Vì sao xử kín vụ nguyên lãnh đạo, cán bộ FOSCO tham ô hơn 44 tỉ đồng?

04/02/2021 11:51 GMT+7

Được biết Bộ Ngoại giao và FOSCO có đơn xin xử kín nên HĐXX chấp nhận.

Sáng nay (4.2), TAND TP.HCM mở phiên tòa, xét xử kín đối với 18 bị cáo phạm tội “tham ô tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO).
Trong đó, 4 bị cáo có hành vi tham ô hơn 44 tỉ đồng của FOSCO, gồm: Ngô Minh Dũng (Phó giám đốc Trung tâm cung ứng lao động, phụ trách mảng dịch vụ cung ứng lao động), bị cáo Đoàn Trúc Sơn (Trưởng phòng dịch vụ cung ứng lao động), bị cáo Hà Minh Hoàng (nhân viên bảng lương), Trần Hoàng Nguyệt (Phó phòng tài chính – kế toán FOSCO), bị truy tố theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự - BLHS năm 2015, khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
14 bị cáo còn lại bị xét xử về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), khung hình phạt từ 3 năm tù đến 12 năm tù.
Dự kiến vụ án sẽ xét xử trong 2 ngày và xử kín, nhưng sẽ tuyên án công khai.
Lý do xử kín, được biết Bộ Ngoại giao và FOSCO có đơn xin xử kín vì một số nội dung vụ án liên quan đến bí mật kinh doanh

Lập khống 314 chứng từ lương để tham ô hơn 44 tỉ đồng

Theo hồ sơ vụ án, FOSCO là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Ngoài hoạt động về tư vấn quản lý, cung ứng và quản lý nguồn lao động, dịch vụ môi giới bất động sản..; hàng tháng, FOSCO còn là đơn vị trung gian thực hiện việc thu BHXH, BHYT, thực hiện dịch vụ trả lương hộ cho các văn phòng đại diện trên địa bàn TP. Trong đó, Trung tâm cung ứng lao động là một trong những đơn vị trực thuộc và hạch toán phụ thuộc FOSCO.
Cáo trạng nêu, khoảng tháng 6.2012, Nguyễn Tấn Tài (Tổng giám đốc FOSCO, hiện đã chết) thống nhất cùng bị cáo Ngô Minh Dũng (Phó giám đốc Trung tâm cung ứng lao động, phụ trách mảng dịch vụ cung ứng lao động), bị cáo Đoàn Trúc Sơn (Trưởng phòng dịch vụ cung ứng lao động), bị cáo Hà Minh Hoàng (nhân viên bảng lương) về việc lập và ký khống các bảng lương, nhằm mục đích rút tiền từ tài khoản FOSCO để sử dụng làm phí ngoại giao, “bôi trơn” cho các dự án, sử dụng vào các hoạt động khác của công ty và tiêu dùng các nhân như mua xe và bất động sản…
Theo đó, từ tháng 12.2012 – tháng 3.2016, 3 bị cáo trên, cùng Trần Hoàng Nguyệt (Phó phòng tài chính – kế toán FOSCO) đã cấu kết lập khống 314 bộ chứng từ lương do Trung tâm cung ứng lao động đề nghị chi trả cho nhân viên của các đơn vị khách hàng (đã ký Hợp đồng dịch vụ chi trả hộ lương với Trung tâm cung ứng lao động).
Sau khi lập – ký khống 314 bộ chứng từ lương nhằm hợp thức hóa việc chuyển tiền từ tài khoản FOSCO vào các tài khoản khống, các bị cáo đã rút ra sử dụng với số tiền hơn 44 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trần Công Thanh (nguyên Phó tổng giám đốc FOSCO) và 13 bị cáo khác thuộc FOSCO còn có hành vi thiếu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý, không chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho nhóm bị cáo “tham ô tài sản” thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho FOSCO.

Các trường hợp có thể xét xử kín

Liên quan đến vụ FOSCO được xử kín, theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.