'Viên chức suốt đời' sẽ thu hút nhiều người tài vào khu vực nhà nước hơn?

02/09/2019 15:06 GMT+7

Bỏ viên chức suốt đời thì lo viên chức không yên tâm làm việc. Không bỏ viên chức suốt đời thì lo viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Đến nay, việc có duy trì chế độ này không vẫn chưa ngã ngũ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới đây.

Vẫn chưa quyết bỏ viên chức suốt đời

Trong báo cáo này, việc có bỏ viên chức suốt đời hay không vẫn chưa ngã ngũ với những tranh luận đã từ muôn thuở.
Bản thân Chính phủ cũng chưa quyết định được phương án nào tốt hơn, nên tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 vừa qua), đã trình Quốc hội hai phương án.Theo đó, phương án 1: tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phương án 2: viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án 1, đồng nghĩa với việc không còn viên chức suốt đời nữa.  
Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung vào cả hai phương án với những luồng quan điểm hết sức khác nhau.
Phía ủng hộ phương án 1 cho rằng như vậy sẽ tạo động lực cho viên chức làm việc, chấm dứt cảnh “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, làm việc thiếu trách nhiệm, vốn đang là căn bệnh cần cứu chữa trong khu vực công ở Việt Nam.
Phía ủng hộ phương án 2 lại có một nỗi lo “truyền thống” là viên chức sẽ “không yên tâm làm việc”, đặc biệt là giáo viên đang chiếm phần lớn trong số viên chức. Mặt khác, các đại biểu ủng hộ phương án 2 cũng lo lắng việc người sử dụng lao động sẽ được trao quá nhiều quyền, lợi dụng sa thải tràn lan, những lao động lớn tuổi sẽ gặp bất lợi.

Khu vực nhà nước sẽ thiếu cạnh tranh nếu thiếu chế độ “viên chức suốt đời”

Nêu quan điểm của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày luật có hiệu lực thi hành, thì cả hai phương án sẽ cơ bản không có thay đổi về chế độ, chính sách so với hiện hành.
Cụ thể, đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày luật có hiệu lực, thì mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, là một trong những người lo ngại việc người sử dụng lao động sẽ lợi dụng sa thải viên chức bừa bãi nếu bỏ viên chức suốt đời

Ảnh Ngọc Thắng

Ưu điểm của phương án 1, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là góp phần tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập linh hoạt trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm, đồng thời “góp phần bảo đảm được cơ chế cạnh tranh”, “thúc đẩy viên chức đã được tuyển dụng phải liên tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ngược lại, phương án này sẽ tạo ra sự không tương thích với quy định của bộ luật Lao động hiện hành “không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần” và dự thảo bộ luật Lao động đang trình Quốc hội xem xét cũng vẫn theo hướng này.
Phương án này cũng không bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng viên chức (viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày luật có hiệu lực) và ngay trong cùng viên chức được tuyển dụng mới (có loại có thời hạn và loại không có thời hạn).
Đồng thời, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận phương án này “dễ phát sinh tiêu cực, tạo cơ chế “xin - cho” khi hết hạn của hợp đồng”, “tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới”; mặt khác làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập so với khối ngoài công lập.

Giữ chế độ cũ thì làm sao chống được viên chức thiếu phẩm chất?

Ưu điểm của phương án 2 được đánh giá là thống nhất với nguyên tắc bảo vệ người lao động đã được thể hiện trong bộ luật Lao động là “không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần”, là quy định “đã được tính toán rất kỹ” trong quá trình xây dựng bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, được áp dụng thống nhất trong cả khu vực công lập và ngoài công lập.
Dự thảo bộ luật Lao động đang trình Quốc hội xem xét cũng đang tiếp tục thực hiện chính sách này.
Phương án này cũng không gây ra những xáo trộn trong triển khai thực hiện, bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức; tăng khả năng thu hút lao động; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong áp dụng chế độ đối với viên chức tuyển dụng trước và sau ngày luật có hiệu lực.
Thực tế cho thấy, với quy định về chế độ hợp đồng lao động như hiện nay thì khối khu vực tư (bệnh viện tư, trường học dân lập, tư thục...) vẫn đang thực hiện có hiệu quả.
Hạn chế của phương án này là cần có giải pháp khắc phục những bất cập trong khâu đánh giá viên chức, đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không được tiếp tục làm việc.
Do đây là nội dung quan trọng có tác động lớn đến đội ngũ viên chức trong cả nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội còn khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án tiếp tục xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.