Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận, phân phối vắc xin Covid-19

23/02/2021 06:11 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long , Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay.

Hiện tại trong năm nay, ít nhất Việt Nam có 60 triệu liều vắc xin. Ngoài các nguồn nhập khẩu và viện trợ, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán mua vắc xin ngừa Covid-19 của Nga và Mỹ.
Bộ Y tế cũng cho hay, trong tháng 2 và 3 sẽ có các lô vắc xin đầu tiên. Dự kiến từ tháng 3 tới, có thể bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị các địa phương cần chủ động tập huấn nhân lực, chuẩn bị các điều kiện cho tiêm chủng, ngay khi được phân bổ vắc xin Covid-19 trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Đã có 3 kho lạnh sẵn sàng trữ vắc xin

Bộ Y tế đã có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Tại quyết định này, ngoài quy định đối tượng ưu tiên, các giai đoạn tiêm vắc xin phòng
Covid-19, quy trình phân phối, Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị phương án kho lạnh để bảo quản vắc xin khi về tới Việt Nam. Theo Bộ Y tế, kết quả khảo sát thực trạng hệ thống dây chuyền lạnh do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) và các đơn vị liên quan thực hiện theo bộ công cụ đánh giá thực trạng dây chuyền lạnh do UNICEF xây dựng. Theo đó, hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của Việt Nam gồm chủ yếu các thiết bị bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, ước tính có thể bảo quản được khoảng 122 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Nhưng có khoảng 26 tỉnh, TP cần bổ sung dây chuyền lạnh với tổng dung tích là 14.358 lít; tuyến quận, huyện có khoảng 92 quận, huyện cần bổ sung với tổng dung tích là 8.829 lít… Tổng thể, Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản và phân phối vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên cần bổ sung trang bị tủ lạnh cho các xã vùng sâu, vùng xa, dự kiến số lượng ít nhất là 2.197 tủ. Đối với thiết bị bảo quản vắc xin phòng Covid-19 từ -25 độ C đến -15 độ C, tổng dung tích sẵn có là 72.000 lít, ước tính có thể bảo quản được khoảng 16 triệu liều. Nhưng dung tích bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ -25 độ C đến -15 độ C tại các tuyến trong tiêm chủng mở rộng Việt Nam còn hạn chế và cần phải bổ sung.     
Duy Tính

Sáng 23.2: Thêm 3 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương liên quan đến ổ dịch Kim Thành

Theo Bộ Y tế, trong số các vắc xin nhập khẩu, điều kiện bảo quản từ 2 - 8 độ C (vắc xin của AstraZeneca), tuy nhiên có một số vắc xin cần được bảo quản lạnh sâu (-80 độ C) như của hãng Pfizer-BioNTech, Moderna. Để chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng cho nhập khẩu, phân phối vắc xin với chất lượng ổn định, Bộ Y tế đã thẩm định, cấp phép cho hệ thống và kho lạnh bảo quản vắc xin, theo đúng yêu cầu ngặt nghèo của nhà sản xuất. Đây là lần đầu tiên trong nước đầu tư hệ thống kho lạnh âm sâu (-86 độ C đến -40 độ C), do Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) triển khai.
Hiện đã có 3 kho lạnh tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội với số lượng bảo quản cùng thời điểm lên đến 3 triệu liều vắc xin Covid-19. Tại mỗi kho lạnh âm sâu sẽ có thêm kho rã đông (nhiệt độ được kiểm soát luôn dưới 8 độ C), đảm bảo vắc xin được rã đông đúng tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả khi được tiêm.
Cũng theo Bộ Y tế, bộ đã cấp phép cho VNVC nhập khẩu vắc xin Covid-19; dự kiến lô đầu tiên 204.000 liều sẽ về VN vào đầu tháng 3.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 22.2: Hải Phòng lại 'nóng' vì các ca bệnh mới

Xã hội hóa trong cung cấp, phân phối vắc xin Covid-19

Về xã hội hóa trong cung cấp, phân phối vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, PGS-TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết để nhập khẩu vắc xin Covid-19, nhà nhập khẩu phải được cấp phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm. Không chỉ cần có kinh nghiệm và có tiềm lực về tài chính, đơn vị nhập khẩu cũng phải có kho bảo quản vắc xin đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải có năng lực phân phối, cung cấp cho nhà nước và cho Bộ Y tế, để khi được phép, họ có thể tổ chức tiêm vắc xin, hỗ trợ cho hệ thống nhà nước.
Theo Bộ Y tế, việc sử dụng vắc xin Covid-19 tại VN tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao, người trực tiếp tham gia chống dịch... Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ, và sẽ sớm có kế hoạch cụ thể về các đối tượng được tiêm chủng ưu tiên, miễn phí, đối tượng tự chi trả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.