'Viện kiểm sát mà nói mạnh về chủ tịch tỉnh thì mai mốt không xin đất được'

12/01/2021 15:17 GMT+7

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thừa nhận việc kiểm sát viên cả nể, nhất là trong các vụ án dân sự, hành chính liên quan lãnh đạo địa phương là thực tế, song cho rằng cả nể là vấn đề của cả hệ thống.

Một vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao tại phiên họp 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12.11 là chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.

Chất lượng tranh tụng chưa đáp ứng yêu cầu

Báo cáo của TAND tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, TAND tối cao tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng. Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết.
Trong khi đó, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội 14, VKSND tối cao đã thực hiện nhiều biện pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. “Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa từng bước được nâng lên”, ông Trí khẳng định.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày khẳng định, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên, nhiều kiểm sát viên đã chủ động tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm rõ nội dung vụ án, đặc biệt là tại nhiều phiên tòa xét xử các vụ án lớn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đánh giá, chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới, còn để xảy ra các trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
“Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới”, bà Nga nêu rõ.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trình bày báo cáo tại Quốc hội

Ảnh Gia Hân

Bên cạnh đó, bà Nga đánh giá, một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.
Nêu ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo của TAND và VKSND làm rõ hơn về tranh tụng tại các phiên tòa, vì cho rằng đây là một trong những nội dung đổi mới trọng tâm của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua.

"Ngay cả viện trưởng có lúc cũng phải kiêng nể"

Giải trình thêm về vấn đề này, Chánh án TAND tối cao khẳng định, TAND tối cao đặc biệt chú trọng cải cách tư pháp, trong đó, đặc biệt là vấn đề tranh tụng tại tòa. “Tranh tụng là con đường đi đến công lý, chúng tôi xác định như vậy”, ông Bình nói.
Tuy vậy, theo Chánh án TAND tối cao, chủ thể tranh tụng tại các phiên tòa không phải là tòa án mà là Viện kiểm sát và luật sư, bên buộc tội và gỡ tội. Tòa án chỉ là cơ quan tạo điều kiện tối đa cho tranh tụng và sử dụng kết quả tranh tụng này. “Chất lượng tranh tụng là phụ thuộc và các chủ thể tranh tụng chứ tòa án chỉ tạo môi trường tranh tụng và tôn trọng tranh tụng”, ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, đối với các vụ án hình sự, đặc biệt là ở cấp T.Ư thì tranh tụng không phải băn khoăn lắm, vì có nhiều tiến bộ nhiều. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, trong tranh tụng của kiểm sát viên ở các phiên tòa dân sự và hành chính thì vẫn còn "2 vấn đề".
Theo ông Trí, vấn đề cả nể mà Ủy ban Tư pháp nêu là có. “Một kiểm sát viên công tác ở VKSND cấp huyện, tỉnh ra toà mà buộc anh phát biểu mạnh về ông chủ tịch tỉnh thì chắc mai mốt không xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo “nói vừa vừa thôi” thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng VKSND tối cao cũng phải dùng thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu”, ông Trí nói.
Theo ông Trí, một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Ngay viện trưởng như ông "cũng có lúc phải kiêng nể".
“Tất nhiên là kiêng nể có nguyên tắc chứ không phải không có nguyên tắc. Vấn đề gì thuộc về lòng tin, về trách nhiệm đối với công việc chung là tôi bảo vệ. Thậm chí, tôi biết tôi bị ghét nhưng vẫn phải làm. Nhưng yêu cầu tất cả các cán bộ dưới quyền đều làm như mình hết thì không phải dễ”, ông Trí nói.
“Tính tôi nói thẳng để các đồng chí chia sẻ, có phê bình, có tiếp thu, có cái nâng lên, nhưng nói không còn ‘cả nể’ thì tôi nói rằng trong hệ thống chúng ta tính ‘cả nể’ còn lớn chứ không phải riêng ở tư pháp”, ông Trí nói thêm.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Một vấn đề khác, theo Viện trưởng VKSND tối cao là các vụ án dân sự, hành chính đòi hỏi kiến thức tổng hợp về kinh tế, xã hội lẫn chuyên ngành. Nếu thiếu những kiến thức đó thì phát biểu tranh luận rất khó khăn.
"Liên quan đến đất đai là phải hiểu về đất đai nhiều thời kỳ, chứ không phải chỉ đất đai đơn thuần. Có những vấn đề từ mấy chục năm trước, bây giờ tranh chấp với nhau, có phải kiểm sát viên nào cũng biết đâu. Như tôi 60 tuổi rồi, khi tôi 45 tuổi thì những vụ việc từ 45 tuổi về sau này tôi biết chứ trước đó tôi cũng không biết được. Trong khi các nghị định của Chính phủ dẫn đến vấn đề bồi thường thì cứ vài năm lại ra một nghị định, tiến sĩ mà không rành về đất đai thì cũng không trả lời, tranh tụng hay phát biểu một cách đầy đủ được đâu”, ông Trí nói, và cho biết gần đây, VKSND tối cao đã yêu cầu tổ chức tập huấn các lớp bồi dưỡng kiến thức bổ sung, nâng kến thức để khắc phục tình trạng này.
Rút kinh nghiệm các phiên tòa thì thấy có tiến bộ, nhưng tốc độ các vụ án hành chính và dân sự tăng rất nhanh trong những năm gần đây từ 250 lên 350 vụ mỗi năm. "Tốc độ như thế cũng áp lực cho chuyện đáp ứng yêu cầu, cả tòa, viện đều có những nỗ lực, cố gắng chuyển biến tốt, nhưng so với yêu cầu là cuộc rượt đuổi, không đơn giản", ông Trí khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.