra có mức độ “mật” và chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “mật”.
Các bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc đã tham gia 1 lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu “mật” cho ông Nguyễn Đức Chung.
Trong vụ án này, VKSND tối cao xác định bị cáo Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.