Viện KSND nhận định Grab là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải

23/10/2018 16:06 GMT+7

Theo đại diện Viện KNSD, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tài tòa, có thể khẳng định Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Chiều 23.10, đại diện Viện KSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (gọi tắt Grab).
Về thẩm quyền thụ lý, theo kiểm sát viên tham gia phiên tòa Phan Ngọc Khanh, Vinasun và Grab là doanh nghiệp, và đây là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; vụ án có yếu tố nước ngoài nên thuộc thẩm quyền tòa kinh tế TAND TP.HCM giải quyết.
Về nội dung vụ án, Viện KSND chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun.
Cụ thể, về quan điểm Grab có phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tương tự Vinasun hay không, theo kiểm sát viên, theo đề án thí điểm của Bộ GTVT, Grab là đơn vị cung ứng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng trong thực tế hoạt động và quá trình xét hỏi, tranh luận tại tòa, Grab không đơn thuần là đơn vị kết nối, bán phần mềm. Viện KSND khẳng định Grab lợi dụng Quyết định 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun.
Về căn cứ pháp lý thể hiện Grab là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, Viện KSND nêu theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, đã thay đổi lần thứ 6 vào ngày 23.5.2018 và cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cũng như tại Điều lệ của Grab, đều thể hiện ngành nghề đăng ký kinh doanh là “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ xe buýt)”.
Về thực tế hoạt động, theo Viện KSND, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có thể khẳng định Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để trực tiếp kinh doanh vận tải, tương tự Vinasun, gồm; tuyển tài xế; trực tiếp điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách; quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước; quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng/giảm mức chiết khấu này; thu tiền trực tiếp từ khách hàng thông qua thẻ tín dụng; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại; trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Grab của tài xế; ban hành các quy định thưởng/phạt tài xế, kể cả những tài xế không nhận đón khách; kết nối với ngân hàng để giúp tài xế vay 90% giá trị xe và mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế.
“Từ cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, đủ cơ sở xác định Grab là chủ doanh nghiệp thực thụ trong việc kinh doanh vận tải hành khách”, kiểm sát viên Phan Ngọc Khanh nhấn mạnh.
Từ những vi phạm pháp luật trên, Viện KSND cho rằng Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun về giảm lợi nhuận và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
HĐXX sẽ nghị án dài ngày, tuyên án vào ngày 29.10 tới.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.
Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng”. Grab đề nghị tòa đình chỉ vụ án hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Đồ họa: Cẩm Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.