Việt Nam công bố thông tin cảnh báo phóng xạ hằng ngày

16/03/2011 19:33 GMT+7

(TNO) Đây là thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) công bố ngày hôm nay 16.3 tại họp báo thông báo về sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11.3.

Lập tổ công tác theo dõi sự cố hạt nhân

Theo thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Bộ KH-CN đã quyết định thành lập Tổ công tác bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Bộ để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và trong nước để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin cho các ngành, các cấp và xã hội kịp thời và chính xác về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

 
Mô hình nhà lò phản ứng của kiểu Fukushima Daiichi 1

Trước dư luận khác nhau về những ảnh hưởng đến Việt Nam sau sự cố nổ liên tiếp các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản, từ hôm nay 16.3, vào 18 giờ hằng ngày, các thông tin cảnh báo cũng như diễn biến của sự cố hạt nhân Nhật Bản sẽ các chuyên gia của tổ công tác cập nhật tại website của Bộ KH-CN: www.most.gov.vn; website của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân: www.varans.vn; và website Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: www.http://www.vaec.gov.vn để người dân quan tâm có thể theo dõi.

Cũng theo thông báo của Bộ KH-CN, theo đánh giá của NISA, cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I là ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự cố quốc tế INES, cao nhất là mức 7 (thảm họa Chernobyl ở Liên Xô cũ, năm 1986, được đánh giá ở mức 7; tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ, năm 1979, được đánh giá ở mức 5).

Nguyên nhân vụ nổ: Do không có hệ thống an toàn tự động

Về nguyên nhân vụ nổ, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhà máy số 1 và 3 nổ là do trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu), vụ nổ đã phá vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Đây là các vụ nổ khí hydro. Tuy nhiên vụ nổ không làm ảnh hưởng đến kết cấu của nhà bảo vệ lò bằng bê tông cốt thép dày trên 1m và lớp thép dày 3 cm, thùng lò áp lực bằng thép dày 15 cm.

PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết: “Sơ bộ có thể thấy rằng, thiết kế của tòa nhà lò phản ứng của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ Richter và sóng thần. Song điểm yếu của hệ thống giải nhiệt dư của nhà máy Fukushima vẫn là sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1960 và 1970 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng”.

Nguyên nhân nổ ở tổ máy số 2 và số 4 còn đang được điều tra. Các vụ nổ và cháy này chưa ảnh hưởng đến kết cấu các lớp bảo vệ an toàn của lò.

Quan trắc phóng xạ chưa phát hiện bất thường

TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN) cho hay, các trạm quan trắc của Việt Nam đo 24 giờ/7 ngày, chưa phát hiện có sự bất thường. Ngoài ra, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện kỹ thuật hạt nhân đo độ phóng xạ trong không khí, các số liệu mẫu cho thấy lãnh thổ Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân.

Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng quốc tế, đám mây phóng xạ bay theo hướng Đông Bắc của Nhật Bản theo hướng gió ra ngoài biển. Dự báo tính đến ngày 18.3, tất cả đám mây phóng xạ bay phần lớn theo hướng Đông Bắc ra ngoài biển và chắc chắn không bay sang Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, ngày 15.3, Bộ KH-CN đã có báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng về toàn bộ sự cố xảy ra tại nhà máy điện Fukushima 1 của Nhật Bản. Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh: “Việt Nam đang bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Những thông tin, đánh giá về sự cố điện hạt nhân sẽ là cơ sở cho các cấp lãnh đạo có thẩm quyền sau này có phương hướng, định hướng đúng đắn cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam”.

 

 Thang sự kiện hạt nhân quốc tế

Để giúp người dân kịp thời hiểu đúng hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của một sự kiện hạt nhân, Bộ KH-CN công bố Thang sự kiện hạt nhân quốc tế (INES) được áp dụng cho mọi cơ sở hạt nhân, như các cơ sở xử lý nhiên liệu, các cơ sở quân sự, các nhà máy điện hạt nhân.

Trong thang sự kiện INES, các sự kiện hạt nhân được phân loại theo mức độ ảnh hưởng từ thấp đến cao (từ mức 0 đến mức 7), kèm theo là các giải thích để làm rõ các thuật ngữ dùng trong các sự kiện khác nhau.

Mức 0 - Sự khác biệt chút ít: Không đáng kể về an toàn

Mức 1 - Bất thường: Vượt quá chế độ vận hành được phép

Mức 2 - Sự cố: Nhiễm xạ lan truyền đáng kể / Công nhân bị nhiễm xạ quá liều

Mức 3 - Sự cố nghiêm trọng: Nhiễm xạ lan truyền nặng / Ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ công nhân

Mức 4 - Tai nạn không gây hậu quả đáng kể ra ngoài: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại đáng kể / công nhân bị nhiễm xạ nguy kịch / hoặc dân chúng bị nhiễm xạ ở mức giới hạn quy định

Mức 5 - Tai nạn gây hậu quả ra ngoài cơ sở: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại nghiêm trọng / hoặc thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức hạn chế: cần thực hiện một phần các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 6 - Tai nạn nghiêm trọng: Thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức đáng kể: cần thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 7 - Tai nạn rất nghiêm trọng: Thoát phóng xạ nhiều: ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường ở phạm vi rộng.

 

               Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.